Những bất ổn từ… “4 tại chỗ”

Biến đổi khí hậu ngày càng tăng, thiên tai ngày càng khốc liệt. Miền Trung mỗi năm lại gồng mình chống chọi với mưa bão lũ nhiều hơn nên công tác phòng chống luôn được đặt lên hàng đầu.  Phương châm “4 tại chỗ” như định hướng “chiến lược” nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện tốt khiến công tác phòng chống lụt bão mang lại hiệu quả thấp.
Những bất ổn từ… “4 tại chỗ”

Biến đổi khí hậu ngày càng tăng, thiên tai ngày càng khốc liệt. Miền Trung mỗi năm lại gồng mình chống chọi với mưa bão lũ nhiều hơn nên công tác phòng chống luôn được đặt lên hàng đầu.  Phương châm “4 tại chỗ” như định hướng “chiến lược” nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện tốt khiến công tác phòng chống lụt bão mang lại hiệu quả thấp.

Người dân miền Trung tránh lũ

Thiếu phương tiện thiết yếu

Xã Tịnh An (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) nằm cuối nguồn sông Trà Khúc. Vì vậy, chỉ cần phía thượng nguồn có mưa trung bình từ 50 - 100mm, kéo dài khoảng 2 ngày là vùng rốn lũ nước đã mênh mông. Xác định mức độ nguy hiểm của những trận lũ khi có mưa lớn, xã Tịnh An luôn đề nghị huyện Sơn Tịnh cấp kinh phí và phương tiện để mua sắm thiết bị cứu sinh khi có tình huống bất trắc xảy ra, nhất là địa bàn hai thôn Ân Phú và Tân Lập, nằm giữa sông Trà Khúc hay còn gọi là “ốc đảo”. “Vậy nhưng, hiện nay mỗi thôn cũng chỉ được một ghe, mà ghe chèo tay chứ không phải ghe máy. Gặp mực nước báo động 1, 2 là… ghe cũng xoay tròn luôn” - Chủ tịch UBND xã Tịnh An Lý Hồng Sơn cho biết. Theo ông Sơn, ghe cứu hộ tại nhà dân hầu hết do dân tự sắm. Trong khi đó, xã mới được cấp thêm 4 ghe nữa, nâng lên 6 chiếc nhưng cũng chỉ ghe chèo tay ít phát huy tác dụng, còn ghe máy như xã đề nghị thì chưa có.

Về lực lượng cứu hộ tại chỗ, theo ông Sơn, việc tập huấn rất ít nên khi xảy ra lũ lớn là tạm thời không di chuyển vì sợ… tai nạn. Về thiết bị liên lạc, ông Sơn cũng thừa nhận tình trạng… bất động nếu có lũ lớn. “Gần như không thể liên lạc được vì nhà mạng lúc đó cũng mất liên lạc”. Lý giải vì sao xung quanh UBND xã Tịnh An có đến mấy trạm BTS (thu phát sóng di động) mà thông tin vẫn bị “đứt”, ông Sơn cười bảo ngó cao vậy chứ nước lên là nhấn chìm liền. “Còn máy Icom trang bị cho xã nhưng khi gặp lũ cũng nói không ra hơi, cứ ẹc ẹc như nghẹt mũi, nghe không tròn âm thì làm sao chỉ đạo và nghe chỉ đạo được” - ông Sơn nói thêm.

Nếu Tịnh An là rốn lũ của vùng hạ lưu sông Trà Khúc chịu lũ đầu tiên thì xã Tịnh Long, bên dưới xã Tịnh An lại là túi chứa nước khi lũ tràn về. “xã Tịnh Long loay hoay mãi với bài toán phương châm 4 tại chỗ nhưng khổ nỗi kinh phí của xã eo hẹp, chờ cấp phát từ trên xuống thì nhỏ giọt, nên khi có lũ chỉ biết thông báo cho dân đến UBND xã, trường học hay trạm y tế để tránh thiệt hại về người, chứ của cải thì… tùy lũ” - Chủ tịch xã Tịnh Long Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

“Những năm gần đây mỗi khi có lũ, nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai để di dân tại chỗ đến nơi an toàn đã phát huy tác dụng rõ rệt. Vậy nhưng, số lượng còn quá ít. Trong số 7 công trình đã xây dựng tại Quảng Ngãi, công trình thấp nhất có vốn đầu tư gần 800 triệu đồng, còn công trình cao nhất gần 6 tỷ đồng. Vì vậy, để xây dựng được một công trình, phải kêu gọi vốn đầu tư từ rất nhiều nguồn khác nhau. Thế nên, dù đã thấy được hiệu quả mang lại của các công trình này qua nhiều đợt bão lũ, nhưng do vốn lớn nên việc nhân rộng gặp nhiều khó khăn”, ông Bùi Đức Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai Quảng Ngãi, nhận định.

Tại Quảng Bình, năm 2010 lũ lịch sử nhấn chìm toàn bộ xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) dưới 30m nước. Thời điểm đó, chỉ huy tại chỗ, lương thực tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ đều không phát huy tác dụng. Ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Vấn đề 4 tại chỗ lúc đó có… vấn đề. Một là do lũ quá lớn, hai là có phần chủ quan. Chính vì thế nên người dân vào lúc đó mạnh ai nấy chạy lên hang đá để tự cứu mình”.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn năm 2013, nhiều đại biểu tỉnh Quảng Nam cho rằng thời gian qua việc đối phó với thiên tai còn bộc lộ nhiều tồn tại. Theo đó, lực lượng cán bộ chuyên trách phòng chống bão lũ không đảm bảo yêu cầu, ở tuyến tỉnh thì quá mỏng, còn ở tuyến huyện và xã lại… chưa có. Số lượng cộng đồng dễ bị tổn thương nhiều, trong khi năng lực ứng phó tại chỗ của chính quyền và nhân dân chưa tốt vì thiếu phương tiện, trang thiết bị…

Có lúc chưa nghiêm túc

Theo ông Võ Văn Điềm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam thì “chỉ huy tại chỗ” là một trong 4 phương châm nhưng công tác trực ban của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã có lúc chưa nghiêm túc, nhất là trong những ngày cuối tuần một số đơn vị không có người trực để theo dõi nên các công điện, bản tin, văn bản chỉ đạo của tỉnh không được xử lý kịp thời.

Đề cập đến vấn đề chỉ huy tại chỗ ông Nguyễn Viết Anh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) dẫn chứng: Tháng 10-2013, Quảng Bình bị siêu bão số 10 tàn phá nghiêm trọng, hệ thống thông tin liên lạc bị ngưng trệ nhiều ngày. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã phải thốt lên là hệ thống thông tin dự phòng của VNPT và các nhà mạng khác đã không tính trước hậu quả, khiến chỉ đạo tại chỗ lúc đó rất khó khăn. Ông Nguyễn Viết Anh đề xuất: “Để phát huy hơn nữa hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” khi mùa bão lũ đang đến, có 3 việc cần được chỉ đạo và làm thật tốt: Khẩn trương kiểm tra công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” để cụ thể hóa phù hợp địa bàn và cụm dân cư từng xã, thôn; phân công, phân nhiệm cụ thể việc chỉ huy tại chỗ (mỗi người phụ trách từ một đến hai thôn; trưởng thôn chọn ra từ 3 - 5 người phụ trách từ 10 - 12 hộ) khi xảy ra bão lũ, trưởng thôn chịu trách nhiệm tác chiến tại chỗ. Để thực hiện “phương tiện tại chỗ” huyện, nhất là xã phải nắm được danh sách tất cả các xuồng máy, đò chèo tay của người dân trong các xã, các thôn và chủ các phương tiện này được phân công cụ thể khi bão lũ xảy ra, phương tiện của mình ở đâu và cứu ai, tất cả phải sẵn sàng; ưu tiên đầu tư đẩy nhanh tốc độ xây dựng các công trình dân sinh tránh lũ (trạm y tế; trường học; nhà chứa thóc vượt lũ...).

Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trên, mới đây, tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống lụt bão năm 2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Phạm Trường Thọ cho rằng, bão lũ ngày càng diễn biến phức tạp khó lường, không thể đợi “nước đến chân mới nhảy”, chính vì vậy các địa phương cần chủ động sớm xây dựng phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, nhưng  phải cụ thể, sát với thực tế của nhiều địa phương. Trong đó, kịch bản phải đưa ra được các tình huống phòng chống bão, phòng chống lũ, xác định trách nhiệm của từng cá nhân trong Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và phải xác định được vị trí di dời, sơ tán dân. Đặc biệt ông lưu ý tổ chức thực hiện nghiêm túc “4 tại chỗ” ở mỗi địa bàn, trong đó chú ý đến chủ động phương tiện cứu hộ, cứu nạn phù hợp với từng địa bàn để sẵn sàng ứng cứu nhân dân trong các trường hợp khẩn cấp…

HÀ MINH - MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục