Đẩy nhanh tiến độ xây trường
Năm học 2023-2024, quận Bình Tân dự kiến tăng thêm 8.233 học sinh ở 3 bậc học (mầm non, tiểu học và THCS). Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết, địa phương đang khởi công xây dựng 4 công trình trường học gồm Mầm non Nguyệt Quế, Tiểu học Trần Cao Vân, Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Tiểu học Bình Trị Đông A, với tổng vốn đầu tư hơn 530 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đầu tư công của UBND quận, từ nay đến năm 2025, địa phương tiếp tục hoàn thành 16 dự án xây dựng trường học với tổng quy mô 494 phòng, góp phần giải bài toán áp lực về sĩ số học sinh trên địa bàn. Tương tự, tại quận 12, năm học 2023-2024, tổng số học sinh tăng thêm khoảng 1.000 em. Hiện nay, quận đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án mở rộng Trường Tiểu học Nguyễn An Khương và xây dựng mới Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, với tổng số phòng học tăng thêm là 25 phòng.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, từ nay đến trước ngày khai giảng năm học mới, thành phố sẽ đưa vào sử dụng thêm 27 dự án trường học, với tổng số phòng học tăng thêm là 282 phòng. Trong đó, bậc tiểu học tăng nhiều nhất (117 phòng), kế đến là mầm non (68 phòng), THCS (39 phòng)…
Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh thông tin, năm học 2023-2024, hai bậc THCS và THPT dự kiến tăng thêm 55.288 học sinh, nhưng quy mô trường lớp chỉ tăng thêm một trường THCS và một trường THPT. Trong khi đó, bậc tiểu học dù được dự báo giảm số lượng học sinh nhưng nhu cầu về phòng học vẫn rất lớn do yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày khi triển khai cuốn chiếu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, một số khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh như TP Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn… đứng trước áp lực khổng lồ về giải quyết chỗ học.
Về lâu dài, các địa phương cho biết phải kết hợp nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp như rà soát quỹ đất, tăng cường các nguồn đầu tư xã hội hóa, đề xuất UBND TPHCM ưu tiên bố trí vốn ngân sách đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng trường học.
Nhiều giải pháp tăng thêm chỗ học
Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp) dự kiến tuyển 270 học sinh lớp 1. Để đảm bảo nhu cầu về chỗ học, nhà trường phải tận dụng hết các phòng chức năng, tăng sĩ số học sinh/lớp, đồng thời “mượn” thêm phòng học của một trường tiểu học khác trên cùng địa bàn phường. Theo cô Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, số lượng học sinh tăng thêm qua mỗi năm học, nên nhà trường phải linh động kết hợp nhiều giải pháp để tăng thêm chỗ học cho học sinh.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12), năm học tới sẽ tuyển sinh 19 lớp 1 - với hơn 900 học sinh, tăng 3 lớp so với năm học 2022-2023. Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Yến cho hay, do là trường tiểu học công lập duy nhất trên địa bàn phường Thạnh Lộc nên hàng năm áp lực về chỗ học rất lớn. Nhiều năm trở lại đây, nhà trường duy trì sĩ số bình quân hơn 45 học sinh/lớp, giảm tỷ lệ lớp bán trú, đồng thời “mượn” 14 phòng học tại Trường THCS Tô Ngọc Vân (phường Thạnh Xuân) để đáp ứng nhu cầu về dạy học cho học sinh.
Riêng tại quận Tân Phú, năm học 2023-2024, nhiều trường tiểu học tiếp tục giảm mô hình lớp bán trú để ưu tiên phòng ốc đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. Theo thông báo của Trường Tiểu học Huỳnh Văn Chính, nhà trường ưu tiên giải quyết bán trú đối với các trường hợp học sinh có cha, mẹ là viên chức đang công tác tại các cơ quan nhà nước hoặc nhân viên công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn. Ngay khi nộp hồ sơ nhập học, phụ huynh được yêu cầu nộp giấy xác nhận nơi công tác của cha mẹ để nhà trường sắp xếp lớp học phù hợp.
Đối với bậc THCS, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp Trịnh Vĩnh Thanh thông tin, năm học 2022-2023, địa phương duy trì tỷ lệ học sinh lớp 6 được học 2 buổi/ngày khá cao. Tuy nhiên, qua rà soát dữ liệu thông tin học sinh chuẩn bị vào lớp 6 năm học 2023-2024, số lượng học sinh sẽ tăng đột biến trong năm học này do ảnh hưởng từ lứa học sinh “rồng vàng” (sinh năm 2012) dù điều kiện cơ sở vật chất trường lớp chưa kịp đáp ứng. Do đó, đại diện Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho biết, các trường buộc phải tăng sĩ số học sinh/lớp, đồng thời giảm tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày để đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. Bên cạnh đó, để duy trì chất lượng dạy và học, địa phương tính đến các giải pháp như tăng cường dạy học trên internet, khai thác tối đa nguồn tài nguyên số, tăng tính chủ động và tự học của người học.