Qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều doanh nghiệp (DN) bày tỏ nỗi lo về khả năng cung ứng điện cho sản xuất trong mùa khô năm nay. Phóng viên Báo SGGP đã đặt những thắc mắc của các DN liên quan vấn đề cung ứng điện lên bàn ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC).
- Phóng viên: Thưa ông, nhiều DN lo việc cắt điện sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đề nghị ngành điện hạn chế việc cắt tiết giảm điện, khi cắt điện bảo trì lưới điện nên có thông báo trước, tái lập điện đúng giờ, bố trí lịch cắt điện công tác vào ngày DN nghỉ ca để bớt thiệt hại cho DN. Ông nghĩ sao về những đề nghị này?
>> Ông PHẠM QUỐC BẢO: Tôi xin khẳng định trong mùa khô năm nay, ngành điện đảm bảo đủ điện cung cấp cho sản xuất tại TPHCM, nên không có chuyện cắt tiết giảm, trừ trường hợp cắt điện bất khả kháng do sự cố. Riêng với trường hợp cắt điện công tác theo kế hoạch, ngành điện luôn thông báo trước 5 ngày cho khách hàng, vừa bằng văn bản vừa nhắn tin qua điện thoại. Khi mất điện do sự cố đột xuất, ngành điện cũng luôn cố gắng chuyển tải kịp thời trong thời gian sớm nhất. Các DN đề nghị bố trí lịch cắt điện công tác trùng với ngày nghỉ ca của công nhân để DN bớt thiệt hại là đề nghị chính đáng. Chúng tôi lắng nghe và sẽ trao đổi với khách hàng để xây dựng lịch cắt điện công tác có lợi nhất cho khách hàng.
- Nhiều DN lo lắng việc ngành điện yêu cầu DN đang sử dụng cấp điện áp 15kV phải đầu tư chuyển đổi lên 22kV, vì trong bối cảnh kinh tế hiện nay nhiều DN đang khó khăn về vốn.
Việc chuyển đổi cấp điện áp trung thế từ 15kV lên 22kV được thực hiện theo quy hoạch phát triển giai đoạn 2015 có xét đến năm 2020 đã được Bộ Công thương phê duyệt. Nâng cấp điện áp nhằm chuẩn hóa theo cấp điện áp quốc gia, nâng cao khả năng tải của lưới điện trung thế, tăng độ tin cậy và chất lượng điện áp tốt hơn, giúp quá trình sản xuất của DN sẽ ổn định hơn. Lộ trình chuyển đổi được tính toán như sau: Từ nay đến 2015 sẽ có khoảng 2.000 khách hàng phải chuyển đổi, tập trung tại các huyện ngoại thành Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh. Giai đoạn còn lại, đến năm 2020, có khoảng 2.300 khách hàng khu vực nội thành phải chuyển đổi. Phương án chuyển đổi cũng được tính toán để thuận lợi cho DN. Nếu máy biến thế của khách hàng có sẵn 2 cấp điện áp 15kV và 22kV, ngành điện sẽ chuyển đấu nối sang cấp điện áp phù hợp. Nếu máy chỉ có 1 cấp điện áp, phải cải tạo hoặc thay máy mới. Đây là điều mà DN băn khoăn. Để hỗ trợ DN, ngành điện sẽ cho thuê máy trong thời gian DN cải tạo máy. Hầu hết các máy biến thế của khách hàng đã hoạt động hơn 20 năm, khấu hao hết, nếu DN không thay được máy mới thì nên bàn giao cho ngành điện để ngành điện đầu tư.
- Một vấn đề không “nóng” nhưng làm phiền DN là quy trình đầu tư lắp đặt trạm biến áp cho khách hàng mất đến 4-5 tháng. Tại sao, thưa ông?
Đây là vấn đề không chỉ DN mà bản thân chúng tôi cũng rất băn khoăn. Quy trình hiện nay, công trình do ngành điện đầu tư phải mất 73 ngày, nhưng nếu do khách hàng tự đầu tư thì phải mất từ 123 đến 153 ngày. Kiểm lại quy trình, thời gian kéo dài lại không thuộc phạm vi ngành điện. Ví dụ như khâu thẩm tra thiết kế (15 ngày) là của Sở Công thương; thỏa thuận hướng tuyến và vị trí trồng trụ (30 ngày), kiểm tra nghiệm thu (15 ngày) thuộc thẩm quyền Sở GTVT. Chúng tôi đã xây dựng quy trình mới và đề nghị rút ngắn còn 42 - 60 ngày. Để thực hiện được điều này, EVNHCMC đã có văn bản kiến nghị gửi các sở liên quan xem xét, hỗ trợ. Nếu được như vậy, chắc chắn sẽ tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho khách hàng.
THƯ LÊ