Những đóa hoa quyền lực và tài năng

Ngày 8-3 năm nay đánh dấu tròn 100 năm ngày Quốc tế Phụ nữ được ghi nhận trên toàn cầu. Ở khắp mọi khu vực địa lý, bối cảnh kinh tế-xã hội riêng của từng quốc gia, những người phụ nữ vẫn đang nỗ lực cống hiến không mệt mỏi, góp phần đẩy nhanh sự phát triển chung của nhân loại.
Những đóa hoa quyền lực và tài năng

Ngày 8-3 năm nay đánh dấu tròn 100 năm ngày Quốc tế Phụ nữ được ghi nhận trên toàn cầu. Ở khắp mọi khu vực địa lý, bối cảnh kinh tế-xã hội riêng của từng quốc gia, những người phụ nữ vẫn đang nỗ lực cống hiến không mệt mỏi, góp phần đẩy nhanh sự phát triển chung của nhân loại.

  • Nữ chính khách quyền lực

Theo bảng xếp hạng của tạp chí Forbes, năm 2009, Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh) được xếp vị trí cao nhất trong số 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Đây cũng là lần thứ 4 bà đứng ở vị trí này.

Sinh ra tại Hambourg, ngày 17-7-1954, năm 1973, Angela tốt nghiệp bằng tú tài với số điểm cao nhất. Bà theo học ngành vật lý, sau đó làm việc tại Viện Hóa Lý Trung ương rồi Viện Hàn lâm Khoa học Đông Berlin.

Ở độ tuổi 35, bà bắt đầu tham gia vào hoạt động chính trị. Từ năm 1991 tới năm 1998, bà đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch CDU và được giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và Thanh niên trong nội các của Thủ tướng Helmut Kohl. Sau đó, bà trở thành Bộ trưởng Bộ Môi trường và An toàn lò phản ứng hạt nhân, lĩnh vực rất nhạy cảm và được nhiều người quan tâm ở CHLB Đức. Chính trên cương vị đó, bà Merkel càng ngày càng được biết đến nhiều hơn ở trong và ngoài nước Đức.

Năm 1998, sau khi nội các của Thủ tướng Helmut Kohl thất bại trong cuộc tổng tuyển cử, bà Merkel đã trở thành Tổng Thư ký CDU. Chỉ trong vòng một năm, vị Tổng Thư ký mới này đã tạo một bước ngoặt trên chính trường Đức và mang về cho CDU hàng loạt những thắng lợi giòn giã tại 6/7 cuộc bầu cử cấp bang. Những thắng lợi ấy đã phá vỡ thế đa số của liên minh đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) và đảng Xanh tại Hội đồng Liên bang. Trong cuộc bầu cử năm 2009, bà lại được cử tri tín nhiệm bầu vào nhiệm kỳ mới ở cương vị này.

Một trong những kỹ năng giao tiếp khiến bà thu hút được người đối diện, đó chính là cách nói chuyện ý nhị giúp thu hẹp khoảng cách, tạo sự thân mật và thu hút người đối diện.

  • Thành công trong thế giới đàn ông

Với cương vị chủ tịch và cũng là cổ đông lớn nhất của tập đoàn TempStaff, bà Yoshiko Shinohara (ảnh) là một trong số rất ít những nữ doanh nhân thành công tại Nhật Bản, quốc gia từ lâu nay vẫn chưa coi trọng giới nữ trong các hoạt động kinh doanh.

Ở Yoshiko Shinohara, người ta tìm thấy phong thái dịu dàng và vẻ khiêm tốn của người phụ nữ Nhật Bản truyền thống, nhưng cũng đồng thời thấy được sự năng động và quyết đoán của phương Tây.

Với số tiền 4.000 USD Yoshiko đã bươn chải làm việc nhiều năm ở châu Âu và Australia, bà đã thành lập công ty TempStaff vào năm 1973, ở tuổi 38. Lúc đầu, Yoshiko phải vừa điều hành vừa đi dạy tiếng Anh vào buổi tối để kiếm thêm tiền trang trải các chi phí của công ty.

Bà Yoshiko Shinohara luôn được tán dương như là một trong những nữ doanh nhân “gan góc” nhất thế giới. Năm 1989, Yoshiko Shinohara nhận được giải thưởng kinh tế Nhật Bản lần thứ 14. Sau đó, với những đóng góp vào sự thành công của giới doanh nhân nữ, năm 1992 – 1993 Yoshiko Shinohara được nhận giải thưởng Veuve Clicquot - Nữ doanh nhân của năm.

