Những anh hùng ở tuổi lên 8

“Lý lịch trích ngang”…
Những anh hùng ở tuổi lên 8

Truyền thuyết Việt Nam có một anh hùng ở tuổi lên 3 là cậu bé Thánh Gióng với cú vươn vai Phù Đổng, cưỡi ngựa bay, cầm roi sắt đánh giặc giữ nước. Nhưng đây lại là chuyện ở thế kỷ 21 với những con người hiện hữu giữa đời thường, không mang màu huyền thoại. Vậy những anh hùng ở tuổi lên 8, họ là ai?

  • CSMT: Cảnh sát ma túy - Cảnh sát mưu trí!

Khi mới thành lập, Phòng 2 C17 là “binh chủng đa lực lượng”, gồm có CS kinh tế, CS hình sự và CS bảo vệ đưa về. Đa ngành nên cũng đa mưu, có thể nói những chiến công lớn của Phòng 2 đều có điểm khởi đầu nhờ vào mưu trí.

Những anh hùng ở tuổi lên 8 ảnh 1

Tập thể Phòng 2 tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Ảnh: T.L.

Chuyên án đầu tiên là vụ Nguyễn Văn Tám - vụ án ma túy lớn nhất nước vào thời điểm ấy (năm 1998). 2 sĩ quan được giao nhiệm vụ về huyện Xuân Trường (Nam Định) để xác định các đối tượng và phương thức chuyển hàng. Khu vực nhà của Lương Văn Chinh - một trong những đối tượng chính - chỉ có độc đạo dẫn vào và 1 nhà trọ.

Làm sao để có thể ở lại đây trong vài tuần mà không khiến đối tượng nghi ngờ? Đáp án xuất hiện ngay phút đầu tiên khi các anh bước vào nhà trọ, nghe ông chủ than thở với nhân viên rằng không hiểu vì sao đã làm đúng công nghệ rồi mà bia hơi của ông sản xuất vẫn không ngon như bia hơi Hà Nội! Anh trinh sát cao to trắng trẻo liền được đồng đội giới thiệu với ông chủ: “Kỹ sư hóa, vừa tu nghiệp 7 năm bên Đức”.

Ông chủ nhà trọ mừng hơn bắt được vàng, lật đật rước 2 ông khách quý vào ở. “Kỹ sư hóa” dù chỉ mới xuất ngoại sang… Lào và Campuchia vẫn nhập vai ngọt sớt. Anh tìm bản đồ, học thuộc tên vài thành phố, đại lộ ở Đức rồi cứ thế mà “phọt phẹt” khi có người hỏi về chuyện du học!

Còn về quy trình và công nghệ sản xuất bia hơi thì đã có đồng đội của anh “chuyên trị”. Trước đây, anh trinh sát này đã có dịp nghe một kỹ sư hóa vi sinh (thứ thiệt) làm chuyên gia cho nhiều công ty rượu, bia “phổ cập” vài kiến thức về kỹ thuật lên men, xử lý nguồn nước v.v… 3 tuần sau, mắt xích đầu tiên của đường dây ma túy được phá với việc bắt quả tang Lương Văn Chinh vận chuyển 2 bánh heroin.

Vụ tiếp cận để bắt giữ Phạm Bá Dìn - một đầu nậu mua bán heroin ở huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) - càng khó khăn hơn. Không chỉ do địa thế hiểm trở mà còn vì người dân tộc ở vùng cao, vùng sâu trong rừng thường sống khép kín. Trong lúc đang bí cách thì… một bài báo đã giúp các trinh sát.

Các anh kể: “Chúng tôi vẫn nhớ như in cái tít “Con đường bị lãng quên”, viết về con đường ở vùng Quan Hóa, trong chiến dịch Điện Biên được dùng vận chuyển pháo, lương thực cho bộ đội, nay đã xuống cấp nghiêm trọng”. Thế là một đoàn “cán bộ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn” được cử đến Quan Hóa để khảo sát dự án mở đường, xây chợ và nghiên cứu giống, cây trồng năng suất cao. 3 tháng sau, Dìn bị bắt ngay tại chiếu nhậu.

  • Vì một chữ “Nhân”

Một nguyên tắc trong việc bắt giữ đối tượng là phải chọn phương án an toàn nhất. Thế nhưng có những tình huống, các trinh sát lại quyết định chọn cách làm phức tạp, khó khăn hơn. Vì sao như vậy?

Những anh hùng ở tuổi lên 8 ảnh 2

Cảnh sát cơ động luyện tập để sẵn sàng chiến đấu, ứng phó với mọi tình huống. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lô Văn Duyên là một cái tên có “số má” trong giới “ông chủ lớn”, chuyên cung cấp nguồn hàng cho đường dây của Nguyễn Đức Lượng. Duyên “lặn” rất sâu. Khi bố của Duyên - ngụ tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An - bị bệnh nặng, biết thế nào Duyên cũng về thăm nên anh em giăng sẵn mẻ lưới. Thế nhưng, đúng ngày Duyên về thì người bố qua đời. Cuộc hội ý chớp nhoáng của tổ trinh sát về việc đợi Duyên đưa cha ra đồng chôn cất rồi mới bắt đã được nhất trí 100%.

Theo tục lệ của người dân tộc Thái, quan tài để ở nhà gần một tuần lễ. Nhà bố Duyên cheo leo trên quả đồi, chung quanh trống trải. Để giám sát đối tượng, mỗi ngày anh em phải bỏ bao thư, chia nhau đến viếng đám ma. Hai trinh sát trẻ thì thuê 1 con chim mồi, giả làm người bẫy chim để lảng vảng quanh khu nhà.

Chiều thứ sáu, Duyên đưa cha ra đồng. Đến 18 giờ, các trinh sát mang hoa quả, nhang đèn đến thắp hương rồi bảo với Duyên: “Lẽ ra chúng tôi bắt anh ngay từ hôm mới về nhưng vì đạo lý nên đã để anh lo xong hậu sự cho cha”. Duyên rất xúc động, ngay trên đường về Hà Nội đã khai báo rất tỉ mỉ, giúp công an bóc gỡ triệt để đường dây ma túy.

  • Những chuyện “không nói ra thì...”

“Lý lịch trích ngang”…

– Họ và tên: Phòng 2 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C17)
– Ngày sinh: tháng 7 năm 1997
– Thành tích: trong 8 năm, phá 156 chuyên án ma túy lớn; bắt giữ 340 đối tượng; thu giữ 5.071 bánh heroin, gần 950 kg thuốc phiện, hơn 13.000 viên và ống ma túy tổng hợp; thu 284.000 USD, trên 3,3 tỷ đồng, 200 lượng vàng, 92.000 USD giả…
Năm 2005 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Có những lần sau khi đánh án trở về, anh em cứ nhìn nhau cười tủm tỉm. Người ngoài cuộc chẳng hiểu vì sao. Đến ngày làm việc cuối cùng - trước khi trở vào TPHCM, tôi may mắn được nghe vài mẩu trong vô số những chuyện “không nói ra thì không ai biết” ấy.

Lần đó, anh em đi phục bắt một đối tượng sống ở xã vùng cao, khu vực đầu nguồn sông Lam (tỉnh Nghệ An). 3 giờ đêm bắt đầu đi bộ cắt đường rừng, sau 1 tiếng đồng hồ thì đến nơi, các trinh sát chia ra 3 mũi, tiếp tục nằm phục đợi đến lúc đối tượng giao hàng (thường vào 6 giờ sáng) sẽ bắt quả tang. Mũi thứ nhất - có 2 người - núp dưới lòng cống. Trời lạnh cắt da, đang lúc cố gắng chống chọi cơn buồn ngủ thì đột nhiên có tia nước phun ngay vào đầu.

Thật xui xẻo, 4 người đàn ông có lẽ đang trên đường đi về làng đã dừng chân đúng ngay chỗ anh em núp để… tè! Đến rạng sáng, người dân ra suối giặt chiếu. Các chị đồng loạt cầm chiếu đập mạnh xuống suối, nước văng lên vách núi tạo ra tiếng “bùm, bùm”. Tưởng rằng mũi tiếp cận đối tượng đã nổ súng, 2 mũi trinh sát (núp dưới lòng cống và núp trong khe núi) cùng hô nhau chạy ra. Kế hoạch bị bể, đối tượng trốn mất tăm.

Chưa hết xui, cả đoàn dắt nhau trở về quán trọ, thức ăn dọn lên đến món thứ tư vẫn là món cà. Hỏi ra mới biết trước khi hành quân, một trinh sát đã dặn bà chủ hôm sau cho ăn món cá. Có điều, anh là người Hà Tây, phát âm gần như không có dấu nên bà chủ nghe thành “cà”. Thế là, cà pháo, cà bát, cà tím, cà chua được chế biến đủ kiểu. Anh em có thêm một bài học là ở xứ Nghệ, cần phải nói rõ “cá có đuôi, cà có cuống”!

Những tình huống ngoài dự kiến chỉ là một phần trong kho chuyện cười của Phòng 2. Bản thân anh em cũng “rất nghịch”. Có 2 trinh sát đi công tác ngủ cùng phòng. Cái chăn duy nhất bị một anh cuộn tròn không lấy ra được, người kia bèn đổi máy lạnh qua chiều sưởi nóng. Vài ngày sau, khi vào bản vùng cao nắm tình hình, anh quấn chăn “trả đũa”, giới thiệu người cùng đi với mình là “bác sĩ phụ khoa”. Vị “bác sĩ bất đắc dĩ” phải tìm đủ cách thoái thác khi chị em cứ khẩn khoản nhờ khám bệnh!

Và câu chuyện về một tập thể đã bước qua những khó khăn, gian khổ trong trận tuyến chống tội phạm ma túy bằng các phẩm chất “Trí – Dũng – Nhân”, trở thành anh hùng ở tuổi lên 8 vẫn đang được từng thành viên viết tiếp để nối dài thêm những chiến công…  

PHONG LAN

Tin cùng chuyên mục