Nỗi kinh hoàng mang tên UAV

Trong những năm gần đây, cụm từ máy bay không người lái (UAV) đã trở nên quen thuộc. Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cân nhắc thay đổi chính sách, theo đó công khai các chiến dịch sử dụng UAV tấn công các nhóm khủng bố, một cách gián tiếp công nhận UAV là một phần trong các hoạt động chống khủng bố toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, UAV đang gây ra nhiều tranh cãi liên quan đến tính hợp pháp của loại vũ khí sát thương ghê gớm này.
Nỗi kinh hoàng mang tên UAV

Trong những năm gần đây, cụm từ máy bay không người lái (UAV) đã trở nên quen thuộc. Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cân nhắc thay đổi chính sách, theo đó công khai các chiến dịch sử dụng UAV tấn công các nhóm khủng bố, một cách gián tiếp công nhận UAV là một phần trong các hoạt động chống khủng bố toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, UAV đang gây ra nhiều tranh cãi liên quan đến tính hợp pháp của loại vũ khí sát thương ghê gớm này.

  • Những thành tích của UAV

Năm 2011 được xem là cột mốc quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Sau khi trùm khủng bố Osama Bin Laden bị biệt kích Mỹ hạ thủ vào tháng 5-2011, đến tháng 9, Anwar al-Awlaki, kẻ đứng đầu Al Qaeda bán đảo Ảrập (AQAP) cũng bị tiêu diệt tại Yemen. Tuy nhiên, chiến công lần này không phải của biệt kích Mỹ mà được thực hiện từ một chiếc UAV.

Những khu vực Mỹ triển khai chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái.

Những khu vực Mỹ triển khai chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái.

Sau khi nhận định al-Awlaki là một trong những đầu sỏ nguy hiểm của Al Qaeda, kẻ được mệnh danh Bin Laden trên Internet (al-Awlaki có nhiệm vụ tuyển dụng và huấn luyện khủng bố), tháng 1-2010, đã có tin đồn về việc Nhà Trắng bắt đầu cân nhắc chuyện tiêu diệt al-Awlaki. Một điểm đáng lưu ý, al-Awlaki mang quốc tịch kép Yemen-Mỹ. Đây là trường hợp cực hiếm và có thể chưa từng xảy ra khi chính phủ Mỹ cho phép tiêu diệt một công dân nước này.

Giữa tháng 7, khi HĐBA LHQ đưa al-Awlaki vào danh sách các cá nhân quan hệ với Al Qaeda theo Nghị quyết 1267 của HĐBA LHQ, Yemen mới đồng ý cho Mỹ thực hiện chiến dịch tiêu diệt al-Awlaki. Tháng 5-2011, một UAV được lệnh tấn công xe chở al-Awlaki tại Yemen sau khi tình báo Mỹ nhận được thông tin về cuộc di chuyển này. Al-Awlaki đã thoát chết trong cuộc tấn công này.

Đến ngày 30-9, xác định được vị trí của đoàn xe chở al-Awlaki tại tỉnh al-Jawf, Bắc Yemen, 2 chiếc Predator được trang bị tên lửa không đối đất Hellfire nhanh chóng tiếp cận mục tiêu. Một nhân chứng cho hay nhóm của al-Awlaki gồm 4 người trong lúc dừng chân ăn sáng, trước khi tiếp tục lên đường đến Ma’rib, đã phát hiện ra bóng dáng của một chiếc Predator đang tiến đến rất nhanh. Nhưng khi mắt thường nhìn thấy Predator cũng có nghĩa đã quá muộn. Bộ Quốc phòng Yemen ngay sau đó thông báo al-Awlaki bị tiêu diệt trên đất Yemen.

Gần đây nhất, vào ngày 6-5-2012, một chiếc UAV cũng lập công, tiêu diệt Fahd Mohammad Ahmed Al-Quso, 37 tuổi, kẻ đảm nhận vai trò thủ lĩnh AQAP sau cái chết của al-Awlaki. Cái tên Al-Quso trở nên đình đám sau vụ vạch kế hoạch đánh bom liều chết tàu khu trục USS Cole năm 2000 làm 17 thủy thủ người Mỹ thiệt mạng. Y bị liệt vào danh sách kẻ thù nguy hiểm của Mỹ. Việc tiêu diệt được Al-Quso giúp chính phủ Mỹ bớt đi một nỗi lo bởi theo một nguồn tin tình báo, Al-Quso đang tập trung lên kế hoạch cho nổ một sân bay quốc tế tại Mỹ.

Trước vụ tiêu diệt Al-Quso, Mohammed Al-Umda, một thủ lĩnh cấp cao khác của AQAP cũng đã chết trong một vụ không kích của UAV tại một sa mạc ở miền Nam Yemen.

  • Và sai lầm giết người vô tội

Trong khi Mỹ vui mừng trước những chiến công UAV mang lại thì cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các chiến dịch thực hiện bởi UAV tại nhiều quốc gia.

Báo chí Pakistan dẫn các thống kê chính thức từ Mỹ cho hay năm 2010, có 831 thường dân vô tội chết trong 90 vụ tấn công bằng UAV, trong khi năm 2009 có 536 người/46 vụ tấn công. Năm 2011, 59 cuộc tấn công cướp đi sinh mạng của 548 người. Quỹ New America cho biết ít nhất 1.800 dân thường tại Pakistan thiệt mạng trong 297 cuộc tấn công bằng UAV.

Theo một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs (Mỹ), chỉ có 1/7 vụ tấn công bằng UAV tại Pakistan tiêu diệt được thủ lĩnh phiến quân. Theo Wall Street Journal, có hai loại tấn công bằng UAV. Thứ nhất, tấn công cá nhân nhằm vào các thủ lĩnh khủng bố. Thứ 2, tấn công đám đông tình nghi có phiến quân trà trộn trong đó. Đặc biệt nghiêm trọng ở chỗ hầu hết các cuộc tấn công bằng UAV của Mỹ đều theo kiểu thứ 2.

Hội các nhà báo điều tra có trụ ở tại London (Anh) cho biết đến thời điểm hiện nay, tại Yemen đã có ít nhất 34 cuộc truy sát bằng UAV. Somalia cũng đã hứng chịu hàng chục cuộc không kích và tăng dần về số lượng trong những tháng gần đây. Các ngư dân tại nước này thường xuyên bị UAV bắn “nhầm” phá hỏng thuyền bè, khiến họ không có phương tiện kiếm sống.

Các tay súng Al Qaeda (trái) trở thành mục tiêu tìm diệt của UAV (phải).

Các tay súng Al Qaeda (trái) trở thành mục tiêu tìm diệt của UAV (phải).

  • Bất hợp pháp

Một bài viết trên just-international.org đã chỉ ra 5 lý do sử dụng UAV vào việc tấn công là trái luật pháp. Thứ nhất, tấn công bằng UAV là hành động giết người có tính toán trước. Giết người kiểu này được định nghĩa là ám sát.

2 loại máy bay không người lái (UAV) chiến đấu phổ thông hiện nay của Mỹ là Reaper và Predator. Predator chỉ có thể mang 1 tên lửa không đối đất Hellfire, trong khi Reaper có thể mang tối đa 14 tên lửa Hellfire hoặc bom dẫn đường laser GBU-12. Sau khi dò tìm và phát hiện mục tiêu, UAV gửi thông tin về cơ quan đầu não cách đó hàng ngàn cây số. Các nhân viên CIA điều khiển UAV sẽ nhấn nút bắn và từ UAV, một tên lửa Hellfire với mức độ sát thương rất rộng có vệ tinh dẫn đường sẽ tiêu diệt mục tiêu.

Trong khi đó, năm 1976, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã ban hành điều lệnh 11905, mục 5(g) nêu rõ: “Không một nhân viên chính phủ Mỹ nào được tham gia, hoặc âm mưu tham gia vào các vụ ám sát chính trị”. Tổng thống Mỹ Reagan sau đó cũng ban hành điều lệnh 12333, mục 2.11 với nội dung: “Không một nhân viên nào được thuê hoặc thay mặt Chính phủ Mỹ tham gia hoặc âm mưu tham gia vào các vụ ám sát chính trị”. Đến nay điều lệnh vẫn còn nguyên giá trị.

Thứ hai, LHQ đã từng trực tiếp đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các cuộc tấn công bằng UAV của Mỹ trong bản báo cáo vào tháng 5-2010 của giáo sư luật Đại học New York Philip Alston. Theo đó, tấn công bằng UAV có thể hợp pháp trong bối cảnh cuộc xung đột được quốc tế thừa nhận, ví dụ như Afghanistan khi Mỹ nhận được sự cho phép của cộng đồng quốc tế tiến hành cuộc chiến tranh trên đất nước khác. Yemen, Pakistan không như Afghanistan nên việc làm của Mỹ là vi phạm luật pháp.

Thứ ba, cộng đồng luật gia quốc tế đã đồng lòng phản đối, cho đó là hành động bất hợp pháp.

Thứ tư, luật quân sự của Mỹ không cho phép mở rộng việc sử dụng UAV để giết hại dân thường.

Cuối cùng, ngay trong lòng nước Mỹ, số lượng các cựu binh Mỹ và nhân viên CIA nghỉ hưu lên tiếng bác bỏ tính hợp pháp và hiệu quả của UAV ngày một tăng lên. 

ĐỖ VĂN (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục