Thị trường đồ chơi trẻ em - Bài 2: Quản lý thả nổi, người tiêu dùng chịu thiệt

Lỗ hổng về trách nhiệm
Thị trường đồ chơi trẻ em - Bài 2: Quản lý thả nổi, người tiêu dùng chịu thiệt

Lý giải cho sự vắng bóng đồ chơi hàng Việt ngay tại sân nhà, nhiều doanh nghiệp cho rằng, đó là do hàng Trung Quốc hay các hàng ngoại nhập khác tràn vào thị trường Việt bằng nhiều con đường khác nhau. Trong đó, không ngoại trừ nhập về bằng con đường tiểu ngạch (tức không phải chịu thuế, không bị kiểm tra chất lượng…). Điều này tạo ra sự thiếu công bằng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Còn người tiêu dùng, nhất là trẻ em đang phải đối mặt nguy cơ bị đầu độc do sử dụng phải hàng kém chất lượng, độc hại.

Đồ chơi nước ngoài đang lấn sân đồ chơi sản xuất trong nước. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Đồ chơi nước ngoài đang lấn sân đồ chơi sản xuất trong nước. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Lỗ hổng về trách nhiệm

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành quy định về tiêu chuẩn an toàn sử dụng hóa chất trong đồ chơi trẻ em, áp dụng trong tháng 10-2009. Thế nhưng việc quản lý và kiểm tra như thế nào thì vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải. Đơn cử như tại TPHCM, mỗi năm Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ cũng chỉ lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên khoảng gần 30 sản phẩm đồ chơi so với hàng triệu đồ chơi ngoại nhập đang tồn tại và bày bán công khai trên thị trường và điều này chẳng khác nào muối bỏ bể.

Trước đây, dư luận trong và ngoài nước nói nhiều đến việc quần áo hay đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất chứa hóa chất độc hại, gây nhiễm trùng da hoặc đường hô hấp, thậm chí là tác nhân gây nên bệnh bạch cầu, ung thư… nhưng cảnh báo chỉ là cảnh báo, còn kiểm soát như thế nào đành chịu. 

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên viên kinh tế, nguyên nhân tình trạng trên là do nước ta bị “lỗ hổng về trách nhiệm”. Thực tế, nước ta đã có tính pháp lý hành chính hải quan tương đối chặt chẽ như quy định về thuế nhập khẩu, các thông số kỹ thuật hàng hóa… nhưng không hiểu sao hàng kém chất lượng, nhiễm hóa chất vẫn “ung dung” vào thị trường nội địa.

Hơn thế nữa, khi lượng hàng ấy vào trong thị trường thì việc phân phối diễn ra một cách ngang nhiên mà không bị kiểm tra gắt gao bởi các đơn vị quản lý thị trường. Việc hàng hóa kém chất lượng tràn lan trên thị trường gây tác hại nặng đến nền kinh tế chung. Cụ thể gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước, vì giá thành hàng nhập khẩu giá rẻ hơn do không phải chịu thuế nhập khẩu…

Kinh nghiệm quản lý hàng nhập khẩu tại Nhật Bản cho thấy, khâu kiểm tra hàng hóa nhập khẩu là rất chặt chẽ ngay tại cửa khẩu. Việc để lọt lượng hàng kém chất lượng vào thị trường là rất hiếm. Thậm chí, nếu cần Chính phủ sẽ cử người đến giám sát tại công ty sản xuất hàng hóa xuất khẩu để kiểm tra chất lượng, số lượng hàng hóa trước khi cho nhập vào trong nước.

Trẻ em đối mặt với nguy cơ bị... đầu độc

Ở một khía cạnh nào đó, phải thừa nhận hàng Trung Quốc đã đáp ứng được một xu hướng tiêu dùng mới, phù hợp với sự biến động không ngừng của kỹ thuật công nghệ. Hàng hóa Trung Quốc có mẫu mã đẹp, thời trang nhưng những sản phẩm đó có đủ đảm bảo được về độ bền, độ an toàn cho trẻ em khi tiếp xúc trong quá trình chơi hay không thì… chịu.

Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, trên thực tế, việc trẻ em tiếp xúc với đồ chơi có hóa chất độc hại gây ra các chịu chứng như loét miệng, tay, chân, viêm mũi dị ứng… khá phổ biến. Tuy nhiên, những căn bệnh trên chưa nguy hiểm bằng các chứng bệnh liên quan đến nội tạng mà phải 10 đến 15 năm mới phát bệnh như tiêu chảy, mất khả năng tiết các chất dịch vị tiêu hóa, loét bộ phận như dạ dày, đường ruột…

Ông Việt cũng nhấn mạnh, hiện việc kiểm soát chất lượng của sản phẩm đồ chơi rất khó. Không đơn giản chỉ là đồ chơi bị nhiễm chất chì, crôm mà có đến 200.000 hóa chất độc hại hiện đang được sử dụng để tạo màu cho đồ chơi trẻ em. Việc phân tích mẫu đồ chơi trên thị trường để tìm ra các loại hóa chất này rất tốn kém và cực khó. Thực tế hiện nay nước ta đang phải dựa vào kết quả phân tích, phát hiện các nước phát triển. Ngay khi họ có thông báo về sản phẩm nhập khẩu của nước nào có hóa chất gì độc hại thì tại nước ta cũng tiến hành kiểm tra, lấy mẫu phân tích. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, có nhiều hóa chất mà ngay khi nước ngoài đã phát hiện rồi thì nước ta cũng không có đủ máy móc, trang thiết bị để kiểm nghiệm, phân tích mẫu.

Để ngăn chặn nạn hàng hóa kém chất lượng, độc hại xâm nhập vào thị trường nội địa, theo bà Phạm Chi Lan, cách hiệu quả nhất là các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc phát hiện và xử lý mạnh tay hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, đặc biệt, phải chủ động ngăn chặn từ đầu. Chính phủ, các ngành, các cấp cần thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo về tác hại của hàng hóa kém chất lượng. Từ đó xây dựng cho người dân ý thức tự bảo vệ mình.

Mặt khác, cần xây dựng trung tâm đủ năng lực phân tích mẫu hóa chất đáp ứng thực tế phát triển; hoàn tiêu chí chất lượng trên cơ sở luôn luôn cập nhật cho phù hợp với sự đa dạng của sản phẩm trên thị trường… Về phía doanh nghiệp trong nước, cần thấy rằng thời gian qua chỉ mới tập trung vào xuất khẩu mà quên thị trường nội địa. Điều này đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất đồ chơi nước ngoài nhảy vào lấp chỗ trống. Làm được như vậy, chủ trương chống suy giảm kinh tế của Chính phủ bằng cách khuyến khích người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt kích cầu hàng nội địa mới được hiện thực hóa. Và thiệt hại về sức khỏe của người tiêu dùng cũng nhờ vậy được giảm thiểu.

Ngọc Hiếu – Ái Vân

  • Thông tin liên quan:

- Bài 1: Hàng Việt vắng bóng, hàng ngoại tràn lan

Tin cùng chuyên mục