Từ khi các sòng bạc ở Campuchia dựng lên sát biên giới Việt Nam, nhiều người Việt kéo nhau sang đây mong kiếm vận may. Nhưng vận may đâu không thấy, chỉ thấy sạch túi và còn mang nợ đến nỗi phải bị giam cầm, tra tấn. Có người đã quẫn trí tự tử, có kẻ trở nên thân tàn ma dại, không biết ngày nào có thể trở về. Lời kể của những người vừa may mắn thoát khỏi “địa ngục” nhờ được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45B) Bộ Công an Việt Nam giải cứu, là bài học cảnh tỉnh cho những ai còn mê muội về con đường cờ bạc ở bên kia biên giới…
Xôi giả, vạ thật
Đã gặp lại thân nhân nhưng Nguyễn Minh Tân (SN 1992, ngụ tỉnh Bến Tre) vẫn chưa hoàn hồn về những ngày tháng đã trải qua ở các sòng bài tại Campuchia. Tháng 2-2010, Tân nói với gia đình theo bạn qua Campuchia nuôi gà thuê. Thực ra, Tân đi… đánh bạc. “Đốt” trụi 9 triệu đồng mang theo nhưng Tân không về nhà mà đi theo một người bạn mới quen tại sòng bài, vào casino Chateau vay 3.000 USD của một chủ sổ người Campuchia và thua hết nên bị chủ sổ bắt giữ.
Được gia đình chuộc về chưa bao lâu, 2 tháng sau, Tân lại vượt biên, vào casino Chateau vay 5.000 USD, chơi từ 21 giờ hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau thì hết. Hôm sau, Tân lại vào casino Titan vay 3.000 USD của 1 chủ sổ người Việt và số tiền trên cũng “bốc hơi” chỉ sau 3 tiếng đồng hồ. Lần này, Tân ăn “cơm tù” suốt nửa tháng ở casino mới được gia đình, sau khi đã bán nhà cửa, chuộc về.
Được ít ngày, Tân xin phép gia đình lên TPHCM làm công cho nhà hàng. Cả nhà mừng mừng tủi tủi tiễn Tân đi làm. Những tưởng con biết hối cải, từ đây chí thú làm ăn, nào ngờ, ngày 8-6, Tân lại mò sang Campuchia đánh bạc, cũng lại thua hết tiền và vay nợ 2.000 USD. Tân lại điện thoại về nhà xin tiền chuộc mạng nhưng đến lúc này, gia đình Tân đã khánh kiệt, không còn khả năng chuộc thân cho Tân...
Không đợi được lâu, ngày 9-7, các chủ sổ cho Tân và Trương Toàn (SN 1985, ngụ quận 10, TPHCM), uống thuốc giảm đau rồi cho 2 người lựa chọn ngón tay bất kỳ để chặt. “Họ kêu chặt Toàn trước, kê tay Toàn lên thớt rồi để dao lên, dùng chày đập xuống cho đứt lóng ngón tay út trái. Và, đến lượt tôi…” - Tân lắp bắp nhớ lại trong cơn sợ hãi.
Ông Nguyễn Văn Tr. (SN 1968, cha của Tân) xót xa: “Nuôi con, con ngã cũng xót ruột. Khi nhận được thư của Tân, sau hai lớp phong bì, thấy lá thư dính đầy máu và bên trong có một phần ngón tay áp út của bàn tay trái, cả gia đình muốn ngất xỉu. Sau đó, gia đình còn nhận được điện thoại hỏi tính toán sao; nếu không sẽ tiếp tục nhận được nhiều thư có “mẫu” như thế. Đau đớn, nhục nhã quá!”.
Cũng sang Campuchia với kỳ vọng đổi đời nhờ trò đỏ đen nhưng mỗi lần qua đất bạn là mỗi lần bà Trần Thị Diệu (SN 1962, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) lại lún sâu vào tội lỗi và hố thẳm nợ nần. Nhiều lần bà Diệu mang tiền, vàng của gia đình sang Campuchia đánh bạc. Hết tiền, vay nợ không có tiền trả, bà Diệu bị bắt giữ. Gia đình phải đôn đáo ngược xuôi xoay xở mang tiền sang chuộc mạng, khi thì 6.000 USD, khi gần 1 tỷ đồng. Gần đây nhất, ngày 7-7, bà Diệu lại tiếp tục sang Campuchia đánh bạc, thua hết tiền nên bị chủ sổ giam giữ, vì gia đình chưa vay được tiền nên bà Diệu bị tra khảo, đánh đập tàn bạo…
Các con thiêu thân vào casino ở biên giới Campuchia hầu hết đều sa vào bẫy cờ bạc bịp, vay nợ và ai cũng được “hưởng” những trận đòn nhớ đời khi bị giam giữ.
Khốn đốn gia đình
“Con có lỗi với má nhiều lắm, giờ đây con sống khổ cực ở Campuchia, bị đánh đập thê thảm. Ngày hôm nay người ta gửi ngón tay về nhà làm tang chứng cho má biết và trong vòng 3 ngày nữa gia đình đem tiền lên chuộc, nếu không người ta sẽ giết con chết…”. Nhận được bức thư với nội dung như trên kèm theo tín vật là một lóng ngón tay út của con trai Trương Toàn, bà Bùi Thị Tuyết Nh. (SN 1959), với “kinh nghiệm” của 3 lần đi chuộc con, đờ đẫn, mặt cắt không còn giọt máu.
