Nỗ lực vượt khó giữa đại dịch

TPHCM đang ở cao điểm của đợt dịch thứ 4, phải thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh đó, với tinh thần vượt qua khó khăn, chính quyền, doanh nghiệp, người dân vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch, để duy trì sản xuất, kinh doanh, chăm lo các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Duy trì tiến độ thi công ngày đêm

Chiều 2-6, Ban Quản lý Dự án Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, các nhà thầu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vẫn làm việc không ngừng trong giai đoạn nước rút và ưu tiên hàng đầu là hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường an toàn. Đến nay dự án metro số 1 đã đạt 85% khối lượng. 

Ghi nhận tại công trường, gói thầu CP1a vào những ngày này có hơn 450 kỹ sư, công nhân đang miệt mài làm việc, chia thành 3 ca, kể cả chủ nhật. Còn tại gói thầu CP1b (thi công đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến đoạn chuyển tiếp sau ga Ba Son) mỗi ngày luôn có 350 lao động làm việc. Ngày Chủ nhật có 135 người/ngày; trong đó, ga Nhà hát Thành phố có 50 người/ngày, ga Ba Son có 85 người/ngày.
Tại gói thầu CP2 (thi công đoạn trên cao và khu vực depot) không khí làm việc tất bật với 600 lao động. Gói thầu CP3 (thiết bị, đường ray và đầu máy toa xe) luôn náo động với tiếng máy móc cùng 420 công nhân, kỹ sư đang tất bật lắp ráp, cân chỉnh hệ thống đường ray, sơn các thiết bị…
Hiện nay, tiến độ thực hiện triển khai dự án đã và đang bị ảnh hưởng rất lớn. Do đó, Tư vấn chung (Liên danh NJPT - Nhật Bản) của dự án đang tích cực làm việc với các nhà thầu thi công chính của dự án để rà soát toàn bộ tình hình triển khai thi công, tiến độ thực tế và khả năng duy trì tiến độ của từng gói thầu và của toàn dự án để có đánh giá chi tiết nhất. Từ đó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. 
Nỗ lực vượt khó giữa đại dịch ảnh 1 Công trường nhà ga Bến Thành (metro số 1) vẫn được thi công liên tục để đảm bảo tiến độ (ảnh chụp vào chiều 2-6, khi cơn mưa vừa ngớt). Ảnh: KHẮC HÀO
Trong khi đó, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, các công trình trọng điểm như nút giao hầm chui Nguyễn Văn Linh (quận 7), các dự án kích ngầm lắp đặt hệ thống thoát nước... vẫn đang gấp rút thi công. Đặc biệt, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cũng đang trang bị thêm thiết bị cơ giới, máy móc điều khiển bằng phần mềm máy tính, hạn chế số lượng người lao động ở các công trường.

Chăm chút lo cho công nhân

Tổng Giám đốc Công ty CP kinh doanh thủy sản Sài Gòn Trương Tiến Dũng cho biết, với kinh nghiệm từ đợt trước, công ty đã chủ động phòng chống dịch, tuân thủ quy tắc 5K. Sản phẩm của công ty là thủy hải sản tươi và sản phẩm chế biến nên trong bối cảnh dịch vẫn đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Các bữa ăn sẽ tăng thêm món vào những ngày cố định và có thêm sữa cho trường hợp công nhân tăng ca. Công nhân nằm trong khu vực quận Gò Vấp, phường Thạch Lộc (quận 12) sẽ được nghỉ, nhưng vẫn có chế độ của công ty. Lực lượng giao hàng cũng được công ty gửi danh sách tới đơn vị nhận hàng. Trong bối cảnh TPHCM giãn cách, công ty sẽ tăng mức độ kiểm soát đối với lực lượng sản xuất, đồng thời có thể cho công nhân cơ yếu ở lại nơi làm việc.

Nằm ở khu vực quận 12, Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (thương hiệu trứng Vfood) Trương Chí Thiện, cho biết, dù môi trường làm việc của công ty không máy lạnh, chỉ dùng quạt, nhưng công ty không chủ quan mà vẫn tuân thủ quy tắc chống dịch. 

