Những chuyển động mới ở châu Á - Thái Bình Dương

Những ngày qua, dư luận thế giới đặc biệt quan tâm đến chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, trong đó tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương. Và dường như không ai bảo ai, tất cả các nhà phân tích, và cả Trung Quốc, đều nhận định chiến lược này nhằm kiềm chế vai trò đang lên của Trung Quốc.

Trên thực tế, chiến lược tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương đã được nhấn mạnh từ đầu năm 2011. Và nếu nhìn tổng thể tình hình địa chính trị, kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thấy còn nhiều vấn đề thu hút sự chú ý của Mỹ.

Những chuyển động trong khu vực trong thời gian qua về kinh tế, chính trị và quân sự đều có ảnh hưởng lớn đến tình hình thế giới. Trước hết là vấn đề tranh chấp trên biển Đông giữa 4 nước ASEAN, trong đó có cả đồng minh của Mỹ, và Trung Quốc nổi lên trong năm. Nhưng nhờ sự kiềm chế và nỗ lực duy trình hòa bình của các bên nên tình hình đã lắng dịu và các bên đang hướng tới việc đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.

Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới với 1/3 lượng tàu bè trên thế giới đi qua con đường này, chưa kể trữ lượng dầu được dự đoán là khá lớn. Nếu chiến tranh xảy ra hay một quốc gia nào nắm quyền kiểm soát toàn bộ tuyến đường này thì không nói ai cũng biết hậu quả của nó sẽ như thế nào.

Tiếp theo, từ cuối năm 2010, CHDCND Triều Tiên đã công bố người kế nhiệm nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Với việc thông tin về nhà lãnh đạo tương lai của quốc gia này còn rất hạn chế, không chỉ Mỹ mà dư luận thế giới không thể đoán trước tương lai chính sách đối ngoại của đất nước này. Vì vậy việc Mỹ chú ý hơn tới khu vực cũng không nằm ngoài dự đoán của dư luận. Có thể thấy, hiện nay đất nước này đã từng bước mở cửa thông tin.

Việc đài truyền hình quốc gia gần đây liên tục đưa hình ảnh và tin tức về hoạt động nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, đại sứ quán của họ chủ động gửi các bản tin hàng tháng tới báo chí một số quốc gia, một động thái hiếm có dưới thời Kim Jong-il, cho thấy nước này đang cố gắng giới thiệu với thế giới hình ảnh đất nước mình. Động thái này cũng đang thu hút sự chú ý của thế giới.

Dưới thời Tổng thống G.W.Bush, châu Á - Thái Bình Dương không nằm trong ưu tiên đối ngoại của Mỹ mà là Trung Đông và Trung Á bởi hai lý do dầu lửa và vị trí chiến lược. Chính phủ của ông Bush thừa kế quan điểm của thế hệ cha mình xem dầu lửa là động lực tăng trưởng.

Giờ đây Mỹ chú ý vào châu Á - Thái Bình Dương vì khu vực đang được đánh giá năng động nhất trong phát triển và hợp tác kinh tế trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn trì trệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Và quan trọng hơn, có vẻ như Mỹ đã kiểm soát được nguồn dầu Trung Đông và Bắc Phi. Những năm  trước, trong lúc các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào khu vực thì đất nước này cũng đồng thời là thị trường tiêu thụ của họ.

Nay chính phủ của ông Obama mong muốn các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành thị trường của họ với mục đích lớn nhất là có cơ hội tạo việc làm cho người lao động Mỹ. Dự án trao đổi mậu dịch tự do của Mỹ đối với vùng này cũng nằm trong mục tiêu đó. Mỹ tận dụng các cuộc gặp cấp cao trong khuôn khổ APEC, ASEAN và với các nước Đông Nam Á để nắm bắt cơ hội kinh tế, từ đó đưa ra một kế hoạch hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ bao gồm 12 nước.

Về kinh tế, sự phụ thuộc lẫn nhau tăng lên ở châu Á. Các nước châu Á buôn bán với nhau nhiều hơn với các nước ngoài khu vực, trong khi khu vực này chiếm 35% GDP toàn cầu và các nhà kinh tế dự báo có thể tăng 45% vào năm 2020 nếu hồi phục kinh tế đạt tốc độ hiện nay. Mỹ không muốn chậm chân tại đây.

Vì vậy chiến lược quốc phòng của Mỹ còn nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và vì vai trò quan trọng của khu vực nên các nhà phân tích cũng dự báo trong mọi trường hợp, hòa bình và ổn định vẫn sẽ luôn được xem là ưu tiên hàng đầu.

Việt Trung

Tin cùng chuyên mục