Nỗi buồn... thổ cẩm!

Nỗi buồn... thổ cẩm!

Không biết tự bao giờ, dệt thổ cẩm (DTC) đã trở thành nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Ngay cả những người đã trải qua hơn một trăm “mùa rẫy” vẫn chỉ biết rằng DTC có trước lúc họ nhìn thấy mặt trời. Duy trì nghề DTC không những góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn giúp nông dân tăng thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Nhưng giờ đây, DTC ở Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội...

  • Những điểm sáng lẻ loi

Chị Y Hạnh, người dân tộc Ba Na ở thôn Kon KLo, phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum là người nổi tiếng trong giới làm nghề DTC. Không những duy trì và phát triển nghề truyền thống này, Y Hạnh còn mạnh dạn bàn bạc với gia đình tín chấp vay vốn tại địa phương, tăng thêm thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho 30 lao động với mức lương 400 đến 500 ngàn đồng/người/tháng.

Nỗi buồn... thổ cẩm! ảnh 1

Lớp học dệt thổ cẩm của chị Y Hạnh

Không dừng lại ở đó, chị Hạnh còn dạy cách DTC cho hàng chục thanh, thiếu niên ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng. Cũng là người có công trong việc duy trì nghề DTC nhưng chị Y Wack (dân tộc Ba Na) ở thôn Kon Hra Chót, phường Thống Nhất lại có cách làm khác với Y Hạnh.

Với tư cách là một chi hội trưởng chi hội thanh niên của làng và tay nghề DTC kha khá, Y Wack đã đến từng nhà vận động bà con cho con em theo học nghề thủ công này. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của Y Wack, hiện nay, trong thôn Kon Hra Chót đã có nhiều thanh niên biết cách DTC...

Đó là hai trong số rất ít người biết DTC ở Kon Tum tâm huyết với nghề, mong muốn duy trì và phát triển nghề DTC. Mặc dù DTC đem lại thu nhập tương đối cao cho lao động là đồng bào dân tộc thiểu số (một bộ đồ thiếu nữ từ 200 ngàn đến 250 ngàn đồng, một chiếc áo của đàn ông có giá 70 ngàn đồng), nhưng nghề thủ công này đã gần như bị họ bỏ quên.

  • Ý kiến người trong cuộc

Trao đổi với chúng tôi về sự mai một của nghề DTC, chị Y Uứt ở thôn Kon Rơ Wang, phường Thắng Lợi tâm sự: “Buồn lắm chú à! Trong nhà con gái cũng nhiều nhưng không có đứa nào biết dệt, hiện nay ở Kon Rơ Wang chỉ có khoảng 4 - 5 người biết DTC thôi.

Lớp trẻ bây giờ thích các mốt thời trang chứ không yêu mến gì thổ cẩm nữa!”. Tại làng văn hóa Kon Jơ Ri, thuộc xã Đăk Rơ Wa, già làng A Mơ cho hay: Thôn có hơn 524 nhân khẩu nhưng chỉ còn hơn chục người biết DTC. Đáng lo là hầu hết những người này đã rất già, không đủ sức khỏe để tham gia sản xuất.

Còn thanh niên trong làng hiện nay không có cháu nào biết DTC, mà cũng không chịu học hỏi cách DTC. Khi chúng tôi hỏi thăm về nghề DTC của người dân trong làng, ông A Per, già làng- trưởng thôn Yang Roong xã Đăk Kấm ngượng ngùng: Không còn nữa! Trong thôn chẳng có ai DTC làm gì?

Thanh niên bây giờ chạy theo mốt Hàn Quốc trên phim ảnh, chứ có đứa nào mặc thổ cẩm nữa đâu. Thường đến các dịp lễ hội của làng, thổ cẩm mới được đem ra mặc. Nhiều người trong làng khi cần mặc phải đi mượn (!).

Vì sao DTC ở Kon Tum đang dần mai một? Theo nhiều ý kiến, một phần do thanh, thiếu niên không chú ý đến nghề này khi hàng ngày họ tiếp xúc với hàng trăm thứ mốt thời trang qua phim ảnh, đang thịnh hành được bày bán khắp nơi.

Mặt khác, những sản phẩm do họ làm ra không có nơi tiêu thụ, không được chính quyền địa phương giúp sức để tiếp cận thị trường. Cả tỉnh Kon Tum cho đến thời điểm này chỉ duy nhất một cơ sở DTC của chị Y Hạnh hoạt động có hiệu quả.

Hiện nay, thổ cẩm Tây Nguyên đã vươn tới “trời Âu”, nhiều mặt hàng thổ cẩm như khăn, túi, áo... được rất nhiều khách du lịch nước ngoài tìm mua làm quà. Nhiều du khách ngỏ ý mua cả những bộ dụng cụ DTC với giá khá cao. Điều đó cho thấy du khách rất chú ý đến cái đẹp, những nét văn hóa đặc trưng của xứ mình.

Trong khi đó ở Tây Nguyên- cái nôi sinh ra nghề DTC, các cấp các ngành chưa quan tâm, chú trọng đầu tư kịp thời nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy việc duy trì nghề DTC ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. 

TRẦN HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục