
Chiều dài biên giới An Giang có 96km, chạy qua 4 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu và thị xã Châu Đốc. Các đồn biên phòng ở khu vực này vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa tăng cường công tác dân vận nhằm tạo mối quan hệ gắn bó quân với dân trên địa bàn và xây dựng nghĩa tình vùng biên giới.
Đại tá Võ Văn Lâm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang nói: “Cấp ủy, chỉ huy luôn quán triệt đến từng cán bộ và chiến sĩ rằng đây là một trong những mặt thi đua quan trọng, trong đó có hoạt động quân dân y kết hợp”.

Khám và chữa bệnh cho người dân tại vùng biên giới An Giang.
Nằm ngay cửa khẩu Khánh Bình – Chray Thum, Đồn 933 đã xây dựng phòng khám bệnh quân dân y, nhận bệnh suốt 24/24. Đại úy Đặng Văn Khính, Phó Đồn trưởng, khoe với chúng tôi: “Kết quả hoạt động ban đầu rất khả quan. Hàng ngày, nơi đây đón từ 20 đến 30 người từ Campuchia sang điều trị bệnh, phần lớn đều là phụ nữ và trẻ em”.
Đối diện bờ biên giới An Giang, có 3 xã Sầm Pa Puôl, Sơn Kha Mau và Pẹc Chạy, với trên 1.000 Việt kiều ở dọc theo sông Hậu, sông Bình Di và ngược dòng sông Kor Thum. Thỉnh thoảng, cán bộ chiến sĩ Đồn 933 và Đồn 929 (An Giang) tổ chức đoàn sang đây thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí.
Tuy mỗi phần quà hay gói thuốc trị giá chỉ vài ngàn tiền rea, nhưng rất ấm lòng nghĩa tình láng giềng và thể hiện quan hệ hữu nghị 2 bên biên giới. Còn Đồn 957 đóng quân vùng giáp ranh 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang sẵn sàng đón dân từ xã Som, quận Kirivong, tỉnh Ta Keo sang chữa bệnh.
Trung úy Vũ Kỳ Nam – cán bộ quân y đơn vị này cho biết, do địa hình ở ven chân núi Phnum Denh đi về huyện khá xa, bà con đi tắt sang đây gần hơn mà cứu người là trên hết nên mình cũng tiếp nhận, chữa trị chu đáo.
Hôm chúng tôi đến, mặc dù là ngày thứ bảy nhưng từ sáng sớm đã có mặt nhiều bệnh nhân, trong đó có rất nhiều người từ Campuchia, cách biên giới hàng chục cây số, buộc các y sĩ trạm y tế Vĩnh Hội Đông phải bắt tay vào công việc sớm hơn thường lệ.
Những con số trên cuốn sổ nhận bệnh cho thấy, bình quân mỗi ngày trạm đón từ 30 đến 40 bệnh nhân từ xã Pung Xăng và các xã ở sâu lãnh thổ Campuchia, chiếm phân nửa tổng số và tăng từ 20% đến 30% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là trạm y tế đón dân Campuchia sang khám và điều trị bệnh đông nhất trên tuyến biên giới An Giang.
Cùng với chương trình và dự án đầu tư phát triển vùng biên giới, cơ sở hạ tầng kỹ thuật các trạm xá từng bước hoàn thiện và chất lượng chuyên môn cũng nâng lên. Ông Nguyễn Trung Lập – Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, hiện tại 17 xã, thị trấn biên giới đã có y, bác sĩ với nhiều trang thiết bị đáp ứng nhu cầu điều trị nội biên và ngoại biên.
Anh Đoàn Thanh Sang – Trưởng phòng khám khu vực Đồng Ky cho hay, những tháng đầu năm nay, bình quân mỗi tháng tiếp nhận 3.520 lượt người đến khám bệnh, trong đó dân Campuchia sang chiếm tỉ lệ trên 1/5. Mọi chuyện đều được xử lý ngay từ đầu và ít có trường hợp chuyển viện; có trên 30% bệnh nhân nghèo và quá khó khăn được miễn viện phí, thậm chí còn được giúp đỡ.
Ông Khum Bo, Phó Tỉnh trưởng Kan Dal (Vương quốc Campuchia) cho rằng, việc nhân dân Campuchia sang trị bệnh được thuận lợi đã thúc đẩy tình đoàn kết láng giềng vùng biên giới ngày một tốt hơn. Một điều đáng ghi nhận, thầy thuốc vùng biên giới An Giang không chỉ khám chữa bệnh mà còn tư vấn cho người dân Campuchia phương pháp chăm sóc sức khỏe gia đình, phòng ngừa các loại dịch bệnh thường xảy ra, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.
Bệnh viện đa khoa Châu Đốc phát động phong trào y, bác sĩ tham gia học tiếng Campuchia để tiến tới việc không còn phiên dịch và có cơ sở điều trị chuyên sâu. Tiến sĩ Hoa Nghĩa Hiệp – Giám đốc nói, đây là bước chuẩn bị khi xây dựng chiếc cầu bắc ngang sông Bình Di và cầu Cồn Tiên hoàn thành, lưu thông đường bộ giữa An Giang – Kan Dal – Phnôm Pênh không còn cách trở, chắc chắn lượng người sang điều trị bệnh cũng sẽ tăng lên và đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn.
Tháng 6 Âm lịch, đã bắt đầu mùa mưa, nước các ngả sông vùng đầu nguồn biên giới An Giang bắt đầu đục đỏ và thời điểm dịch bệnh có khả năng xuất hiện. Những người thầy thuốc ở đây lại vào cuộc vì sức khỏe người dân, vì tình hữu nghị, hòa bình vùng biên giới Việt Nam – Campuchia.
PHAN TRỌNG ÂN