
Ngày 22-11, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị triệu tập tới tòa dự thẩm tại thành phố Bordeaux để trả lời về những cáo buộc hoạt động tài chính bất hợp pháp trong chiến dịch tranh cử năm 2007. Vụ việc càng gây chú ý khi chỉ một ngày trước, cựu Thủ tướng Francois Fillon tố cáo gian lận trong cuộc bầu chọn Chủ tịch Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP).

Bà Liliane Bettencourt (trái) & Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy
Sóng gió hậu chính trường
Theo AFP, tháng 7 vừa qua, sau khi cựu Tổng thống Pháp Sarkozy hết quyền được miễn truy tố, cảnh sát Pháp đã bắt tay truy tìm các bằng chứng cho cáo buộc vận động tranh cử bất hợp pháp của ông. Theo đó, ông Sarkozy bị tố đã nhận hơn 150.000 EUR tiền mặt từ bà Liliane Bettencourt (90 tuổi), người thừa kế thương hiệu nổi tiếng L’Oreal, cũng là người phụ nữ giàu nhất nước Pháp, để làm vốn cho chiến dịch tranh cử. Việc này đã được nữ kế toán Claire Thibout của bà Liliane thừa nhận năm 2010.
Cô cũng cho biết chính mình đã đưa số tiền trên cho Patrice de Maistre, quản gia và cũng là cánh tay mặt của bà Liliane để chuyển 150.000 EUR này đến quỹ vận động tranh cử. Các thẩm phán muốn tìm hiểu ông Sarkozy có nhận tiền trực tiếp theo kiểu các nhà tài trợ trao tận tay hay các hoạt động chính trị, vận động tranh cử được tài trợ từ số tiền trong tài khoản ở Thụy Sĩ của ông Patrice de Maistre khoảng thời gian 2007 - 2009.
Thẩm phán cũng quan tâm liệu ông Sarkozy có lợi dụng sức khỏe yếu, tinh thần không còn minh mẫn của bà Liliane Bettencourt để có được khoản tiền tài trợ trên hay không khi trên thực tế, sức khỏe bà Liliane suy yếu từ năm 2006. Hơn nữa, 150.000 EUR là số tiền quá lớn so với mức tối đa một cá nhân được góp vào quỹ tài trợ tranh cử 4.600 EUR theo quy định của pháp luật nước này.
Cũng trong khoảng thời gian năm 2007 - 2009, Maistre đã có 7 lần riêng biệt rút tổng cộng 4 triệu EUR từ một tài khoản của bà Liliane ở Thụy Sĩ. Thời điểm đó, Maistre thường xuất hiện với vai trò là nhà tài trợ lớn nhất cho ông Sarkozy trong những buổi tiệc chiêu đãi, vận động tranh cử. Maistre và Eric Woerth, cựu bộ trưởng và cũng là cựu thủ quỹ trong chiến dịch năm 2007 của ông Sarkozy cũng đã bị thẩm vấn về việc này.
Theo những người thân cận, ông Sarkozy rất tự tin trước khi diễn ra buổi thẩm vấn và vẫn thực hiện các hoạt động bình thường của một cựu tổng thống, như tham dự một cuộc họp ở London hôm 21-11.
Hệ lụy
Chính quyền Pháp tuần này đã xác nhận việc mở cuộc điều tra sơ bộ về cách thức thực hiện cũng như quản lý các cuộc thăm dò dư luận trong suốt giai đoạn 2007 - 2012, thời điểm ông Sarkozy giữ vị trí Tổng thống Pháp. Như vậy, đơn kiện của nhóm chống tham nhũng Anticor của Pháp tháng 10 vừa qua đã có tác dụng. Nhóm này cáo buộc ông Sarkozy đã lạm dụng công quỹ để chi trả cho các công ty thăm dò dư luận cá nhân để nhằm đánh bóng thế lực của mình.
Theo Le Monde, luật sư đại diện của Anticor cho biết khoản thuế mà người dân đóng góp không dành để tổ chức các cuộc thăm dò tốn kém và hành vi lấy tiền thuế chính là biển thủ công quỹ. Ước tính, ông Sarkozy đã chi 9,4 triệu EUR cho hàng trăm cuộc thăm dò dư luận. Trong đó, ông Sarkozy đã thiên vị chi đến 3 triệu EUR cho Công ty Publifact thuộc sở hữu của Patrick Buisson, từng là cố vấn cho ông.
Không chỉ rắc rối về vốn gây quỹ, tham vọng trở lại chính trường của vị cựu tổng thống 57 tuổi càng mờ mịt khi nội bộ đảng UMP và dư luận xôn xao sau khi cựu Thủ tướng Francois Fillon ngày 21-11 khẳng định có khuất tất, gian lận trong quá trình bỏ phiếu cho chiếc ghế tân Chủ tịch UMP. Ông Francois Fillon đã thua đối thủ Jean-Francois Copé 98 phiếu trong số gần 176.000 thành viên đi bầu. Theo ông Francois Fillon, việc kiểm phiếu đã không được thực hiện ở một số lãnh thổ hải ngoại của Pháp như Caledonia, Mayotte, Wallis-Futuna.
Vì thế, theo những người ủng hộ ông Francois Fillon, lẽ ra ông đã giành được 88.004 so với 87.978 phiếu của đối thủ Copé. Jean-Francois Copé là người thân cận của ông Sarkozy. Phát biểu trước báo giới, ông Fillon đã đề nghị cựu Ngoại trưởng Alain Juppe dưới thời ông Sarkozy đảm nhiệm vị trí Chủ tịch UMP trong giai đoạn chuyển giao này. Ông thừa nhận tuyên bố của mình gây sốc nội bộ đảng UMP nhưng ông cần sự thật.
Về phần mình, ông Copé cũng chỉ trích ông Fillon đã gian lận. Một thành viên của UMP nói rằng: “Cả hai đã mất đi sự tín nhiệm của công chúng qua cách hành xử của họ”. Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận quốc gia (FN), một trong những ứng viên sáng giá cho cuộc đua chức Tổng thống Pháp vừa qua đã thốt lên khi trả lời phỏng vấn của AFP: “Đúng là vở bi hài kịch cho UMP”! Cả hai phe tranh cãi qua lại khiến báo giới Pháp gọi đây là “cuộc chiến không khoan nhượng”.
Đảng UMP là chính đảng trung hữu ở Pháp được thành lập năm 2002 dưới thời cựu Tổng thống Jacques Chirac. Lãnh đạo UMP, ông Nicolas Sarkozy trở thành tổng thống năm 2007. Người chiến thắng cuộc bầu chọn ra chủ tịch UMP hôm 18-11 vừa qua sẽ là người có nhiều khả năng thay mặt UMP tham gia chạy đua vào Điện Élysée năm 2017. Sự việc lần này không chỉ ghi dấu trừ đối với ông Sarkozy vì Jean-Francois Copé được xem là cánh tay mặt thời Sarkozy còn tại vị mà còn làm mất hình tượng của UMP, cho thấy sự chia rẽ gay gắt của đảng này. Nó xảy ra đúng vào thời điểm lẽ ra UMP có thể giành được lợi thế nếu biết tận dụng những thất vọng của cử tri Pháp đối với khả năng đối phó với khủng hoảng kinh tế của Tổng thống Francois Hollande.
| |
Như Quỳnh (tổng hợp)