Bà Kiên chia sẻ với phóng viên là rất ham học và mơ ước được ngồi ghế giảng đường, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, hơn 40 năm qua, bà không thực hiện được ước mơ đó. Năm 2014, khi các con đều ăn học thành tài và đã lập gia đình, bà quyết định biến ước mơ thành hiện thực. Bà nhờ người tìm lại được hồ sơ và đăng ký học tiếp lên cấp 3 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tri Tôn. Năm học lớp 12, bà đạt điểm trung bình các môn là 7,2 - điểm số không dễ đạt đối với người đã độ tuổi bà.
Trước đó, năm 2015, sau 2 năm liên tiếp thi trượt, lão nông Hồ Ngọc Cảnh (lúc đó đã 70 tuổi, ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã tốt nghiệp THPT với số điểm vừa đủ. Ông Cảnh đã đỗ tú tài 1 (lớp 11) vào năm 1968 nhưng vì nhiều lý do nên việc học bị bỏ dở. Sau này, ông tham gia chi hội Đông y xã; năm 2012, ông định mở cơ sở khám chữa bệnh Đông y, nhưng theo quy định phải có bằng trung cấp. Vì vậy, ông đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên Giồng Trôm đăng ký học lớp 12. Bị trượt tốt nghiệp THPT liên tiếp 2 lần vì thiếu 2 điểm, ông không nản chí, mà quyết tâm học thật tốt và cuối cùng đạt kết quả như ý. Sự bền chí của người đàn ông có 7 người con, 7 người cháu này thật đáng nể!
Những chuyện về các thí sinh, học trò lớn tuổi như thế không ít.
Năm 2014, ông Nguyễn Văn Minh (khi ấy 64 tuổi, sống ở Quảng Trị) đã đi thi đại học lần thứ 6 với ước mơ cháy bỏng là được làm sinh viên ngành Vật lý.
Năm 2016, ông Vũ Hùng Cường trở thành thạc sĩ ngành Kỹ thuật điện tử Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM ở tuổi 61, sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1990, khi đã 35 tuổi. Những câu chuyện đó có ý nghĩa động viên rất nhiều người trên con đường học vấn.
Việc học đối với một người lớn tuổi thường không dễ dàng. Để tiếp thu cùng khối lượng, với người có tuổi, phải làm việc gấp nhiều lần so với thanh niên. Nên người nào đã có tuổi mà còn chăm chỉ học tập cũng là rất đáng quý. Trên thực tế, những học trò lớn tuổi thường học hành rất chăm chỉ, tích cực. Họ hiểu đúng ý nghĩa của việc học và luôn nỗ lực để vượt qua hạn chế của tuổi tác, nhằm đạt kết quả tốt nhất có thể.
Nước ta đang xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời. Nhiều người lớn tuổi trước đây chưa có điều kiện học tập nếu không chịu khó trau dồi kiến thức, nỗ lực học tập, thì khó hòa nhập được với cuộc sống hiện đại. Chẳng hạn, việc học sử dụng máy tính, cách truy cập internet, ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa, khiêu vũ… đều rất cần thiết, dù để làm việc, để dạy dỗ con cháu hay để tiêu khiển, giải trí.