Vào ngày 17-2, tôi đến thăm bệnh nhân cấp cứu tại 2 bệnh viện ở TPHCM và đã ghi nhận được những hình ảnh đẹp của người thầy thuốc trong cách cư xử ân cần, cách làm việc khoa học đối với bệnh nhân.
7 giờ sáng, Khoa Cấp cứu tổng hợp Bệnh viện Nguyễn Trãi tiếp nhận cùng một lúc hơn 20 bệnh nhân, phần nhiều là người cao tuổi, có người bị chấn thương, người bị cấp cứu nội, ngoại khoa. Có hơn 40 người nhà của bệnh nhân đang bồn chồn lo lắng đứng trông chờ trước khoa. Bác sĩ Phan Thanh Vũ là trưởng khoa nhưng vẫn trực tiếp thăm khám, điều trị và quyết định cho bệnh nhân có tình trạng ổn định chuyển khoa. Đến khám một người cao tuổi bị sốt ho, sau khi thực hiện đầy đủ các thao tác chẩn bệnh, bác sĩ hỏi ân cần: “Sao sốt 3 hôm rồi bác mới đi? Giờ con cho đẩy bác đi chụp hình phổi rồi đưa bác xuống khoa hô hấp nằm điều trị vài hôm cho khỏe nha”. Vừa lúc đó, có một bệnh nhân nữ bị xuất huyết tiêu hóa từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên, tình trạng lơ mơ, mạch nhanh, huyết áp tụt, không đường truyền. Bác sĩ nhanh chóng chỉ đạo cho bệnh nhân thở oxy, lập 2 đường truyền bù dịch và tự tay lấy máu bệnh nhân để báo về Khoa Xét nghiệm xin khẩn 2 đơn vị máu. Nhờ sự khẩn trương làm việc của anh và đồng nghiệp, chỉ 20 phút sau, bệnh nhân đã có thể mở mắt và trả lời được họ tên.
12 giờ trưa hôm đó, tôi lại vào thăm bệnh nhân ở Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Dù đã đến giờ nghỉ trưa nhưng bác sĩ Trần Xuân Chiến vẫn đang bị “vây” giữa dày đặc những băng ca, xe đẩy các bệnh nhân bị tai nạn. Tuy bệnh nhân đông, bác sĩ vẫn bình tĩnh, đúng mực, giải quyết công việc rất khoa học. Sau khi thăm khám, có phim chụp X quang, bác sĩ gắn phim vào bảng đọc phim và mời người nhà đến cùng quan sát rồi trình bày cách giải quyết cho từng ca bệnh. Vì vậy, chỉ trong vòng 1 giờ, khoa cấp cứu đã giải quyết xong 5 ca điều trị bảo tồn, 5 ca nhập viện phẫu thuật. Bác sĩ còn cân nhắc đến việc chọn lựa phương pháp điều trị hợp lý nhất với từng bệnh cảnh, điều kiện kinh tế và sinh hoạt của bệnh nhân. Trước một bệnh nhân nam bị gãy xương mác ở cẳng chân trái không di lệch, sau khi hỏi thăm về hoàn cảnh của người bệnh, bác sĩ quyết định cho bó bột, vì phẫu thuật sẽ tốn kém thời gian nhập viện lẫn chi phí của bệnh nhân, và trong khi bó bột, bệnh nhân có thể về nhà làm việc nhẹ nhàng. Với một bà cụ bị gãy 1/3 ngoài xương đòn trái, bác sĩ nói vui: “Nếu bác còn muốn thi hoa hậu, thì con phẫu thuật cho bác. Còn không thì con cho bác đeo đai số 8 trong vòng 3 tuần. Bác chọn nha!”. Bà cụ đồng ý đeo đai và tỏ ý hài lòng vì đã được chăm lo từ người bác sĩ đáng tuổi con cháu mình. Thấy cách giải quyết nhanh gọn, cách giải thích cặn kẽ của vị bác sĩ trẻ, những người chờ đợi sau cũng thấy an tâm, tin tưởng.
TRẦN THỊ BÍCH ĐÀO
(phường 15, quận 8, TPHCM)