“Nói chung” và “nói riêng”

Thông thường khi đã “nói chung” thì ắt phải “nói riêng”, mà đã nói riêng thì rất dễ du di với nhau, thậm chí là khó tránh khỏi tiêu cực nếu kiểm tra, kiểm soát không chặt. Ấy vậy mà cụm từ “nói chung” này được nhắc lại vài lần trong văn bản Hướng dẫn số 09-HD/BTCTƯ (ngày 26-9-2007) của Ban Tổ chức Trung ương “Về thực hiện Quy định phân cấp quản lý cán bộ, Quy chế  bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử”.

Trong văn bản này, khi quy định điều kiện bổ nhiệm, có đoạn ghi rõ: “Ở các cơ quan, tổ chức các cấp, tuổi bổ nhiệm lần đầu nói chung không quá 55 tuổi với nam và 50 tuổi với nữ”. Hay khi nói quy hoạch cán bộ, văn bản ghi như sau: “Nếu người được giới thiệu để xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý là cán bộ công tác trong các cơ quan đơn vị thì nói chung phải được quy hoạch vào các chức danh bổ nhiệm, ứng cử” v.v…

Như vậy có thể hiểu là nếu “nói riêng” thì sẽ có người quá tuổi quy định hoặc không nằm trong diện quy hoạch cán bộ vẫn được bổ nhiệm, đề bạt? Cùng trăn trở với nhiều bí thư các tỉnh, TP tham dự Hội nghị cán bộ toàn quốc (tháng 9-2007, tại TPHCM), đồng chí Nguyễn Văn Thuận, Bí thư Thành ủy Hải Phòng băn khoăn: “Khái niệm nói chung nên hiểu ở mức độ nào và khi nào được phép vận dụng nói riêng trong công tác cán bộ?”.

Một số bí thư tỉnh thừa nhận, những năm qua, gần như cấp ủy đơn vị nào cũng vận dụng nói riêng khi đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển hay giới thiệu cán bộ ra ứng cử. Điều này phá vỡ quy hoạch, nhất là đối với quy hoạch cán bộ trẻ, gây không ít trở ngại, đôi khi gây rắc rối, mâu thuẫn nội bộ. Thế nên, khi cho phép nói chung thì chẳng khác nào ngầm cho phép nói riêng.

Thường thì cái gì rõ ràng, minh bạch và dứt khoát sẽ dễ vận dụng và tránh được sự nể nang, tiêu cực, nhất là trong công tác cán bộ - lĩnh vực vốn được coi là nhạy cảm!

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục