
LTS: Hôm nay (11-5), tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo khoa học “Tiền Giang trong tiến trình hội nhập vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Sự có mặt của nhiều nhà khoa học, đại diện một số cơ quan Trung ương, TPHCM, doanh nghiệp, địa phương… cho thấy sự quan tâm của nhiều người về tiềm năng của vùng đất trù phú này. Trước cuộc hội thảo, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang về một số vấn đề mà giới doanh nghiệp và bạn đọc quan tâm.

Tiền Giang có địa hình bằng phẳng, trải dài theo bờ Bắc sông Tiền với chiều dài hơn 120km. Tỉnh có 32km bờ biển, có lợi thế nằm gần các trung tâm đô thị lớn như TPHCM, Cần Thơ… và trên các trục giao thông quan trọng (QL 1A, QL 50, QL 60, sông Tiền, sông Vàm Cỏ…).
Đặc biệt, đường cao tốc TPHCM - Cần Thơ và tuyến đường sắt TPHCM - Mỹ Tho hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng giao thương với TPHCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo khả năng thu hút đầu tư, tăng trưởng cao.
Trong các năm qua, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá. Thời kỳ 2001 - 2005, GDP tăng bình quân 9%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng, với sự ra đời các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, đã tạo điều kiện thu hút đầu tư mạnh mẽ, đưa tốc độ tăng trưởng khu vực này trên 16,6%/năm, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Thu nhập bình quân đầu người đạt 475 USD/người/năm.
* Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng mức phát triển hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng?
- Đúng là các năm qua, Tiền Giang duy trì mức tăng trưởng khá toàn diện nhưng vẫn còn bộn bề khó khăn, phát triển chưa tương xứng. Nguyên nhân chính là do xuất phát điểm thấp, sản xuất quy mô nhỏ, lạc hậu; năng suất lao động, trình độ công nghệ chưa cao, sức cạnh tranh kém… Các thành phần kinh tế phát triển chưa mạnh, thiếu các doanh nghiệp, nhà đầu tư đủ mạnh về tiềm lực tài chính, thị phần, kinh nghiệm… để làm đầu tàu thúc đẩy các doanh nghiệp cùng phát triển. Mặt khác, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu, chưa đủ đáp ứng cho một nền kinh tế hàng hóa và phát triển dịch vụ trong cơ chế thị trường…
* Ông có thể khái quát về sự phát triển các khu công nghiệp hiện nay?
- Tiền Giang được Chính phủ phê duyệt 2 khu công nghiệp. Khu công nghiệp Mỹ Tho và Cụm công nghiệp Trung An có diện tích 96 ha (đã lấp kín), với 34 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 114,837 triệu USD và 526,8 tỷ đồng (có 8 DN vốn đầu tư nước ngoài). Hiện 27 dự án đang hoạt động, 5 xây dựng và 2 chưa triển khai.
Trong năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp tại đây đạt 1072,28 tỷ đồng chiếm 41,06 % giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu 30 triệu USD chiếm 21,2% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động trực tiếp trong các nhà máy, trên 1.000 lao động trên lĩnh vực vận tải. Nộp ngân sách gần 100 tỷ đồng/năm.
Thứ hai, khu công nghiệp Tân Hương có diện tích 240ha, trong đó 40ha là khu tái định cư. Hiện nay xong đền bù, đang xây dựng giai đoạn 1 và nhà ở khu tái định cư.
* Những doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Tiền Giang sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi thế nào, thưa ông?
Tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng 50% kinh phí đền bù, 100% tiền thuê đất trong 5 năm. Miễn tiền thuê lại đất trong 1 năm đầu xây dựng. Giảm 10% tiền thuê lại đất cho 10 doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào KCN. Giảm 10% tiền thuê lại đất đối với dự án có tổng vốn đầu tư 5 đến 10 triệu USD, 20% với dự án trên 10 triệu USD. Hỗ trợ đào tạo nghề 200.000 đồng/người/5 tháng.
Hỗ trợ chi phí quảng cáo là 80% trong năm đầu tiên và 50% cho 3 năm tiếp theo (trong tỉnh), 30% chi phí trong 3 năm đầu tiên đối với quảng cáo ngoài tỉnh. Chúng tôi còn hỗ trợ DN tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước (50% chi phí hợp lý). Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, hoa hồng môi giới… Chúng tôi sẽ làm hết mình để các nhà đầu tư thấy đây sẽ thật sự là nơi “đất lành chim đậu”.
* Để nâng cao đời sống người dân, xây dựng bộ mặt khang trang từ thành thị đến nông thôn, Tiền Giang toan tính hướng đi thế nào?
- Với dân số đông, tỉnh có nguồn lao dộng dồi dào (trên 1 triệu lao động trong độ tuổi), lao động có kỹ năng khá (trên 23% đã qua đào tạo), có khả năng tiếp cận sản xuất hàng hóa và hợp tác với các tỉnh khác. Thành phố Mỹ Tho vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lên đô thị loại II. Tới đây thị xã Gò Công sẽ được nâng lên đô thị loại III, thị trấn Cai Lậy lên đô thị loại IV và hình thành một số thị trấn mới ở các vùng đông dân cư theo hướng đô thị hóa.
Chúng tôi cũng sẽ thực hiện vành đai lương thực, thực phẩm, rau, hoa quả hàng hóa cung ứng cho các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm. Hình thành các trung tâm giống, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, phát triển hạ tầng để gắn kết Tiền Giang với TPHCM, ĐBSCL và Đông Nam bộ... làm cầu nối, trung chuyển và tiêu thụ hàng hóa nông sản để giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân địa phương.
* Gia nhập vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là “cơ hội” để Tiền Giang tăng tốc. Tỉnh đang chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi phát triển thời gian tới ra sao?
- Tiền Giang hiện có 14 tiến sĩ, 113 thạc sĩ, 9.890 cán bộ trình độ đại học, cao đẳng… Tới đây, tỉnh đẩy mạnh đào tạo cán bộ, công chức có trình độ cao, trong đó chú trọng đào tạo sau đại học ở nước ngoài. Kế hoạch đến 2015, số lượng đào tạo ở nước ngoài là 40 đại học, 55 thạc sĩ, 15 tiến sĩ. Đồng thời chuẩn bị triển khai Đề án MêKông 100 - Tiền Giang (đào tạo ở nước ngoài 87 thạc sĩ và 13 tiến sĩ). Song song đó, có chính sách khuyến khích người có trình độ cao về công tác.
Một thuận lợi là trường Đại học Tiền Giang được xây dựng, phát triển theo hướng đa ngành, đa cấp với nhiều loại hình đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ. Trong năm 2006, tuyển 3.600 SV-HS. Dự kiến đến năm 2010 là 5.500 SV- HS.
Mặt khác, trường Dạy nghề Tiền Giang nâng quy mô đào tạo từ 1.200 lên 3.000 học sinh/năm. 2 trung tâm dạy nghề khu vực được xây dựng với quy mô 1.500 học sinh/năm và tỉnh kêu gọi các thành phần kinh tế xây dựng trung tâm dạy nghề ở 5 huyện còn lại. Những nghề được tập trung đào tạo: Chế biến nông - thủy sản, cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghiệp đóng tàu, vận tải...
P. LỢI - T. HƯNG thực hiện