Những ngôi nhà “trước mũi” tử thần

Những ngôi nhà “trước mũi” tử thần

Hàng trăm hộ dân ở quận 6, 12, Tân Phú, Bình Tân, TPHCM đang nơm nớp lo sợ vì sống dưới đường dây cao thế. Hiện tượng nhiễm điện, tê giật người khi làm việc dưới đường dây làm cho nhiều người dân sống dưới lưới truyền tải điện thực sự lo lắng. Thế nhưng, họ vẫn phải sống như vậy hàng ngày, bất chấp quy định về an toàn hành lang lưới điện cao thế, bất chấp tử thần treo lơ lửng trên đầu.

Vì sao phải sống dưới đường dây điện cao thế?

Những ngày ảnh hưởng cơn bão số 7 vừa qua, khi chúng tôi đứng ở chùa Bảo Đàm, đường Phú Thọ Hòa, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, mặc dù cách xa đường điện cao thế gần 100m nhưng vẫn nghe được những tiếng “xẹt” phát ra dữ dội do hiện tượng phóng điện. Trên cột, những cục sứ cách điện đỏ rực như sắt mới cán ra lò. Thế nhưng, điều đáng sợ nhất là dưới những dây điện cao thế ấy, có hàng trăm hộ dân đang sinh sống.

Những ngôi nhà “trước mũi” tử thần ảnh 1

Những ngôi nhà kiên cố ở trong khu vực chịu ảnh hưởng lớn của điện từ trường tại TPHCM.

Sống dưới đường dây điện như vậy có gì lạ? Nhiều hộ dân ở khu vực này đều khẳng định, sự cố chập điện là “chuyện thường ngày”, tivi đầu máy và các thiết bị điện khác rất nhanh hư. “Trời mưa, đụng tay vào vật bằng kim loại ở bất cứ đâu trong nhà thì thấy tê tê ngay. Tôi ngồi may vài tiếng đồng hồ là chóng mặt, nhức đầu”, chị Võ Thị Xuân, một cư dân sống trong khu vực nguy hiểm này cho biết.

Theo chị, sống ở dưới mấy cái dây điện cao thế này, tiếng kêu như rè rè phát ra từ dây điện cả ngày lẫn đêm, nhất là khi trời mưa gió, tiếng kêu to nhức óc. Ai ở nhà thường xuyên thấy nhức đầu, chóng mặt. “Ở thì đau ốm mà chuyển nhà khác thì lấy đâu ra tiền”, chị Xuân than.

Ngoài những nguy hiểm tác động từ từ như vậy hàng ngày khi sống dưới đường điện cao thế, đã có nhiều tai nạn xảy ra. Cách đây không lâu, tại khu phố 1, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, lốc xoáy làm tốc mái tôn bị hít dính tòn ten trên dây điện, anh M. sợ phóng điện chạy vào cúp cầu dao trong nhà, điện phóng cháy sém cả cánh tay, hệ thống điện trong nhà cháy trụi.

Tại tổ 28 của phường này, hàng chục hộ dân cũng đang sống trong tình cảnh tương tự. Các ngôi nhà nằm ngay dưới lòng dây điện vắt qua, khoảng cách chưa đầy 5m, nơi lúc nào cũng có chục đứa trẻ chạy nhảy, vui chơi, ngay dưới đường dây điện cao thế. Hàng loạt trụ ăngten lừng lững chỉa thẳng lên đường dây điện.

Thậm chí, nhiều người bất chấp nguy hiểm cơi nới nâng cao gác, cách đường dây chỉ vài mét. Người dân sống ở khu vực này cũng biết rằng, sống như vậy rất nguy hiểm, phát sinh bệnh tật, nhiều người bị phóng điện thương tật suốt đời, thậm chí chết người. Biết vậy, nhưng họ lại chép miệng: “Đi đâu bây giờ, nhà ở đây có bán cũng không ai mua, tiền thì eo hẹp, chạy miếng ăn từng bữa. Đành chịu vậy!”.

Di hại

Thực ra mức độ ảnh hưởng của các di chứng như “tê tê”, chóng mặt, nhức đầu mà người dân đã biết, đích thực là gây ra bệnh, mà là những bệnh nguy hiểm, chứ không thể bỏ qua như họ vẫn coi thường. Đặc biệt, nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng của hiện tượng phóng điện, nhiễm từ này... đến trẻ em.

Các bác sĩ chuyên khoa trẻ em cho rằng, trẻ sơ sinh sống cách cột điện hoặc đường dây cao thế dưới 200m có nguy cơ bị bệnh máu trắng cao hơn những em ở cách đó từ 600m trở lên. Tình trạng môi trường quanh cột và dây điện có thể là nguyên nhân gây bệnh. So với trẻ sống cách xa cột điện và dây cao thế trên 600m, nguy cơ phát triển bệnh của những em ở cách 200m cao hơn 70%. Số trẻ em sống trong khoảng cách 200 - 600m, có tỷ lệ là 20%.

Theo Luật Điện lực, các công trình, nhà ở nằm trong hành lang an toàn lưới điện phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, tuy nhiên hàng loạt nhà dân xây dựng, lấn chiếm, sống chung dưới đường dây điện vẫn ngày càng nhiều. Luật Điện lực (năm 2004) quy định không cho phép tồn tại nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống và làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây 500 KV trở lên.

Sau đó, đến Nghị định 106/2005/NĐ-CP quy định điều kiện để nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đến 220 KV là: mái và tường bao phải bằng vật liệu không cháy, nếu mái lợp, khung nhà và tường bao bằng kim loại phải được nối đất; khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất phải đảm bảo không nhỏ hơn 3m đối với đường điện cao áp đến 35 KV, 4m đối với đường điện từ 66 đến 110 KV, 6m đối với đường điện 220 KV; cường độ điện trường ngoài nhà phải nhỏ hơn hoặc bằng 5 KV/m cách mặt đất 1m, trong nhà phải nhỏ hơn hoặc bằng 1 KV/m.

Đối với hành lang đường dây 500 KV còn quy định chi tiết như sau: hành lang bảo vệ của đường dây 500 KV là diện tích giới hạn bởi hai mặt phẳng đứng song song với đường dây có khoảng cách tới dây dẫn ngoài cùng là 7m khi dây dẫn không bị lệch và không nhỏ hơn 2m khi tính đến dây dẫn bị lệch nhiều nhất, được xác định trong thiết kế (Điều 24); khoảng cách nhỏ nhất từ dây dẫn đường dây 500 KV đến mặt đất ở khu vực đông dân cư không được nhỏ hơn 14m, vùng ít dân cư 10m, vùng khó qua lại là 8m, những nơi người đi bộ rất khó đến (mỏm đá, tảng đá, dốc núi) là 6m.

Có lẽ, chẳng cần nói thêm về các quy định, vấn đề là chuyện thực tế: vẫn còn nhiều người bất chấp hiểm nguy, vẫn còn nhiều địa phương để dân “liều mạng”. Tại sao nhiều người dân dám xây nhà để ở trong những khu vực nguy hiểm như vậy? Tại sao người dân vẫn được xây nhà để ở trong những khu vực nguy hiểm như vậy? Tất nhiên, trách nhiệm đầu tiên là của chính những người liều mạng đó. Nhưng, vì lo cho dân cũng là trách nhiệm của chính quyền, nên những câu hỏi này, xin chuyển đến chính quyền địa phương các quận huyện, nơi vẫn thờ ơ với tính mạng của những người dân. 

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục