Những ngôi nhà của tình hữu nghị

Những ngôi nhà của tình hữu nghị

Những ngày giữa tháng 11, người dân các khu dân cư vượt lũ ở Thoại Sơn (An Giang) và Lấp Vò, Tân Hồng (Đồng Tháp) chộn rộn hẳn lên trước tin đoàn đại diện CHLB Đức xuống thăm và bàn giao dự án khắc phục thiệt hại lũ lụt tại 2 tỉnh này. Tuy bất đồng ngôn ngữ nhưng những thành viên trong đoàn vẫn cảm nhận được cái nhìn thiện cảm và biết ơn của người dân dành cho mình.

Những ngôi nhà của tình hữu nghị ảnh 1

Khu dân cư vượt lũ Phú Bình cao ráo, khang trang, đầy đủ hệ thống điện nước.

Quản lý dự án Burkhard Schwinde (thuộc Ngân hàng Tái thiết Đức KfW) cho biết, ông đã đến Việt Nam sau cơn lũ năm 2000 nên muốn đóng góp điều gì đó để san sẻ những khó khăn của người dân vùng lũ. Ông cũng cảm kích sự hợp tác nhiệt tình của chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng các khu tái định cư vượt lũ, thể hiện tình hữu nghị Đức - Việt.

Mùa lũ năm 2000, đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng nề. 890.000 ngôi nhà, 12.700 phòng học, 11.400km đường và 4.500 cây cầu bị phá hủy, chưa kể những mất mát về con người. Theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ CHLB Đức đã viện trợ không hoàn lại 7,67 triệu euro thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức KfW nhằm xây dựng các khu tái định cư để người dân có được nơi ở an toàn trong mùa mưa lũ.

Phần hỗ trợ của Đức gồm 3 hạng mục chính: nhà ở, nhà trẻ và đường nội bộ; cấp nước sạch; vệ sinh và thoát nước mặt. Phía Việt Nam góp vốn đối ứng 2,2 triệu euro vào việc giải tỏa đất, san nền các khu dân cư và chi phí điều hành dự án. Ngoài ra, Việt Nam xây dựng đường vào các khu dân cư và điện lưới sinh hoạt.

An Giang và Đồng Tháp - hai tỉnh ở đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu, bị ảnh hưởng lũ lụt nặng nhất - đã được ưu tiên triển khai chương trình hỗ trợ khẩn cấp này. Sau thời gian khảo sát, thiết kế, chọn lựa nhà thầu, dự án bắt đầu được triển khai vào tháng 8-2003 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 1-2006. Dự án xây dựng 40 cụm dân cư với 7.000 nhà ở có hầm vệ sinh, 40 nhà trẻ, hệ thống cấp thoát nước, phục vụ cho khoảng 36.000 người dân.

Dự án đã được tiến hành khá khẩn trương, tính đến nay, tiến độ thực hiện An Giang là 83% và ở Đồng Tháp là 93%. Là một trong những người thụ hưởng lợi ích từ dự án, chị Đào Thị Dân, ở cụm dân cư Kho Gáo Lồng Đèn (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) kể: “Vợ chồng tui chưa có tiền dựng vách nên che đỡ bằng mấy tấm bạt này, nhưng ít ra bây giờ cũng có được mái nhà che nắng che mưa, mà lại ở chỗ cao ráo, không còn sợ sạt lở hay bị cuốn trôi theo dòng nước lũ nữa.

Thiệt tình cảm ơn “mấy ông Đức” đã cho tiền mà còn lặn lội xuống tận đây trao nhà”. Bà Trần Thị Báu, ở cụm dân cư Phú Bình (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) nhắc đi nhắc lại: “Tui già rồi, ở tuổi gần đất xa trời mà được cho nhà ở như vầy thật mừng hết sức, mừng nhất là hết phải lo đám cháu bị nước cuốn. Bây giờ thì chỉ cần lo mần ăn thôi!”

BẢO TRÚC

Tin cùng chuyên mục