Năm 2007, tạp chí Entrepreneurs đã bình chọn Yoshiko Shinohara là một trong 50 nữ doanh nhân thành đạt nhất thế giới. Sự nghiệp của bà Yoshiko Shinohara đã được tạp chí Havard Business Review, tạp chí kinh doanh uy tín chọn là trường hợp điển hình để phân tích và học hỏi kinh nghiệm (do Trường Đại học Havard tại Mỹ xuất bản).

  • Tự hào bên vòng nguyệt quế

Năm 2009 được đánh dấu là năm thành công rực rỡ của các nhà khoa học nữ với 5 giải Nobel được trao về họ. Trong đó, nhà khoa học Elinor Ostrom (ảnh) được ghi vào lịch sử như là người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel Kinh tế kể từ khi hạng mục này được xác lập vào năm 1968.

Bà Elinor Ostrom sinh ngày 7-8-1933, là một nhà khoa học chính trị người Mỹ. Ostrom học đại học, cao học và tiến sĩ đều trong ngành khoa học chính trị và đều ở trường Đại học California tại Los Angels. Hiện bà là giáo sư khoa học chính trị của Đại học Indiana cơ sở Bloomington. Bà được công nhận là nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực quản lý các nguồn lực công cộng. Bà từng là Chủ tịch Hội Khoa học Chính trị Mỹ. Trước khi nhận giải Nobel Kinh tế, bà đã nhận một số giải trong lĩnh vực khoa học chính trị, như giải Johan Skytte (năm 1999), giải James Madison (năm 2005), giải William H. Riker (năm 2008) và Tisch Civic Engagement Research Prize (năm 2009).

Tính đến nay, chỉ có 40 phụ nữ nhận giải Nobel kể từ khi những giải này được trao lần đầu tiên vào năm 1901. Phụ nữ đầu tiên nhận giải thưởng Nobel là nhà khoa học Marie Curie. Bà đã nhận cả giải Nobel Vật lý lẫn Nobel Hóa học.

  • Sống với cả tấm lòng

Trong những năm gần đây, truyền thông thế giới thường nhắc đến bà Melinda Gates (ảnh), phu nhân của tỷ phú Mỹ Bill Gates như một điển hình của những người phụ nữ nhân hậu, có một tấm lòng đáng trân trọng. Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation do bà cùng người chồng tỷ phú sáng lập được xem là quỹ từ thiện lớn nhất thế giới với giá trị xấp xỉ 38 tỷ USD.

Báo chí Mỹ thường nhắc đến bà Melinda với một câu mô tả khá ấn tượng: “Sống với Bill, làm việc với Buffett, nuôi dạy con cái trong dinh thự đồ sộ được trang bị toàn công nghệ tối tân nhất và cai quản một quỹ từ thiện lớn nhất thế giới”.

Ngay khi còn học trung học, Melinda đã là một con người hoạt động xã hội hăng hái. Ngoài các hoạt động trong trường trung học công giáo dành riêng cho các nữ sinh mà cô theo học, cô còn tham gia những hoạt động thiện nguyện cho bệnh viện, tình nguyện dạy kèm tại các trường công lập cho các em học sinh yếu kém. Để được lọt vào những đại học danh tiếng, Melinda biết rằng bà phải là học sinh tốt nghiệp thủ khoa hay á khoa ở trường này thì mới có cơ hội. Và thế là bà đã cố gắng để trở thành học sinh đứng đầu của trường.

Bà Melinda thường chia sẻ quan điểm này với thanh niên Mỹ trong một số phương tiện truyền thông: “Hãy nhớ rằng các bạn mang một món nợ đời cho đến khi bạn giúp được cho một ai đó kém may mắn hơn bạn, theo như cách mà bạn đã được nâng đỡ từ bất cứ ai, dù chỉ là những điều nhỏ nhặt nhất”. Bà cùng chồng cho biết sẽ chỉ để lại cho con cái của cải đủ để chúng sống thoải mái và có đủ tiền để theo đuổi những gì mà chúng muốn, còn khoảng 95% tài sản họ sẽ đem tặng cho công ích

THIÊN NHƯ
(Tổng hợp từ Times, Fortune, NobelPrize)

Tin cùng chuyên mục