Gia Lai

Nơi bắt đầu một ngày mới

Nơi bắt đầu một ngày mới

Nhớ lại hồi năm 2002, mới 20 giờ 30, phố núi đục trắng sương đêm. Những con đường dốc quanh co, vòng vèo mà chỉ “đi dăm phút đã trở về chốn cũ”. Nhà nhà cửa đóng then cài im ỉm. Lạnh lẽo, đìu hiu và cái cảm giác bất an luôn ở quanh chúng tôi.

Bây giờ ư? Đi đến sáng cũng tìm không ra cái cảm giác vắng lặng, cô đơn, hiu quạnh của phố núi mù sương, xưa cũ. Đêm của phố núi giờ đã khác...

  • Tiền khách

Góc đường Lê Lai – Nguyễn Thiện Thuật, một khu chợ đầu mối với hoa quả, rau củ tươi rói mang theo nó những mảng đất đỏ còn ẩm sương đêm và những chú gà thả rông kêu quang quác cả một góc đường.

Sức sống mới của phố núi đang đến từ những chuyến xe đến và đi đầy ắp các loại hàng hóa với tiếng trả giá, mua hàng í ới của người Jarai, xen lẫn với tiếng Bana, tiếng Kinh, ồn ào đến vui.

Một ngày ở Gia Lai bây giờ đã dài hơn, vui hơn bởi các thanh niên cả ngày làm việc trong nhà máy, chiều tối mới là giờ cho mình và của bạn bè. Một nhóm thanh niên công nhân rủ chúng tôi đi ăn khuya. Thì đi. Con đường Hoàng Văn Thụ buổi sáng là những cửa hàng thương mại sầm uất, tối đến không gian ấy lại đầy khói ấm và mùi thơm những món ăn quen thuộc của nhiều vùng miền. Ăn mỗi người tô hủ tiếu thơm lừng mũi xong, họ rủ chúng tôi sang “bên kia góc phố dịu dàng” để ăn chè đêm.
Phố Hai Bà Trưng sáng trưng với những tiếng cười nói râm ran của những người trẻ tuổi. Bất chợt, giọng hát ấm khỏe một cậu công nhân người Bana ngồi bàn bên cạnh tôi vang lên trong đêm sương: “Em đẹp lắm Pleiku ơi, trái tim anh muốn vỡ tan rồi, không dám nhìn vào đôi mắt ấy, Đôi mắt Pleiku biển Hồ đầy…”.

Cả nhóm thanh niên cười rân và họ nâng chén… chè, hét hò chúc mừng đôi bạn người dân tộc công nhân XN may Nhà Bè Pleiku vừa tan ca đang “say nhau”.

Ông Vũ Sỹ Nam, Tổng Giám đốc Công ty May Nhà Bè khi tính đến chuyện sẽ mở rộng thị trường ra miền Trung, đi đến Pleiku thì ông đã “say” với cái nắng, cái gió và cái tình người miền núi.
Thế là, khu đất rộng 3, 4 hécta đầy nắng bụi đã nên hình một xưởng may công nghiệp mang tên XN may Nhà Bè Pleiku. Chuyện xây dựng một xưởng may với đầy đủ máy móc chuyên dùng trị giá 50 tỷ đồng, đối với Công ty May Nhà Bè, không khó.
Nhưng cái khó “trần thân” là tìm đâu ra 500 công nhân may công nghiệp? Sở Lao động Thương binh - Xã hội được UBND tỉnh hỗ trợ chi phí dạy nghề cho thanh niên địa phương đã phải đi vận động và “tiếp thị” tận các buôn làng mới tìm đủ người.

Rơchăm Siu, cô gái Bana, 19 tuổi, kể tôi nghe chuyện những ngày đầu “may máy điện” bằng giọng rất vui: “Mình vừa để chân lên bàn đạp cái máy này là nó kêu ré lên rồi lôi cái vải đi thật xa. Sợ lắm.
Nhưng bây giờ thì mình làm chủ nó được rồi”. Không chỉ mình Rơchăm Siu mà hầu hết các thanh niên dân tộc những ngày đầu ngồi lên máy may công nghiệp đều phải đu người để kéo rị miếng vải lại, khi thấy vải chạy tuồn tuột trên chiếc máy may công nghiệp.
Còn K’Sor Hiên, cậu công nhân người Jrai ở khâu ủi quần áo thì cũng nhọc nhằn vì cứ nhấn nhầm nút phun nước trên bàn ủi khiến miếng vải ướt đầm. K’Sor Hiên “đành” để ỳ cái bàn ủi một chỗ cho vải khô thì “miếng vải lại cháy khét cái hình tam giác”?! Bây giờ thì họ đã là những công nhân lành nghề với thu nhập bình quân 950.000 đồng/tháng và XN đài thọ bữa ăn trưa. Các công nhân người dân tộc bây giờ đã thật sự yêu mến công việc mới này.

Chẳng thế mà ở XN may Nhà Bè Pleiku nay đã có 3 chuyền trưởng là người dân tộc Jrai và Bana.
  • Vốn nhà

Nơi bắt đầu một ngày mới ảnh 2
Khách sạn 12 tầng của Hoàng Anh Gia Lai ngay cửa ngõ vào Pleiku.

Năm 1990, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chỉ là tổ sản xuất bàn ghế học sinh nhỏ bé nằm trong khu đất trống vắng hoe của vùng ngoại ô Pleiku, với 200 công nhân viên và doanh số mỗi năm là 200 tỷ đồng.

Sau bạo loạn nổ ra trên vùng đất Tây Nguyên, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, HAGL cũng gặp khó khăn trong việc làm ăn. Để cải thiện và tiếp thị tên gọi của công ty mình với vùng đất Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức, ông chủ của HAGL đã quyết định “mua” ngay cầu thủ Thái Lan đang nổi tiếng: Kiatisak.

Rồi, những trận bóng nổi đình nổi đám với những bàn thắng đẹp mắt của Kiatisak đã khiến CLB Hoàng Anh Gia Lai trở thành CLB “hot” nhất nhiều năm qua.

Quyết định “thổi” CLB bóng đá HAGL lên hạng nhất của bầu Đức không chỉ là chiến lược của nhà cầm quân bóng đá mà đó còn là chiến thuật “gắn giải trí với kinh doanh” của một nhà kinh doanh thao lược.

Sau nhiều năm bôn ba tìm đất làm ăn ở các nơi khác, năm 2003, Công ty HAGL quyết định quay lại Gia Lai, đầu tư lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau ngay tại chính mảnh đất mà Đoàn Nguyên Đức đã đi lên từ không đến có.

Vì sao ư? Đó cũng là câu hỏi “vì sao” tự đáy lòng của ông Đức: “Vì sao doanh nghiệp các nơi tìm đến Gia Lai làm ăn, còn ta lại đi tìm cơ hội làm ăn ở nơi khác?”. Quả là, ông Đức đã định “dứt áo ra đi”, với mong muốn khuếch trương tên tuổi HAGL ở nơi khác.

Năm 2003, khi ông Đức và các cộng sự định “nhổ neo” thì một luồng gió mới từ chính sách kêu gọi đầu tư thể hiện sự quyết tâm đưa Gia Lai thoát đói làm giàu của các vị lãnh đạo Gia Lai như ông Nguyễn Tuấn Khanh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy), ông Phạm Thế Dũng (CT UBND tỉnh), ông Lê Việt Hường (Phó CT UBND tỉnh) bằng Quyết định 451/QĐ-UB của UBND tỉnh Gia Lai.

Còn bây giờ. Một khách sạn 12 tầng đẹp và tiện nghi nhất Gia Lai đang hoạt động; dự án mở rộng đầu tư vào khu chân núi Hàm Rồng thành khu liên hợp với sân tập, nhà phục hồi chức năng cho các cầu thủ bóng đá, cùng với việc nâng cấp, nâng tầm hoạt động của nhà máy chế biến đá granit tự nhiên, nhà máy chế biến gỗ cao su với tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng sắp khởi công, một khu căn hộ cao cấp 20 tầng đã bắt đầu chuyển động và một bệnh viện tư nhân công nghệ cao sẽ được xây dựng tại Pleiku, một ngày không xa.

  • Hợp tác cùng nhau

Khu Thương mại Trung tâm 3 tầng nằm trên đường Hai Bà Trưng còn có tên khác – Siêu thị Viantex, thuộc Tổng Công ty Dệt may liên doanh với Gia Lai, tổng số vốn đầu tư đầu tiên là 10 tỷ đồng.

Sau tuần lễ khai trương đông như đi “xem triển lãm”, rồi sau đó, cả năm trời đành buôn bán cầm hơi. Cán bộ của Vinatex từ TPHCM ra than trời vì ế khách. Hơn 2.000 mặt hàng các loại đưa từ thành phố lên để phục vụ bà con, nhưng suốt một năm đầu tiên, siêu thị cứ vắng tanh vắng ngắt vì người Gia Lai không quen kiểu đi chợ không có tiếng rao, không được trả giá.

Chưa hết. Thời gian đầu mới mở, các mậu dịch viên của siêu thị Vinatex cứ phải giải thích liên tục vì bà con vào siêu thị sau khi cầm phiếu tính tiền thì lại trả giá lia lịa. Họ quen cách mua bán ngoài chợ. Người bán cứ nói giá, người mua cũng cứ trả giá. Sau đó, nhiều người trả hàng lại Vinatex, không mua nữa vì “không bớt thì thôi”. Các mậu dịch viên lại phải trả hàng về chỗ cũ, sửa lại số tiền vì phiếu thu đã in ra, nhưng hàng không bán được.

Bây giờ thì người dân tộc đã hiểu cách mua hàng tự chọn ở siêu thị. Chị Hồng Hương, Giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex rất vui khi cùng với chính người Gia Lai mang đến cho bà con “phố núi cao” thói quen tiêu dùng mới: thói quen mua sắm công nghiệp. 

THÚY THÚY

Tin cùng chuyên mục