Miền Trung

Nỗi lo từ những con tàu

Nỗi lo từ những con tàu

Cơn bão số 1 (bão Chanchu) đã gây nên thảm nạn kinh hoàng cho hàng trăm gia đình và những ngư dân miền Trung. Sau đại nạn ấy, các đơn vị làm công tác quản lý và dự báo mới vỡ ra nhiều vấn đề bất cập và đã đem ra mổ xẻ, rút kinh nghiệm. Như ý kiến của ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NLTS TP Đà Nẵng: “Tàu công suất nhỏ thì ngành chủ quản không quản lý được phương tiện, tàu công suất lớn thì không quản lý được thiết bị an toàn trên tàu…”.

Đăng ký, đăng kiểm: khoảng 60%

Nỗi lo từ những con tàu ảnh 1
Chỉ có 60% số tàu đánh bắt xa bờ của các tỉnh miền Trung có đăng ký, đăng kiểm.

Thống kê sơ bộ các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên, có trên 22.000 phương tiện hành nghề trên biển, cả gần bờ và xa bờ, trong số đó phương tiện đăng ký, đăng kiểm dao động trên dưới 60%.

Tại tỉnh Bình Định, hơn 2.000/4.020 tàu thuyền đang hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản, dịch vụ vận chuyển… chưa được đăng ký, đăng kiểm, không có biển số hoặc mang biển số giả.

Tỉnh Quảng Ngãi có 4.279 phương tiện, tổng công suất 257.980CV, trong đó tàu 90CV trở lên có 628 chiếc. Hầu hết các tàu có công suất lớn đã được trang bị máy định vị, máy bộ đàm, máy dò cá phục vụ cho việc khai thác thủy sản xa bờ. Tuy nhiên, việc đăng ký, đăng kiểm lại cũng chỉ nằm ở mức 47%…

Chị Nguyễn Thị Hương- một chủ tàu 30CV ở xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) cho biết: “Lâu nay vợ chồng tôi hành nghề lưới ghẹ, cứ tối đi sáng về, nếu chưa đủ chi phí xăng dầu mới ở lại vài ba hôm, nên chưa thực hiện công tác đăng kiểm tàu. Hơn nữa, ngành chức năng chưa kiểm tra, nên vợ chồng tôi cũng quên”…

Tại Đà Nẵng, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Bộ đội Biên phòng tiến hành kiểm tra 576 phương tiện, hầu hết các tàu không có giấy phép sử dụng tần số và máy phát, không có bảo hiểm thân tàu; 398 tàu không trang bị phao cứu sinh, 160 phương tiện thiếu giấy đăng ký, đăng kiểm, 82 phương tiện không có đài bán dẫn, 551 phương tiện không có bình cứu hỏa và 527 trường hợp không mua bảo hiểm cho ngư dân.

Do các chủ phương tiện không thực hiện đăng ký, đăng kiểm nên cả lực lượng biên phòng và ngành thủy sản lẫn địa phương đều không nắm được chính xác bao nhiêu tàu ra khơi. Trong khi đó, ngư dân dựa vào kinh nghiệm đánh bắt vẫn cứ trốn tránh để khai thác, nếu phát hiện vi phạm chỉ nộp phạt hành chính rồi hành nghề tiếp. Biện pháp hiện nay mà ngành thủy sản các địa phương này áp dụng cũng chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, vận động, nhắc nhở.

Qua tìm hiểu, hầu hết các chủ tàu thuyền không đăng ký đều biết mình vi phạm, nhưng vì các khoản lệ phí khá cao (trên 2 triệu đồng/tàu) nên họ đã “bỏ qua” công tác này. Phần nữa, do tâm lý chủ quan đánh bắt gần bờ, một số tàu lại không mang theo các thiết bị an toàn như phao cứu sinh, bình chữa cháy…

Một thực tế đáng lo ngại, theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Trưởng ban PCLB&TKCN TP Đà Nẵng: Tàu công suất nhỏ thì ngành chủ quản không quản lý được phương tiện, tàu công suất lớn thì không quản lý được thiết bị an toàn trên tàu. Do vậy, các vụ tai nạn tàu cá xảy ra ngoài yếu tố do thời tiết xấu, còn lại do nguyên nhân chủ quan.

Cần cái “bắt tay” thật chặt!

Ông Hồ Phó – Phó Giám đốc Sở Thủy sản Đà Nẵng nêu lên một thực tế mà lâu nay vẫn diễn ra như một quy luật đối với các tàu đánh bắt xa bờ đó là vấn đề cạnh tranh. Vì cạnh tranh, hầu hết các tàu xa bờ đều dấu ngư trường đánh bắt và tần số liên lạc, không cho tàu bạn biết nên khi gặp nạn, các tàu không liên lạc được với nhau.

Một khó khăn nữa là mỗi địa phương, một tần số liên lạc, trong khi tàu thuyền đánh bắt rất xa bờ, không phân biệt vùng biển nên các địa phương không chủ động nắm bắt số lượng tàu thuyền để gọi vào bờ lánh nạn hay ứng cứu kịp thời khi bắt được tín hiệu cấp cứu.

Theo ông Phó, sự thống nhất về tần số là điều kiện tiên quyết để thực hiện cứu hộ thành công trong mùa mưa bão. Các địa phương và cơ quan quản lý biết vậy nhưng vẫn không thể nào kiểm soát được vì trang thiết bị không đồng bộ, thậm chí có đơn vị không được trang bị máy bộ đàm để liên lạc với ngư dân (Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định), sự phối hợp thông tin giữa đơn vị quản lý và ngư dân rất hạn chế, hầu như là không có.

Chỉ đến khi xảy ra tai nạn rồi mới liên lạc nhưng chủ yếu thông qua máy Icom gia đình, Đài thông tin duyên hải và của lực lượng biên phòng nên công tác ứng cứu thường chậm trễ và đạt hiệu quả thấp.

Trong khi đó, các địa phương hiện nay không có khả năng ứng cứu tại chỗ do không đủ phương tiện cứu hộ, cứu nạn và không đủ lực lượng (cả vùng biển miền Trung có hơn 2.000 km bờ biển, nhưng chỉ có một Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực 2 đóng tại Đà Nẵng với 3 phương tiện tham gia cứu nạn là đạt chuẩn quốc gia) nên hiệu quả không cao.

Cần có quy định chặt chẽ về phương tiện, chế độ thông tin của các tàu hành nghề trên biển; trang bị thiết bị hiện đại đảm bảo thông tin liên lạc và đào tạo nghề cho ngư dân đi biển. Mới đây, Chỉ thị 22 của Thủ tướng Chính phủ về an toàn nghề cá như mở nút và định hướng cho các địa phương và lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn-Giám đốc Sở Thủy sản Quảng Ngãi, cho biết: Lâu nay vì sự an toàn, ngành thủy sản Quảng Ngãi cũng đã kêu gọi ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển nên thông báo ngư trường và tọa độ neo đậu nhưng các tàu không thông báo.

Với Chỉ thị 22, đây là dịp để ngành chủ quản Quảng Ngãi và các địa phương khác thực hiện các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ và có chế tài rõ ràng, bắt buộc đối với phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, phần nhiều các tàu khi xuất bến do địa phương này quản lý nhưng khi cập cảng lại ở địa phương khác. Muốn Chỉ thị 22 triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và ngay trong nội bộ ngành.

HÀ MINH
 

Tin cùng chuyên mục