Ghi nhận tình hình sản xuất trong lĩnh vực may mặc cho thấy, tính đến thời điểm này, đơn hàng khá dồi dào, nhưng các doanh nghiệp lại gặp khó khăn vì thiếu hụt nguồn lao động, đặc biệt, ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Doanh nghiệp chúng tôi hiện thiếu khoảng 50% công nhân. Do số công nhân không đảm bảo số lượng, nên thay vì mỗi ngày doanh nghiệp sản xuất khoảng 15.000 sản phẩm, nay chỉ còn 6.000 - 7.000 sản phẩm. Chúng tôi đã đàm phán với khách hàng ở Mỹ, Nhật… để được giao chậm đơn hàng với lý do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, Giám đốc Công ty TNHH May mặc M.C (quận Bình Tân, TPHCM) N.V.M chia sẻ. 

Dù ở quy mô lớn hơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, kiêm Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM Phạm Xuân Hồng vẫn lạc quan, cho biết: “Đến thời điểm này chưa có gì ảnh hưởng lớn, năng suất của công ty vẫn ổn định ở mức 49-50 USD/công nhân/ngày”. 

Ông Phạm Xuân Hồng khẳng định, đến thời điểm này, các doanh nghiệp hội viên vẫn đảm bảo đơn hàng sản xuất trong những tháng tới. Một số doanh nghiệp có ảnh hưởng do công nhân giảm nhưng không ở mức nghiêm trọng. 

Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TPHCM Nguyễn Quốc Anh cũng thông tin, hiện các hội viên đang triển khai đầu tư khu lưu trú, mở rộng nhà ăn, nhà bếp… tại các nhà máy, phân xưởng phục vụ những công nhân ở lại làm việc để không gián đoạn sản xuất; kể cả trong tình huống xấu nhất là dịch chưa sớm được kiểm soát trong nay mai.

“Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ sớm phân bổ nguồn vaccine đến cho các doanh nghiệp. Chúng tôi sẵn sàng cùng chia sẻ khoản kinh phí mua vaccine này, miễn là anh em công nhân sớm được tiêm chủng để phòng ngừa Covid-19 hiệu quả”, ông Nguyễn Quốc Anh đề xuất.  

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, rất mong muốn người lao động được sớm ưu tiên tiếp cận tiêm vaccine, nhất là các doanh nghiệp nằm ở các địa bàn như: Bắc Ninh, Bắc Giang, TPHCM, đặc biệt ở các khu công nghiệp tập trung, nơi lực lượng lao động của dệt may rất lớn, để đảm bảo ổn định sản xuất trong thời gian tới. 

Nỗ lực vượt khó giữa đại dịch ảnh 2 UBND phường Thạnh Lộc, quận 12 triển khai cây ATM gạo trong thời gian giãn cách. Ảnh: TẤN THÀNH
Hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn

Những ngày qua, người dân ở các khu cách ly quận Gò Vấp, quận 12, đã được chính quyền, các đoàn thể ban ngành và nhà hảo tâm tiếp sức, hỗ trợ vật chất, tinh thần để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Chủ tịch UBND phường Thạnh Lộc Hồ Tấn Thành cho biết, địa phương phối hợp với Quận Đoàn triển khai cây ATM gạo ở Trường Mầm non Bông Sen để người dân đến nhận gạo. Phường cũng phối hợp với một số đơn vị hỗ trợ 3 tấn rau củ quả cho người dân trong khu vực giãn cách, vận chuyển rau củ quả đến những gia đình cận nghèo, nghèo ở phường. 

Chủ tịch Hội LHPN quận Gò Vấp Nguyễn Thị Lan cho hay, hội đã huy động cán bộ hội viên chung tay giúp đỡ mọi người với tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, vận động tiếp nhận các nhu yếu phẩm để trao đến tay cho người dân. Hội LHPN quận Gò Vấp cũng nấu cơm và nước uống mang đến tận nơi cho lực lượng làm nhiệm vụ ở các trạm kiểm soát dịch, lực lượng y tế.

