Những dòng sông khát…

Trước khi đổ ra biển Đông, thì dòng sông mẹ Mê Công theo thủy triều uốn lượn đưa nước về hạ nguồn Đồng bằng sông Cửu Long qua 9 nhánh rẽ: Cửa Tiểu, Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc, Trần Đề. 

Cũng từ dòng sông mẹ này, mỗi năm cứ đến mùa nước nổi lại mang theo phù sa về bồi cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long thêm trù phú, từ hoa màu, cây ăn trái, trồng lúa cho đến việc nuôi trồng thủy sản; để rồi từ đó, châu thổ sông Cửu Long được khoác trên mình một màu xanh tươi mới với nhiều triển vọng phát triển kinh tế khác nữa.

Trong văn học nghệ thuật, ngoài 9 nhánh rẽ trên thì sông Tiền, sông Hậu với mênh mông sóng nước, với dập dềnh lục bình tím lững lờ trôi đã làm bao trái tim người yêu thơ nhạc mềm lòng. Một thực tế không thể chối cãi, dù đã đến miền Tây hay chưa, nhưng với người sáng tác, thì Đồng bằng sông Cửu Long với chợ nổi, với đời thương hồ, với Dạ cổ hoài lang, Tình anh bán chiếu, với những thôn nữ miệt vườn mặc áo bà ba xẻ eo cao trắng bóc… đã làm nền cho nhiều tác phẩm thơ ca, nhạc họa đi sâu vào lòng người.

Vậy mà giờ đây, ngay trong mùa nắng hạn này, tất cả những dòng sông lớn nhỏ ở miền Tây đều khát… Một thực tế khách quan, do ở hạ nguồn sông mẹ Mê Công cho nên câu chuyện chắn dòng làm thủy lợi ở các quốc gia mà sông Mê Công chảy qua trước khi đổ ra biển Đông ở nước ta là câu chuyện rất lớn, điều này rất đúng với kinh nghiệm dân gian mà ông cha ta đã đúc kết thành phương ngôn qua bao đời nay: “Thượng điền tích thủy, hạ điền khan”.

Vấn đề không phải một cá nhân hay một tỉnh thành nào trong vùng có thể giải quyết được. Mới nhất, trung tuần tháng 3 này, ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có 5 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp xâm nhập mặn, gồm: Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Long An, Tiền Giang. Cũng tính đến thời điểm này, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 3/13 tỉnh còn nước ngọt dùng trong sinh hoạt cũng như tưới tiêu là An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ.

Ở một số tỉnh thành, đơn cử như Bến Tre, người dân phải mua nước ngọt sinh hoạt với giá mặn đắng - mặn của nước mắt, đắng chát của mồ hôi… Nhìn lại 5 năm gần đây, tình hình khan hiếm nước trong mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng hơn. So với năm 2016 thì mùa khô năm 2020 này, câu chuyện thiếu nước lại càng khốc liệt.

Những ai gắn liền đời sống của mình ở miền Tây sông nước, nhìn những dòng sông nhỏ, những nhánh rẽ mùa này trơ đáy, sẽ đắng lòng biết bao! Bởi từ bao đời nay, gần như mỗi phận người ở đây đều có một câu chuyện đi liền với từng vàm sông trong ký ức. Thử hỏi ký ức cằn khô, chao chát và rơi nước mắt như thế này, làm sao phận người không đau cùng những vàm sông cho được?

Đi kèm với câu chuyện chắn dòng làm thủy lợi ở những quốc gia khác, thì câu chuyện sống xanh cần phải được mọi người dân chung tay góp sức. Bất cứ một biểu hiện xấu nào, từ thời tiết, khí hậu, từ môi trường tự nhiên, đều có nguyên nhân trước đó. Cho nên, cả cộng đồng chung tay góp sức nhỏ của mình cho việc bảo vệ môi trường, cho nhân giống cây xanh, cho tái tạo rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc… thì về lâu dài, câu chuyện cân bằng môi trường sinh thái, rồi cũng sẽ diễn ra, dù muộn còn hơn không.

Ở miền Tây mùa này, những dòng sông khát là tiếng kêu cứu thống thiết, vọng sâu vào trái tim, tâm khảm của những người đời đời gắn mình với từng vàm sông từ thời thơ ấu. Nhìn những cánh tay quệt nước mắt của những lão nông đứng trên những dòng sông nứt nẻ trơ đáy, không một ai có thể vô cảm được. Tôi tin chắc như vậy! 

Ngày Nước thế giới 22-3 được chính thức đề xuất trong Chương trình nghị sự 21 của Hội nghị Liên hiệp quốc năm 1992 về Môi trường và Phát triển (UNCED) tại Rio de Janeiro, Brazil. Năm 1993 là năm đầu tiên Ngày Nước thế giới được thực hiện và đã phát triển mạnh kể từ khi được đông đảo công chúng thể hiện sự ủng hộ.

Người ta kêu gọi công chúng không sử dụng nước một cách lãng phí cũng như tránh làm ô nhiễm nguồn nước ngọt. Chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2020 này là “Nước và biến đổi khí hậu”. Từ chủ đề này, mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội nên có trách nhiệm với loại tài nguyên tái tạo này để cùng chung tay góp phần giữ cho môi trường nước ít bị ô nhiễm nhất (có thể). 

Lời hẹn về miền Tây của một chàng trai nào đó với cô thôn nữ miệt phù sa sông Cửu Long, rồi cũng sẽ thành hiện thực. Mong chờ những cơn mưa sớm để tắm táp ruộng đồng, hoa màu, cây ăn trái… cho nụ cười được mùa mau trở lại trên môi những người nông dân thiệt thà chất phác nơi đây!

Những dòng sông đầy ắp nước và lấp lánh phù sa… Hình ảnh thơ mộng đó đã, đang và sẽ tồn tại vĩnh cửu ở những con sông, con rạch chằng chịt nơi miền Tây này mãi mãi. Tôi tin rằng, với sự góp sức, sự chung tay của cả cộng đồng thì môi trường nước sẽ được cải thiện và được sử dụng một cách ít lãng phí hơn, để cho những dòng sông ở miền Tây vào mùa nắng hạn như thế này không phải là những dòng sông khát!

Tin cùng chuyên mục