Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi, bổ sung vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Những ngày gần đây, nhiều bạn đọc là doanh nhân đã nêu thắc mắc liên quan những quy định mới về thuế GTGT. Chúng tôi xin trả lời chung về vấn đề này như sau:
° Về đối tượng chịu thuế: Luật Thuế GTGT sửa đổi, bổ sung đã mở rộng thêm các đối tượng không chịu thuế. Theo đó, các đối tượng được bổ sung sau đây sẽ không là đối tượng chịu thuế, điều này đồng nghĩa với việc họ không phải kê khai thuế GTGT đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình:
- Bảo hiểm sức khỏe, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản; bảo hiểm cho ngư dân.
- Bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
- Phụ tùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, luật sửa đổi, bổ sung cũng quy định căn cứ để xác định hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh có thu nhập thấp từ căn cứ thu nhập so với mức tiền lương tối thiểu sang căn cứ doanh thu. Cụ thể, hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
° Về thuế suất: Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung nguyên tắc xác định hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu áp dụng thuế suất 0% là hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, luật mới cũng bổ sung mức thuế suất 5% đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở (Khoản 3, Điều 1). Những quy định này đã khắc phục được những bất cập trên thực tế, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
° Về ngưỡng đăng ký nộp thuế và phương pháp tính thuế: Luật thuế GTGT trước đây quy định có 2 phương pháp tính thuế GTGT là phương pháp khấu trừ và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Tuy nhiên, vì luật không quy định về ngưỡng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nên hầu hết doanh nghiệp kê khai và nộp thuế theo phương pháp khấu trừ. Theo đó, có rất nhiều doanh nghiệp kê khai gian lận để trốn thuế GTGT, gây ra tình trạng thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Khắc phục bất cập đó, luật sửa đổi, bổ sung đã quy định ngưỡng doanh nghiệp có doanh thu 1 tỷ đồng/năm trở lên để áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT. Doanh nghiệp có doanh thu dưới ngưỡng 1 tỷ đồng/năm phải nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, trừ trường hợp có đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp này. Đây là quy định hoàn toàn hợp lý và góp phần hạn chế tình trạng thất thu thuế GTGT.
° Về hoàn thuế GTGT: Nhằm đơn giản và giảm thiểu chi phí cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế, đồng thời chống gian lận trong quá trình thực hiện hồ sơ hoàn thuế GTGT, luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi quy định về hoàn thuế do 3 tháng liên tục có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết được chuyển trừ vào số thuế phải nộp của các kỳ tiếp theo và sau tháng thứ 12 hoặc quý thứ 4 (đối với trường hợp lựa chọn kê khai theo quý) mà vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết thì được hoàn thuế.
Nhìn chung, các quy định mới về thuế GTGT nhằm khắc phục được những hạn chế, bất cập của luật cũ, và góp phần tháo gỡ những khó khăn của các chủ thể kinh doanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tình trạng gian lận thuế và hỗ trợ phát triển thị trường.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng Luật sư PHANS)