Ngày 2-6, trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Gò Vấp Nguyễn Thị Thảo cho biết, để đảm bảo nguồn lực phân phối, hỗ trợ người dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận kêu gọi mạnh thường quân cùng chung tay chia sẻ, hỗ trợ người dân. Trước mắt, quận đã tiếp nhận hơn 530 triệu đồng, 7 tấn gạo, nhiều rau củ quả và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để phân phối cho lực lượng chống dịch... 

Nỗ lực vượt khó giữa đại dịch ảnh 3 Các chị ở Gò Vấp nấu cơm hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ ở trạm kiểm soát và người dân trong khu cách ly. Ảnh: NGUYỄN THỊ LAN
Tương tự, UBND quận 1 cũng vừa lên phương án hỗ trợ người dân ở khu vực phong tỏa Mã Lạng. Lực lượng đoàn thanh niên tham gia hỗ trợ thêm một số công việc như đi chợ, chăm lo gia đình chính sách tại nhà và hướng dẫn hoạt động sinh hoạt hè trên mạng cho cháu thiếu nhi. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, với các tình huống phát sinh của người dân như ma chay thì địa phương cấp khai tử ngay cho người dân, giải quyết liên thông khai tử. Với các trường hợp đau ốm, nếu không có yếu tố dịch tễ, trạm y tế sẽ đến tận nhà khám bệnh, cung cấp dịch vụ khám tại nhà cho người dân...

Trong khi đó, quận Bình Thạnh hiện có 7 điểm cách ly với hơn 940 hộ dân. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Thái Thị Hồng Nga, trên tinh thần hỗ trợ tối đa người dân tại các khu vực cách ly, nhất là hộ khó khăn, quận đã chỉ đạo các phường rà soát, nắm bắt từng hộ dân để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Ngoài ra, quận cũng vận động các mạnh thường quân được hơn 1 tỷ đồng để chăm lo cho các hộ dân khó khăn, ảnh hưởng dịch Covid-19. 

Còn cô Bích, chủ một tiệm mì hủ tiếu trên đường Phan Bội Châu (quận Bình Thạnh) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh trở lại, bán mang đi tuy khách không nhiều như thường lệ, nhưng bù lại không cần bày bàn ghế, dọn dẹp, thu xếp quán xá lại đơn giản. Ông Lê Văn Long, chủ một tiệm cơm cũng ở quận Bình Thạnh thì ngay lập tức kết bạn Zalo và lập ra những nhóm khách hay đến tiệm để gửi thực đơn, trực tiếp đi giao vào giờ nghỉ trưa. “Dịch bệnh là điều không ai muốn, nhưng cũng là dịp để các cửa hàng kinh doanh chuyển mình, vượt qua khó khăn và phục hồi”, ông Long nói.

Theo ghi nhận, nhiều hàng quán, cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Gò Vấp hiện đã “cửa đóng then cài” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Một số cửa hàng kinh doanh mặt hàng ăn uống, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu vẫn còn mở cửa nhưng chỉ phục vụ khách mang về.

Chị Hồ Thúy Nga (40 tuổi, tiểu thương tại chợ Căn Cứ 26) cho biết, buôn bán sụt giảm, buộc phải cắt giảm chi tiêu gia đình xuống mức tối đa.

Anh Nguyễn Thành Tâm, chủ một quán cà phê trên đường Vũ Tùng (quận Bình Thạnh), chia sẻ: “Từ khi dịch bùng phát, quán chuyển sang bán mang đi, cứ ngỡ sẽ ế hơn bán phục vụ tại chỗ, nhưng 3 ngày qua, lượng khách mua mang đi cũng nhiều. Có những khách hàng mới là giới văn phòng, chỉ cần dừng xe 2 - 3 phút là có thể mua được một ly cà phê”. 

Tin cùng chuyên mục