
Từ năm 2004 đến nay, ở hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế, có ít nhất ba chiếc cầu dân sinh đã ra đời từ ý tưởng sáng tạo và lòng hảo tâm của các nông dân. Ngày 2-12-2005 vừa qua, thêm một chiếc cầu phao trị giá hơn 1 tỷ đồng do nông dân bỏ tiền ra xây dựng trên dòng Thạch Hãn.
- 2 chiếc cầu phao của 5 anh nông dân

Cầu phao Trung Yên (Quảng Trị) do 5 nông dân sáng chế.
Tại Quảng Trị, ở hai bên lưu vực con sông Thạch Hãn có hàng chục vạn người dân sinh sống, thế nhưng đi lại qua sông mỗi ngày bằng thuyền rất khó khăn, nguy hiểm. Thế là một nhóm nông dân ở xã Triệu Độ có sáng kiến bắc cầu phao qua sông Thạch Hãn để việc đi lại được dễ dàng.
Anh Trương Đăng Duệ, đại diện cho 5 nông dân thôn Trung Yên (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nhớ lại: “Buổi đầu khi nghe tin anh em tui làm cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn, ai cũng bất ngờ. Ông Vũ Trọng Kim, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, gọi điện về hỏi: “Chuyện các anh chuẩn bị làm cầu phao qua sông Thạch Hãn có thật không?”.
Tôi trả lời: “Thật bác ạ!”. Hôm sau, ông Kim lặn lội xuống xã Triệu Độ ngồi nghe 5 anh trình bày ý tưởng về chiếc cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn. Cầu có chiều dài 200m, rộng 2,5m, được thiết kế bằng ván và sắt, đặt trên 580 cái phao (thùng phuy bằng nhựa), chia thành 15 khoang.
Nghe xong, ông Vũ Trọng Kim cười vui ra mặt và tuyên bố sẽ ủng hộ sáng kiến làm cầu của chúng tôi. Thế nhưng, khi xem hồ sơ, chẳng cơ quan chuyên môn nào dám ký duyệt cho làm cầu. Các anh phải thay phiên nhau ra Hà Nội đến gặp Công ty Tư vấn xây dựng công trình thủy 1 Hà Nội nhờ tư vấn trên ý tưởng, mô hình và vật liệu có sẵn của mình. Mất một năm rưỡi chạy giấy tờ, thủ tục với hơn 10 con dấu, cuối cùng công trình cũng được Sở Giao thông- Vận tải Quảng Trị cấp phép cho thi công.
Để hoàn được 850 triệu đồng vốn đầu tư làm cầu phao, mỗi ngày 5 nông dân thay nhau bán vé cho người qua cầu. Mỗi vòng qua về xe honda vé 2.000 đồng, xe đạp 1.000 đồng. Các học sinh, giáo viên mua vé tháng với giá 20 ngàn đồng. Anh Trương Đăng Duệ, trưởng nhóm, cho biết có thể phải mất 4 năm sau ngày đưa cầu vào sử dụng mới thu đầy đủ vốn đầu tư. Tuy phải mua vé qua cầu nhưng bà con vẫn vui vẻ vì theo họ giá rất rẻ.
Hơn nữa, chiếc cầu phao dài 200m này đã rút ngắn đoạn đường từ thị xã Đông Hà về vùng Đông Bắc huyện Triệu Phong đến 34km. Mùa mưa lũ, nước trên sông Thạch Hãn rất mạnh hoặc có tàu thuyền lớn đi qua thì làm sao? Anh Duệ cho biết những lúc ấy sẽ tháo cầu ra. Vì cầu được thiết kế cơ động, có 15 khoang (nhịp) gắn kết với nhau nên chỉ mất 15 phút là tháo hết được cả chiếc cầu.
Thấy cầu phao Trung Yên ở Quảng Trị quá thuận lợi, nhiều tỉnh ở miền Trung đã về học tập kinh nghiệm làm cầu. Về phần mình, các anh cũng quyết định bỏ ra hơn 1 tỷ đồng làm thêm một chiếc cầu phao nữa trên sông Thạch Hãn tại xã Triệu Thịnh huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Ngày 2-12-2005, chiếc cầu phao thứ hai này đã được khánh thành.
- Bán hết đất vườn nhà để xây cầu
Câu chuyện cảm động này diễn ra tại xã Hương Sơ, phía Bắc thành phố Huế. Chủ nhân của hai chiếc cầu bê tông mới được khánh thành là ông Lê Đình Trang, năm nay 89 tuổi. Gần nhà ông Trang có chiếc cầu tre cũ kỹ, ọp ẹp, bắc qua một nhánh sông làm cầu nối cho người dân vào thành phố sinh hoạt, buôn bán.
Nhiều lần ông Trang chứng kiến học sinh, người dân chen chúc nhau qua cầu gập ghềnh vào giờ cao điểm; có em không may trượt chân xuống cầu, áo quần, sách vở ướt sũng. Ông về nhà bàn với vợ quyết định xây cầu bê tông giúp mọi người qua lại cho tiện. Hai vợ chồng lẳng lặng mở kế hoạch tiết kiệm. Đó là phần tiền dành dụm từ việc bán mớ rau, quả trong vườn và tiền con cái ở xã gửi về làm quà cho ông bà, tiền chế độ chính sách nhà nước cấp cho ông hàng tháng…
Có đủ tiền, ông mời một kỹ sư thiết kế cầu đường đứng ra nhận trách nhiệm thi công kỹ thuật. Những ngày làm cầu bà con trong xã Hương Sơ thấy ông Trang xắn quần quá gối lặn lội xuống sông đôn đốc anh em công nhân làm việc. Sau bốn tháng thi công, chiếc cầu dài 30m, rộng 4m bằng bê tông cốt thép đã hoàn thành trong niềm vui của người dân địa phương.
Một thời gian sau, khi sang làng bên thăm người bà con, ông Trang tận mắt chứng kiến người chồng cầm đèn cho vợ mò mẫm từng bước trên chiếc cầu tre, trên vai nặng gánh rau muống vào chợ ban mai. Do cầu tre gãy sẵn, người phụ nữ vô ý nên trượt chân rơi xuống cầu. Ông Trang lại trở về bàn với vợ bán hết đất trong vườn nhà, lấy tiền xây dựng thêm một chiếc cầu.
Bây giờ, hàng ngày ông ra hai chiếâc cầu do mình tự bỏ tiền xây dựng đứng nhìn bà con đi lại trên cầu tự tin, không còn run sợ vì cầu bấp bênh như trước nữa, lòng ông vui lắm. Ông nói: “Ước mơ lâu nay của tôi làm cầu giúp bà con nông dân nghèo đã thành sự thật. Tôi không thu một đồng nào. Bây giờ có chết tôi cũng thấy vui lòng”. Các con ông hết sức bất ngờ khi biết tin cha mẹ bán hết đất vườn lấy tiền làm cầu giúp dân nhưng họ rất vui vì cha mẹ đã làm được một việc hết sức có ý nghĩa cho cuộc đời.
LAM KHANH