Nhức nhối“làng tảo hôn”

Nhức nhối“làng tảo hôn”

Nạn tảo hôn thường được nhắc tới ở các miền quê hoặc các huyện miền núi xa xôi. Nhưng đáng ngạc nhiên là tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến tại “làng tảo hôn” xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Sau khi sáp nhập về Hà Nội, cũng như bao làng xã khác thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây cũ, làn sóng bán đất, lấy đất nông nghiệp đã “oanh tạc” Song Phương, khiến một xã cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km đã thay đổi đến không ngờ: Hàng chục dự án khu công nghiệp, khu đô thị mọc lên, xóa sạch những đồng lúa thẳng cánh cò bay. Đời sống nông dân thay đổi chóng mặt. Nhà tranh vách đất, nhà cấp bốn được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng, biệt thự lộng lẫy, đường đi đổ bê tông thênh thang... Tuy nhiên, mặt trái của “cơn lốc” đô thị hóa sau vài năm lại khiến nhiều người mất ăn, mất ngủ khi phải đối mặt với tình trạng thanh thiếu niên bỏ học sớm, thất nghiệp dẫn tới nạn tảo hôn, đua nhau làm đám cưới ở tuổi 16 - 17. Vì vậy, Song Phương mới có cái tên “Làng tảo hôn”.

Đám cưới miệt vườn (Ảnh minh họa). Ảnh: H.NHÂN

Đám cưới miệt vườn (Ảnh minh họa). Ảnh: H.NHÂN

Chúng tôi gặp anh Đặng Văn Nam, 19 tuổi nhưng đã có 2 con, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ 1 tuổi. Hỏi chuyện vợ con, Nam cười hồn nhiên bảo: “Nhà cửa ruộng đất nhiều, không cần phải đi làm”. Vợ chồng Nam giờ chỉ trông vào phần đất gần 1.000m² bố mẹ chia, khi cần tiền, Nam lại bán đất để lấy tiền tiêu xài. Hiện công việc chính của Nam là… ngồi lê ở quán chè chén, “nhường” người vợ trẻ vật vã với 2 đứa trẻ ở nhà.

Khác với trường hợp tảo hôn của Nam, cặp vợ chồng trẻ tuổi 17 Nguyễn Thị Y và Vũ Văn Quyết lại kết hôn vì lỡ “dính bầu”. Họ cũng là con cái của 2 gia đình phất lên nhờ bán đất. Nhiều tiền, họ cho con cái tiêu xài thoải mái. Hậu quả là những cậu ấm, cô chiêu này sớm bỏ học, tập tành chơi bời và nhanh chóng đi vào con đường tảo hôn. Nhiều người chưa tới 40 tuổi đã phải bồng bế cháu một cách bất đắc dĩ. Có những người cao tuổi ở xã Song Phương lắc đầu quầy quậy khi thấy đám cưới trẻ con xuất hiện ngày một nhiều.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây xã cũng có những đám cưới trẻ con nhưng chỉ lác đác, giờ thì chuyện này chẳng còn gì ngạc nhiên. Bọn trẻ bỏ học, không nghề nghiệp, vậy là chỉ còn cách lập gia đình cho cuộc sống sớm ổn định. Mỗi cặp vợ chồng trẻ con cũng được bố mẹ cấp cho mảnh đất riêng, nhưng phần lớn là chỉ sống với nhau được “dăm bữa nửa tháng” là nảy sinh mâu thuẫn, rồi ai về nhà nấy, hoặc bỏ ra thành phố kiếm sống...

Nhiều gia đình có tới 2 con gái lấy chồng ở tuổi 16 - 17. Sau khi sáp nhập với Hà Nội, nhiều khu ruộng của xã nằm trong quy hoạch của một dự án khu công nghiệp, được tiền đền bù, không ít gia đình trong xã có con gái sau khi học hết THPT cũng chẳng muốn học nghề, thành thử có đám hỏi cưới là đồng ý ngay.

Một cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình xã Song Phương thừa nhận, rất khó ngăn cản được những đám cưới trẻ con vì phần lớn những thanh niên nếu nghỉ học đều muốn lập gia đình. Lãnh đạo của xã Song Phương cũng cho biết: “Những trường hợp kết hôn sớm, UBND xã đã phối hợp với Ban tư pháp xã, yêu cầu các bên gia đình lên làm việc và có văn bản chỉ đạo không cho đăng ký kết hôn và cấm tổ chức ăn uống”. Tuy nhiên quy định vẫn chỉ nằm trên giấy chứ hàng ngày, những đám cưới đình đám, rền rang lên tới vài trăm mâm vẫn diễn ra nhức nhối trong lòng xã Song Phương.

HẠNH NHÂN

  • Mù Cang Chải (Yên Bái): 58% trẻ em làm khai sinh quá hạn

Phòng Tư pháp huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết, trong 2 năm 2008 và 2009 đã có 2.483 trẻ được cha mẹ đưa đi đăng ký khai sinh, trong đó 1.251 trẻ em nam và 1.232 trẻ em nữ.

Tuy nhiên, do chưa nhận thức đầy đủ về quyền được khai sinh của trẻ nên chỉ có 896 trẻ được cha mẹ đăng ký khai sinh đúng hạn (chiếm 36%), tỷ lệ đăng ký quá hạn chiếm khoảng 58% và 132 trường hợp đăng ký lại. Tình trạng chưa đăng ký khai đúng hạn cho trẻ em đã gây nhiều khó khăn khi làm thẻ bảo hiểm y tế, xác định độ tuổi cho trẻ đến trường...

B.PHƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục