
Vườn chim ấy đang trở thành một điểm tham quan thú vị cho nhiều du khách khi đến Nha Trang. Trung bình đàn có trên 500 con vạc. Sau tháng 9 Âm lịch thì đàn lên cả ngàn con, chúng ở đây qua cả mùa xuân. Người đang sở hữu vườn chim độc nhất vô nhị trong lòng thành phố Nha Trang là anh Nguyễn Văn Hưng ở thôn Vĩnh Xuân , xã Vĩnh Thái, Nha Trang.

Vạc trong rừng đước.
Am hiểu chút ít về cây cỏ, ông Đỏ (ba anh Hưng) đã gây giống đước sẻ. Đây là một loại cây khá đẹp, thường mọc độc lập trong vùng nước ngập mặn hoặc nước lợ, xòe tán rộng, rễ chĩa nhiều nhánh đâm sâu xuống lòng đất. Gốc đước trở thành môi trường thích hợp cho các loài tôm cua sinh sống, phát triển nhanh.
Trong khi những người em trong nhà bắt đầu phá rừng, áp dụng kỹ thuật nuôi tôm theo công nghiệp thì anh Hưng vẫn giữ lại cánh rừng đang xòe tán này. Anh Hưng nói: “Đã từng theo cha từ khi còn rất nhỏ vào rừng, tôi hiểu và lắng nghe được tiếng rễ cây cựa mình, sinh sản. Vì thế tôi quyết giữ lại rừng”.
Anh Hưng yêu màu xanh của rừng và anh cũng đã phát hiện ra rằng đàn vạc gần như không còn một nơi nào trú ẩn giữa lòng đô thị. Chúng đang tìm về nơi cánh rừng của anh.
Anh Hưng kể cách đây một năm, có một du khách nước ngoài đạp xe đạp đi lang thang, bất ngờ nhìn thấy cánh rừng, ông đã vào tìm anh và xin được chèo thuyền, đi lọt vào trong tận những tán đước xòe. Ngày hôm sau, ông dẫn thêm 10 người bạn nữa tới ngắm nhìn cánh rừng.
Những du khách nước ngoài kia rất thích thú khi ngắm nhìn đàn vạc bay chao trong màu xanh của rừng. Từ những người khách đầu tiên đó, vườn chim của anh Hưng đãõ trở thành “điểm du lịch bụi” của một số du khách nước ngoài. Khi về nước họ truyền miệng cho nhau.
Nhưng đường đi đến vườn chim phải băng qua các đìa tôm, lại chẳng có địa chỉ nên nhiều người không tìm ra vườn chim. Một số hướng dẫn viên du lịch khi được du khách đề nghị đi thăm vườn chim cũng chẳng biết đường tìm tới. Đó cũng là điều đáng tiếc.
Đi thăm vườn chim của anh Hưng có hai cách. Cách thứ nhất là đi dọc theo bờ đê, kiên trì đợi chim bay. Nhưng như thế không thú vị bằng theo anh lên con thuyền nhỏ vào rừng. Anh Hưng bảo vệ đàn vạc từng ngày, do đó gần như anh rất ít khi đi vắng.
Anh nói: “Có người điều đình cho phép họ săn vạc trong cánh rừng của tôi cho vui. Nhưng tôi không đồng ý. Đàn vạc chỉ còn nơi này là nhà của chúng”.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG