
Cuối năm luôn luôn là dịp mà mọi người, mọi ngành tăng tốc. Cơ sở sản xuất tăng ca, công nhân tăng giờ, cửa hàng tăng doanh số… Mọi việc ở công sở sẽ gần như ngừng lại vào những ngày cận Tết khi mà ai về quê nấy để cùng gia đình đoàn tụ vui xuân với tấm vé tàu, xe được chuẩn bị từ trước. Thế nhưng, không phải ai cũng đạt được ý mình khi cuộc mưu sinh vẫn chưa hề dừng lại.
- Cận Tết, mùa tăng ca
5 giờ chiều, chúng tôi đến khu vực đường Phạm Văn Chiêu, Phan Huy Ích phường 12 quận Gò Vấp. Trên con đường này có nhiều cơ sở sản xuất lớn như Da Sài Gòn, Huê Phong… nơi số lượng công nhân lên đến vài ngàn người. Cô Nguyễn Thị Loan cùng 2 người bạn vừa rời nhà máy, đã vội vàng mua thức ăn ở chợ ven đường để kịp cho bữa tối. “Mấy ngày qua tăng ca quá mệt, nay xin phép nghỉ sớm” – Loan cho biết.

Nhiều người lao động phải chầu chực chờ mua vé tàu Tết. Ảnh: HỒ VIỆT
Khi được hỏi về vé tàu về Tết, cô nói: “5 giờ sáng đã dậy chuẩn bị vào xưởng. 5 giờ chiều tan ca, nhiều hôm tăng ca đến 9 – 10 giờ đêm nên không có thời gian nghỉ để lo đến vé tàu xe”. Người bạn của Loan giọng bình thản cho biết, quê cô ở tận Cao Bằng, vài năm mới về quê một lần.
Vào làm ở thành phố 5 năm nay nhưng cô mới có 2 lần về thăm nhà. Thế nhưng, cô chưa lần nào đi tàu bởi tiền vé quá đắt, lại không có thời gian đi mua. Đến ngày về cô cùng mấy người trong phòng ra bến xe và gặp xe gì đi xe đó.
Cô Đào Thị Bình quê ở huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình - công nhân công ty N.H ở quận 9 cho biết, vào làm công nhân được 4 năm nhưng liên tục cứ đến cuối năm là vào mùa tăng ca.
Mọi người chỉ biết sáng vào nhà máy, tối về ngủ chứ không còn thời gian lo mua vé tàu xe. Công việc kéo dài, thế nhưng những người có tay nghề thu nhập khá mỗi tháng cũng chỉ có 9 trăm ngàn đến 1 triệu đồng. Để có vé tàu, tốn gần nửa tháng lương thì còn đâu tiền để mua quà về cho gia đình.
Không giấu được băn khoăn, anh Đào Xuân Dương cùng quê, nói: “Lương công nhân không dám mơ mua vé tàu. Nhiều khi tụi tui có tiền cũng không đi tàu được vì không có thời gian đi mua vé”. Mấy công nhân cùng phòng cho biết, công nhân về Tết tùy thuộc vào ngày mà công ty cho nghỉ.
Có năm để làm kịp hàng cho khách, công nhân phải làm đến ngày 27 - 28 Tết nên ra bến xe cũng chẳng còn vé để về Tết. Những người quê ở tận các tỉnh miền Trung, miền Bắc nhiều khi về đến nhà cũng là lúc đón giao thừa.
- Thấp thỏm ở hay về
Trong căn phòng trọ của “xóm nghèo” khu công nghiệp Sóng Thần – Bình Dương, anh Nguyễn Nam Sơn quê tận Nông trường Lệ Ninh (Quảng Bình) cho biết, mấy năm trước về quê, đi bằng xe khiếp quá. Năm nay anh quyết tâm kiếm bằng được chiếc vé tàu nhưng ước muốn cũng không đạt được.