Từng là nhân viên ngân hàng, chứng khoán, vì “máu đỏ đen”, Toàn sinh ra trộm cắp, vay nợ của gia đình, đồng nghiệp lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngày 21-6, Toàn lại vượt biên đánh bạc và vay tiền thế thân của chủ sổ Nguyễn Thị Bích Hạnh (SN 1980, ngụ tỉnh Bình Phước) 2.000 USD. Vẫn điệp khúc thua cháy túi và xảy ra cơ sự trên.
Tiền bạc không phải nguồn vô tận. Để chuộc mạng máu mủ tình thâm, nhiều gia đình đã phải bán nhà cửa, ruộng vườn và các tài sản có giá trị. Song, tiếc tiền, tiếc của chỉ một; niềm day dứt về sự biến đổi của một con người và hoài vọng về sự thay đổi cứ bào mòn người vợ, người mẹ của họ đến mười.
Chị T. (SN 1980, ngụ quận Thủ Đức), thút thít kể: Dù gia đình không khá giả, nhưng bị bạn bè xấu dẫn lối chỉ đường, ngày 4-7, chồng chị là Nguyễn Nhi Phi (SN 1982), trốn nhà qua Campuchia đánh bạc. Hai ngày sau, anh đã ôm cục nợ 300 triệu đồng và ngay tắp lự bị bắt giữ. Ở quê nhà, chị liên tục nhận được điện thoại của chủ sổ thúc ép mang tiền chuộc mạng, nếu không anh Phi sẽ bị hành hạ, đánh đập và đưa đi bán thận để trả nợ.
Ngày 6-7, gia đình phải vay mượn và chuộc được anh Phi. Ngựa quen đường cũ, ngày 6-8, Phi lại đi đánh bạc, liền sau đó, gia đình nhận được yêu cầu chuyển 300 triệu đồng qua Campuchia chuộc mạng khiến gia đình không biết đường nào xoay xở….
Đau lòng nhất là chị Lê Thị Ngọc U. (SN 1976, ngụ tỉnh Đồng Nai). Anh Phạm Công Chiến (SN 1960), chồng chị U., một nông dân chân chất thường đi làm thuê, bữa nào ế thì ở nhà phụ vợ bán cà phê. Tuy không khá giả nhưng cũng có cái ăn cái mặc, gia đình thuận hòa, hạnh phúc.
Không hiểu sao, ngày 15-7, anh bỏ nhà theo bạn qua Campuchia tìm vận đỏ rồi trở thành tù nhân của chủ sổ với món nợ 2.000 USD. Do nhà có con nhỏ đang nằm bệnh viện nên chưa đủ tiền chuộc Chiến về, gia đình xin nộp trước 20 triệu đồng nhưng nhóm đòi nợ không đồng ý và bắn tin sẽ bán Chiến làm thức ăn cho trại cá sấu để thu hồi nợ. Năn nỉ mãi, bọn chủ nợ buộc gia đình phải tiết lộ bệnh viện nơi con chị U. đang điều trị để chúng kiểm tra rồi mới cho nộp tiền “tạm ứng chuộc thân” để cứu chồng.
Để có tiền, chị U. phải sang lại quán cà phê, phương tiện nuôi sống gia đình, được 10 triệu đồng và vay mượn hàng xóm. Bây giờ, chị U. cũng đang bán cà phê tại quán cũ do mình làm chủ trước đây, nhưng là thuê lại của người chủ mới với giá 100.000 đồng/ngày để tiếp tục mưu sinh. Tiền thuê ăn vào tiền lời khiến cả nhà lao đao, thu nhập “bữa đực bữa cái”. Còn anh Chiến, bị đàn em của chủ sổ Phan Thị Kim Oanh tiếp tục dí đòi nợ, sợ quá nên đã bỏ nhà trốn đi.
“Cuộc sống yên bình nay đã không còn. Không biết đến bao giờ con chị mới được ăn tối cùng cha nó. Tội nhất là đứa nhỏ, trước đây mỗi khi nó ngã bệnh, bà con ai cũng cho vay tiền để chạy chữa. Nay vì có người cha cờ bạc, không còn ai dám cho mượn tiền” - chị U. ngậm ngùi.
>> Giải cứu 2 con bạc bị bắt giữ tại Campuchia
…Như nhiều nạn nhân khác, bấy lâu, Tân thường bỏ mặc lời khuyên nhủ bỏ tật cờ bạc và luôn ngấm ngầm tìm cớ sang Campuchia, chứng minh cho mọi người thấy mình có thể “làm giàu” được từ trò đỏ đen. Nhắc về bước đường lầm lạc, Tân viết rành rọt: “Tôi nhận thấy việc đi qua cửa khẩu đánh bạc là sai và xin hứa từ nay tôi sẽ không bao giờ đi nữa…”. Vết thương ở đầu ngón tay bị chặt của Tân bây giờ vẫn thường nhức nhối. Nhưng lời cam kết trở về con đường ngay thẳng của Tân và những trường hợp tương tự có trở thành sự thật? |
MẠNH HÒA