Những điểm mới của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM
Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 có một số chỉ tiêu quan trọng với nội dung đổi mới so với Đại hội IX. Một trong số chỉ tiêu đó là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) được tính toán theo quy trình biên soạn mới.
Độ chính xác cao hơn
Hiện nay thuật ngữ GRDP (Gross Regional Domestic Product) được thống nhất sử dụng là tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tỉnh/TP), còn GDP (Gross Domestic Product) là tổng sản phẩm trong nước. Trước đây, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh/TP thường được gọi là GDP của tỉnh/TP đó. Như vậy, về nội hàm thì chỉ tiêu GDP của tỉnh/TP trước đây và GRDP là như nhau, đều cùng phản ánh giá trị mới tăng thêm của hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trên địa bàn tỉnh/thành phố trong một khoảng thời gian nhất định.
Sản xuất bao bì nhựa xuất khẩu tại Công ty Nam Thái Sơn Group Ảnh: Cao Thăng
Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2020 trở đi, chỉ tiêu GRDP có sự thay đổi về quy trình biên soạn theo Quyết định 715/QĐ-TTg ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Theo đó, từ năm 2016, Tổng cục Thống kê là cơ quan biên soạn, công bố chỉ tiêu GRDP của 63 tỉnh/TP, còn Cục Thống kê tỉnh/TP có nhiệm vụ phối hợp, thu thập thông tin đầu vào trên địa bàn báo cáo cho Tổng cục Thống kê.
Việc Tổng cục Thống kê tính toán tập trung lần này có những thay đổi. Trước hết là việc áp dụng giá cơ bản thay cho giá sản xuất. Theo đó, từ trước đến nay, chỉ tiêu giá trị sản xuất (GO) được tính theo giá sản xuất bao gồm các loại thuế sản phẩm (thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế doanh thu, thuế khoán…). Tuy nhiên, với việc áp dụng thuế VAT thì nguồn thông tin về thuế sản phẩm thu thập được từ các đơn vị sản xuất kinh doanh không chính xác, nên việc tính GO theo giá sản xuất chưa được sát thực. Vì vậy, việc tính chỉ tiêu GO lần này được tính theo giá cơ bản. Giá cơ bản bằng giá sản xuất trừ đi thuế sản phẩm và cộng với trợ cấp sản phẩm mà người sản xuất nhận được, thích hợp với điều kiện thông tin tài chính của doanh nghiệp báo cáo hiện nay hơn. Việc tính GO theo giá cơ bản cũng hoàn toàn phù hợp với quy định về thống kê tài khoản quốc gia của Liên hiệp quốc, đồng thời phản ánh thực chất hơn kết quả sản xuất kinh doanh trên địa bàn của từng địa phương mà không bị ảnh hưởng bởi điều chỉnh chính sách thuế của Nhà nước. Thứ hai, với việc tính toán trên toàn nền kinh tế cả nước, nguyên tắc thường trú được áp dụng triệt để, loại trừ việc tính trùng hay bỏ sót kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế đóng trên địa bàn của tỉnh/TP. Thứ ba là bổ sung, hoàn thiện hệ thống chỉ số giá trong tính toán, nâng cao chất lượng kết quả tính, phù hợp với phương pháp luận quốc tế. Thứ tư là áp dụng tỷ lệ chi phí trung gian mới phù hợp với việc áp dụng giá cơ bản.
Việc tính GRDP với một số thay đổi như trên sẽ phát huy nhiều ưu điểm hơn như: độ chính xác cao hơn, không bị sót hoặc trùng lắp về kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất kinh doanh giữa các tỉnh, TP; tốc độ tăng trưởng chung và của từng ngành sát thực hơn; phù hợp với quy định về thống kê tài khoản quốc gia của Liên hiệp quốc và khắc phục được việc chênh lệch số liệu giữa trung ương và địa phương khi chỉ còn một cơ quan đầu mối tính toán, công bố.
Căn cứ để xây dựng GRDP
Chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP và chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người có cách tính và đơn vị tính khác nhau.
- Tốc độ tăng trưởng GRDP (%) = (GRDP Pn / GRDP Po) x 100) - 100.
(GRDP Pn: GRDP theo giá so sánh 2010 của năm báo cáo; GRDP Po: GRDP theo giá so sánh 2010 của năm trước).
GRDP theo giá so sánh được tính từ GRDP giá thực tế thông qua hệ thống chỉ số giá chuyển đổi về GRDP giá so sánh.
- GRDP bình quân đầu người (USD/người/năm) = GRDP theo giá thực tế (VND)/dân số trung bình của năm/tỷ giá USD bình quân trong năm.
Như vậy, GRDP bình quân đầu người của năm nào thì chịu ảnh hưởng trực tiếp từ GRDP giá thực tế (chưa được loại trừ giá), dân số trung bình và tỷ giá USD bình quân của năm đó, còn tốc độ tăng trưởng GRDP được tính từ GRDP giá thực tế chuyển về giá so sánh (thông qua hệ thống chỉ số giá) để loại trừ yếu tố giá, sau đó so với GRDP giá so sánh năm trước để tính tốc độ tăng trưởng kinh tế. Có thể nói, GRDP bình quân đầu người chịu ảnh hưởng rất lớn từ GRDP giá thực tế nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP theo giá so sánh tuy cũng chịu ảnh hưởng của GRDP giá thực tế nhưng còn phụ thuộc rất nhiều vào việc loại trừ giá thông qua hệ thống chỉ số giá. Hai chỉ tiêu này có một điểm chung là đều chịu ảnh hưởng của GRDP theo giá thực tế nhưng mức độ phụ thuộc vào chỉ tiêu này rất khác nhau.
Để các tỉnh/TP có căn cứ xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tổng cục Thống kê đã rà soát, tính toán GRDP theo cách tính mới giai đoạn 2011-2015 cho các tỉnh/TP. Căn cứ số liệu GRDP Tổng cục Thống kê tính cho TPHCM (tăng bình quân 7,24%/năm giai đoạn 2011-2015) và việc ước tính GRDP những năm tiếp theo, TPHCM đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 phấn đấu đạt 8% - 8,5% .
Về mục tiêu GRDP bình quân đầu người, căn cứ kết quả thực hiện thời gian qua, GDP bình quân đầu người của TP năm 2010 đạt 3.199USD, ước tính năm 2015 đạt 5.538USD, tăng 73,1% so với năm 2010 và việc ước tính các chỉ tiêu liên quan trong thời gian tới, TPHCM đã xây dựng mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 9.800USD, tăng gần 77% so năm 2015.
Đặt ra các mục tiêu trên, TP đã tiếp tục duy trì mức phấn đấu khá cao vì càng về sau để tăng trưởng được một đơn vị phần trăm (1%) thì đòi hỏi giá trị ngày càng cao hơn trước.
NGUYỄN ĐỨC TRÍ
Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM