Phát triển du lịch 2016
Việt Nam chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, ngành du lịch chịu áp lực đáng kể, khi năm 2016 lao động giữa các nước ASEAN được tự do qua lại làm việc, mà lao động ngành du lịch của Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, thiếu chuyên nghiệp nên nguy cơ sẽ không cạnh tranh nổi với lao động các nước bạn; việc đi lại giữa các nước cũng dễ dàng hơn nên sẽ tăng tính cạnh tranh trong việc thu hút và giữ chân du khách…
Mặc dù TPHCM đã tạo thêm nhiều tour, tuyến mới bằng đường thủy, tour sinh thái, nhưng có vẻ vẫn chưa chuyển biến đáng kể. Do vậy, câu hỏi làm thế nào để du lịch phát triển trong tình hình mới được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đặt ra tại hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ ngành du lịch TP trong năm 2016 vừa qua.
Một đoàn du khách tìm hiểu về Bưu điện TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Cần một điểm nhấn
Mục tiêu đặt ra của ngành du lịch TPHCM trong năm 2016 là thu hút được 5,1 triệu lượt du khách quốc tế và 21,8 triệu lượt khách trong nước; tổng doanh thu du lịch (lữ hành, khách sạn, nhà hàng) đạt 103.686 tỷ đồng. Để đạt chỉ tiêu đó, Sở Du lịch TPhcm tập trung vào các hoạt động phục vụ khách tốt nhất như triển khai miễn thị thực có thời hạn cho công dân 6 nước châu Âu theo quy định của Chính phủ; đẩy mạnh kích cầu du lịch qua hoạt động xúc tiến du lịch; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên nghiệp hơn... Qua đó, Sở Du lịch cũng đề ra một số chương trình cụ thể là xây dựng đề án phát triển du lịch đường thủy; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước mở rộng mạng lưới các điểm ăn uống, mua sắm đạt chuẩn trong cuốn “TPHCM - 100 điều thú vị”; phối hợp xây dựng chương trình nghệ thuật phục vụ du khách; tích hợp đồng bộ thông tin du lịch vào tổng đài 1087, cổng thông tin điện tử du lịch và trạm thông tin du lịch thành phố; tiếp tục tổ chức các sự kiện du lịch như lễ đón khách quốc tế đầu tiên đến thành phố, lễ hội áo dài, ngày hội du lịch, liên hoan ẩm thực Đất phương Nam, lễ hội trái cây Nam bộ, hội chợ du lịch quốc tế ITE-HCMC, liên hoan món ngon các nước…
Thế nhưng, trước tình hình mới, hội nhập sâu rộng, cạnh tranh gay gắt thì đòi hỏi thành phố phải tạo được dấu ấn riêng so với trước. Các kế hoạch chỉ mang tính liệt kê chứ chưa đề cập đến chất lượng, còn các chỉ tiêu chỉ mang tính định tính chứ chưa định lượng. Chẳng hạn, vấn đề nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch đủ sức cạnh tranh khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN là vấn đề nóng, đáng ra phải được chuẩn bị từ trước. Thế nhưng, đến nay sở chỉ mới đề ra kế hoạch “xây dựng kế hoạch đào tạo” mà chưa có con số thống kê cần bao nhiêu nhân sự, thiếu ngành nào để đề ra chỉ tiêu đào tạo. Ngay các hoạt động xúc tiến với nhiều chương trình hội chợ diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa đánh giá hiệu quả cụ thể!
Phải có quy hoạch
Khẩu hiệu của ngành du lịch TP là “Thành phố Hồ Chí Minh - Điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn”, nên mục tiêu của Sở Du lịch đề ra là thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch trên cơ sở tăng cường quảng bá xúc tiến, hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập và cạnh tranh có hiệu quả với du lịch khu vực. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa thừa nhận ngành du lịch có sự đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng GDP của thành phố. Nhưng Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa cho rằng, muốn du lịch thành phố phát triển căn cơ, bền vững, cần phải có quy hoạch một cách khoa học thật sự và phải khách quan. Vì nhiều ngành làm quy hoạch tốn công, tốn của, tốn thời gian nhưng không phát triển được hoặc không áp dụng được trong thực tế.
Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa cho biết, để đề ra kế hoạch sát thực tế thì Sở Du lịch phải lắng nghe phản ánh của các doanh nghiệp du lịch, đó là những người tác chiến trực tiếp. Đồng chí cũng chỉ đạo, Sở Du lịch phải xây dựng kế hoạch làm sao để ngành du lịch thành phố phát triển trong tình hình mới và phải xác định được những trở ngại nào cần tháo gỡ để du lịch phát triển. Các tiêu chí đề ra phải cụ thể, thực tế, xác định được. Chẳng hạn, năm 2016 phải giải quyết được tình hình ăn xin, bán hàng rong chèo kéo khách trên địa bàn quận 1, xem có làm được không, rồi từ đó trong năm tới tiếp tục mở rộng ra các quận khác, chứ không nói chung chung. Phải xác định sự nghiệp du lịch không phải của riêng ngành du lịch mà của cả các sở ngành, quận huyện và các đơn vị hoạt động du lịch. Thời gian qua, dù các sở ngành có sự hợp tác nhưng kết quả chưa tốt, chưa được phân công, phân cấp rõ ràng nên các cấp bên dưới chưa làm tốt. Do vậy, trong năm nay, các sở ngành, quận huyện phải phối hợp với nhiệm vụ phân công công việc cụ thể, trách nhiệm rõ ràng, nội dung phải đi vào thực chất.
HÀN NI