Ngày nay, người dân có rất nhiều kênh thông tin để lựa chọn nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của mình, nên phương thức thông tin, tuyên truyền bằng loa truyền thanh trong khu dân cư đô thị trở nên bất cập. Nhiều người dân TPHCM đã gọi đến đường dây nóng Báo SGGP than phiền việc thông tin bằng loa truyền thanh.
Gây ô nhiễm tiếng ồn trầm trọng
Hệ thống loa truyền thanh phường, xã mang nhiệm vụ thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, và thông báo nhanh chóng các việc chính quyền cơ sở cần triển khai, phổ biến đến tận mỗi người dân. Tuy nhiên, ở đô thị ồn ào, loa truyền thanh càng gây ô nhiễm tiếng ồn trầm trọng, nên nhiều người rất khốn khổ vì phải cưỡng bức nghe.
Chúng tôi làm một cuộc khảo sát nhỏ với một số người dân sinh sống tại các quận 2, 5, 8, Bình Thạnh, hầu hết đều cho rằng họ không lắng nghe để tiếp nhận thông tin từ loa truyền thanh phường và cảm thấy bị làm phiền quá đáng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, học tập và nghỉ ngơi. Một số người cao tuổi cho biết, họ có nghe loa truyền thanh, nhưng đề nghị thời gian phát ngắn gọn, chỉ phát khi có thông tin gì thật cần thiết, ngoài các thông tin đã có trên báo đài.
Anh Hồ Thanh Nhựt (ngụ đường Thân Văn Nhiếp, phường An Phú, quận 2) gọi đến đường dây nóng Báo SGGP than: “Gia đình tôi kinh doanh, nên 1 - 2 giờ sáng mới dọn dẹp xong để đi ngủ, thế mà mới 6 giờ sáng đã bị loa truyền thanh phường đánh thức. Nhà tôi ở ngay hướng loa chĩa vào nên dù đóng kín cửa vẫn nghe ầm ĩ, chát chúa như “tra tấn”, gây mệt mỏi, nhức đầu và bực bội cho mọi thành viên trong gia đình”.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Như (ngụ đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, quận 2) cũng kể khổ vì tiếng ồn của loa truyền thanh phường: “Sau khi sinh em bé, tôi phải thuê phòng trọ để ở. Nhà tôi cách loa truyền thanh có 3m, nên mỗi sáng khi đài truyền thanh phường phát bản tin là con tôi giật mình khóc thét, dỗ kiểu gì cũng không nín. Đến mình là người lớn còn thấy nhức tai, đau đầu, huống gì trẻ sơ sinh. Vì vậy vợ chồng tôi phải thuê phòng trọ cách nhà khoảng 200m để tránh tiếng loa”.
Tương tự, một phụ nữ giấu tên (ngụ đường Hưng Phú, phường 9, quận 8) bức bối: “Ngày nào cũng thế, mỗi khi đến giờ loa truyền thanh phát là con gái của tôi 3 tuổi chịu không nổi, quấy khóc”. Một người dân phường 2 quận 8 than: “Loa truyền thanh phường thực sự là nỗi ám ảnh, cứ phát suốt từ 6 giờ 30 đến 7 giờ 30 phút mỗi sáng. Khoảng cách mỗi loa chỉ cách nhau chừng hơn 100m, khiến âm thanh loa này cộng hưởng âm thanh loa kia, nghe rất khó chịu”.
Loa truyền thanh ở phường Bình Trưng Tây (quận 2)
Cuộc sống thành thị không như ở nông thôn, nhiều người thức làm việc khuya, ngủ muộn nên cũng dậy muộn. Hàng ngày họ phải chịu đựng biết bao âm thanh ồn ào hỗn tạp từ tiếng xe cộ, tiếng máy móc… vậy mà mới 6 giờ sáng lại còn bị đánh thức, khổ sở với tiếng loa truyền thanh rột rẹt, ồm ồm, ầm ĩ mà rất khó nghe thì quả là quá sức chịu đựng.
Tồn tại hay không tồn tại?
Trong khi nhiều người dân than bị làm phiền bởi loa truyền thanh phường thì chính quyền các địa phương cho rằng loa truyền thanh là rất cần thiết. Bà Tạ Hồng Đào, Phó Chủ tịch UBND phường 9, quận 8, cho rằng bà chưa nhận được phản ánh nào từ phía người dân về việc loa truyền thanh phường gây ồn.
Bà Tạ Hồng Đào cho biết: “Để tuyên truyền, thông tin đến với người dân, không thể thiếu loa truyền thanh. Tuy nhiên, hiện loa truyền thanh trên địa bàn phường đã bị hư hỏng rất nhiều, do vậy phường đã trình với quận để được thay thế loa truyền thanh mới. Để đỡ gây phiền cho dân, khi thay thế loa mới, phường sẽ xem xét vị trí lắp đặt loa cho phù hợp, không lắp quá sát nhà dân để tránh gây tiếng ồn quá lớn”.
Còn bà Hồ Thị Phước, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Tây, quận 2, khẳng định: “Loa truyền thanh rất hữu ích, như tuyên truyền kịp thời về dịch bệnh, thông báo cho người dân hay biết về những chiêu trò lừa đảo và tình hình trộm cướp vừa diễn ra để mọi người cảnh giác.
Hiện nay phường Bình Trưng Tây rộng 13ha với 27.000 dân, có 15 cụm loa truyền thanh, trong đó 7 cụm loa đã hỏng, chỉ còn 8 cụm đang hoạt động, chủ yếu ở các khu vực công viên, chợ và các tuyến đường chính. Không chỉ riêng phường Bình Trưng Tây mà hầu hết tất cả các phường ở quận 2 đều kiến nghị lên quận xin kinh phí để trang bị thêm loa truyền thanh. Để giải quyết tạm thời, phường còn phải trang bị loa di động cho các khu phố”.
Thiết nghĩ, chúng ta nên điều chỉnh mô hình hoạt động đài truyền thanh phường phù hợp hơn. Trong khu dân cư đô thị không nên duy trì loa truyền thanh vì ồn ào. Người dân hiện đã có nhiều phương tiện công nghệ để tiếp nhận thông tin, phương thức tuyên truyền “cưỡng bức nghe” đã lạc hậu và không hiệu quả. Để giảm ô nhiễm tiếng ồn, chỉ lắp đặt loa ở những nơi công cộng, hạn chế tối đa giờ phát, không nhất thiết phát hàng ngày, mà chỉ phát ngắn gọn khi có việc cần thông tin gấp đến dân, đáp ứng được nhu cầu thật của người dân.
THU HƯỜNG