3 hôm vừa qua anh xin phép ốm lên nằm canh ở ga Sài Gòn nhưng cũng không lấy được vé. Giọng buồn anh Sơn, tâm sự: “Vé tàu tuy có nhiều tiền hơn xe khách nhưng không tốn tiền ăn dọc đường. Bỏ cả việc làm đi mua vé vẫn không được. Nếu đến cận Tết ra bến xe không kiếm được vé thì đành ở lại”.
Vợ anh - chị Trần Thị Viết, cho biết: “Gần cả tháng nay, ngày nào cũng 8 - 9 giờ tối chị mới về đến nhà. Tăng ca tuy mệt nhưng có thêm chút tiền để về Tết. Không mua được vé tàu thì đi xe nhưng không biết có vé để về hay không. Công nhân chúng tôi chịu khổ quen rồi. Đi phương tiện gì cũng được miễn là Tết được về nhà”.
Theo chị, ở những khu công nghiệp có nhiều công nhân như Sóng Thần, Linh Trung,… nên tổ chức đưa công nhân về quê ăn Tết. Việc đưa xe tập thể vừa làm cho người lao động chủ động được ngày về nhà và không phải mất thời gian chầu chực mua vé.
Cô Đào Thị Bình cho biết, mấy năm nay cứ cuối tháng 12 là các nhà xe đến liên hệ để đưa công nhân về quê ăn Tết. Giá vé có cao hơn ở bến xe nhưng được cái công nhân yên tâm dù “tăng ca” làm việc đến cận Tết vẫn có xe về. Tuy nhiên, do nhà xe tự tổ chức, không có cơ quan nào quản lý nên việc đi xe cũng quá nhiêu khê. Dù lượng người đăng ký trước đã đầy xe nhưng dọc đường họ vẫn lấy thêm khách.
Cô Bình tâm sự: “Giá vé tàu quá cao, còn vé xe chúng tôi chấp nhận được. Cho nên, nếu cơ quan đứng ra tổ chức cho công nhân về quê ăn Tết chúng tôi rất an tâm. Thế nhưng không biết năm này có xe hay không”.
Nhóm công nhân của Công ty H.P trọ cùng phòng trong con hẻm nhỏ đường Phạm Văn Chiêu phường 12 quận Gò Vấp cứ nằng nặc xin được giấu tên khi chúng tôi hỏi chuyện về quê ăn Tết. Các cô một mực “không biết có về được hay không”. Cả 3 cô gái cho biết, đã 3 năm nay không về Bắc thăm nhà vì việc làm thất thường, không đủ tiền. Mỗi tháng dành dụm chừng 4 - 5 trăm ngàn đồng gửi hết về cho gia đình nên 2 - 3 năm cũng chỉ đủ tiền tàu xe về Tết 1 lần.
Anh T.Đ.T. chủ nhà trọ cho biết thêm, năm nào cũng có quá nửa các công nhân thuê phòng ở lại. Có cô nhiều khi không có tiền trả tiền phòng, nói gì tiền về Tết. Năm nào cũng vậy gia đình anh phải tổ chức Tết cho công nhân để các em đỡ tủi vào những lúc phải xa nhà bất đắc dĩ.
Được biết, trong những năm gần đây, Ga Sài Gòn, Bến xe Miền Đông vẫn tổ chức đăng ký mua vé tập thể cho công nhân lao động. Thế nhưng, để đưa vé đến với công nhân trong mùa tăng ca lại không dễ. Các công nhân, xí nghiệp hầu như tự “bơi” để tìm nguồn xe.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chánh cho biết, ngoài việc tổ chức bán vé tập thể tại các bến tàu xe, Sở đã phân công cho Công ty Vận tải xe khách Sài Gòn bố trí gần 100 đầu xe dành cho các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung. Điều này làm giảm được phần nào khó khăn cho người lao động. Tuy nhiên, con số này còn quá ít so với nhu cầu.
Và những người lao động tại các khu công nghiệp, chế xuất vẫn đang thấp thỏm, không biết Tết này ở hay về.
TRẦN YÊN