Nỗi lo hàng tồn kho

Các nhà sản xuất lớn trên toàn thế giới đang vật lộn để thanh lý lượng hàng tồn kho đã tích lũy trong thời kỳ đại dịch, hiện đang ứ đọng do nhu cầu giảm mạnh. Tính đến cuối tháng 9, giá trị hàng tồn kho toàn cầu đã lên đến 2,12 ngàn tỷ USD, tăng 28% so với mức trước đại dịch (tháng 12-2019), theo dữ liệu của 4.353 công ty trên toàn cầu mà Quik-FactSet thu thập được.

Nhiều doanh nghiệp tăng cường dự trữ hàng trong thời kỳ đại dịch như một quyết định chiến lược nhằm ứng phó với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và với chi phí nguyên vật liệu cao.

Khi chuỗi cung ứng trở lại bình thường, với kho hàng tồn khổng lồ này, các công ty cần 87,2 ngày để tiêu thụ tính đến quý 3-2023 (con số cao nhất trong thập niên qua, không bao gồm quý 2-2020, khi doanh số bán hàng giảm mạnh do đại dịch). Có những ngành có thời gian luân chuyển lao động đặc biệt dài, bao gồm máy móc công nghiệp, với mức cao nhất trong 10 năm là 112 ngày và thiết bị điện tử như bộ điều khiển, ở mức 140 ngày. Hơn 70% trong số 40 ngành được khảo sát có thời gian luân chuyển trong quý trước dài hơn một năm trước đó.

g10b-1996-3478.jpg
Hàng tồn kho là bài toán của hơn 4.353 doanh nghiệp toàn cầu. Ảnh: BROOKINGS

Với việc Trung Quốc - “công xưởng của thế giới” cần ít chất bán dẫn và các thiết bị điện tử hơn, nhiều ngành công nghiệp đang cảm nhận được tác động, nhiều công ty “ngậm” hàng với số lượng lớn. Nhà sản xuất robot Nhật Bản Fanuc cho biết, việc giảm hàng tồn kho cho thiết bị tự động hóa của nhà máy đang mất nhiều thời gian hơn dự kiến do chi tiêu vốn ở Trung Quốc vẫn ở chế độ “chờ theo dõi thêm”.

Bên cạnh đó, kinh tế châu Âu cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt, lượng đơn đặt hàng sụt giảm mạnh đã tác động đến các công ty. Hầu hết các nhà phân phối châu Âu vẫn chưa rõ việc giảm hàng tồn kho sẽ tiếp tục trong bao lâu. Ngay cả ở Bắc Mỹ, nơi nền kinh tế tương đối mạnh, Tập đoàn Mitsubishi Electric của Nhật Bản, tập đoàn Cummins sản xuất động cơ diesel và máy phát điện nổi tiếng thế giới có trụ sở tại Mỹ... cũng đã chứng kiến doanh số bán hàng bị giảm mạnh.

Hàng tồn kho dư thừa gây áp lực lên dòng tiền. Ngành hóa chất bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi lợi nhuận giảm 43%. Lĩnh vực điện tử giảm 12%. Lĩnh vực máy móc chứng kiến lợi nhuận sụt giảm lần đầu tiên trong 5 quý, là 10%. Trong khi đó, tác động của các biện pháp kích thích của Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ chậm lại cũng có thể là vấn đề đáng e ngại. Theo Viện Quản lý cung ứng có trụ sở tại Mỹ, chỉ số tâm lý kinh doanh phi sản xuất trong tháng 10 ở mức thấp nhất trong 5 tháng. Việc thắt chặt tiền tệ kéo dài của Mỹ cũng có thể kéo nền kinh tế lớn nhất thế giới chậm lại.

Tuy nhiên, cũng có một số ngành may mắn khác trong việc giảm bớt lượng hàng tồn kho dư thừa. Nổi bật là ngành sản xuất phần cứng máy tính, vốn đã trải qua quá trình điều chỉnh tương đối sớm vì nhu cầu giảm do thời kỳ đại dịch, có chu kỳ quay vòng là 56 ngày trong quý trước, ngắn nhất trong 7 quý. Đơn cử, nhà sản xuất PC Đài Loan ASUSTeK Computer báo cáo rằng hàng tồn kho đã trở lại mức bình thường.

Tin cùng chuyên mục