Nỗi niềm gốm Đồng Nai

Dù đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm, nhưng nghề làm gốm ở tỉnh Đồng Nai không còn được như xưa và các nghệ nhân tên tuổi làm nên các sản phẩm gốm sứ, lu, sành… nức tiếng thuở nào, nay  chẳng còn được mấy người.
Nỗi niềm gốm Đồng Nai

Dù đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm, nhưng nghề làm gốm ở tỉnh Đồng Nai không còn được như xưa và các nghệ nhân tên tuổi làm nên các sản phẩm gốm sứ, lu, sành… nức tiếng thuở nào, nay  chẳng còn được mấy người.

Gốm Đồng Nai mang nhiều giá trị đặc sắc, cần được bảo tồn

Qua rồi thời hoàng kim

Nghề gốm đã xuất hiện ở Việt Nam hàng ngàn năm trước và đến nay đã đạt tới những đỉnh cao về mỹ thuật và kỹ thuật chế tác. Nhiều trung tâm gốm sứ đã hình thành ở cả 3 khu vực Bắc-Trung-Nam, với những sản phẩm đặc trưng riêng như gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Bàu Trúc, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long… Trong tiến trình hội nhập quốc tế, gốm sứ Việt Nam đã gặt hái được không ít thành công trên thị trường thế giới, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ lẻ, phân tán, mẫu mã chậm cải tiến, công nghệ lạc hậu, sản xuất thủ công gây ô nhiễm môi trường...

Đáng nói là nhiều làng nghề đang dần mai một hoặc những đặc trưng, nét độc đáo đã không còn bởi trào lưu “kinh tế thị trường” với mục đích lợi nhuận là trên hết, đang làm lu mờ bản sắc văn hóa Việt. Cũng cùng chung số phận như các dòng gốm khác trong cả nước, gốm Đồng Nai đang có nguy cơ “tuyệt chủng”.

Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện toàn tỉnh có 36 cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ được bố trí di dời vào cụm gốm Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa), trong đó có 15 cơ sở sản xuất gốm đất đen. Đây là dòng gốm truyền thống của Biên Hòa-Đồng Nai dùng để trang trí sân vườn, được thị trường Hoa Kỳ, châu Âu ưa chuộng. Hầu hết sản phẩm gốm đất đen đều được xuất vì loại gốm này có thể tồn tại hàng trăm năm ngoài trời mà không bị thấm nước và bám rêu mốc.

Nhưng hiện nay, các cơ sở gốm đất đen, với phương thức nung sản phẩm bằng lò củi truyền thống, đang phải đối mặt với nguy cơ bị “xóa sổ” do chưa tìm được công nghệ xử lý khí thải đạt chuẩn theo quy định, khi di dời vào cụm gốm sứ Tân Hạnh. Thêm nữa, lao động của nghề gốm hiện nay mang tính chất cha truyền con nối chiếm tỷ trọng cao hơn lao động được đào tạo qua trường lớp.

Giải pháp bảo tồn

Chất lượng và sự phát triển ngành gốm Đồng Nai không chỉ phụ thuộc vào nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ mà còn chịu sự tác động của cơ chế chính sách của Nhà nước và chính quyền địa phương, hay vấn đề quảng bá thương hiệu, sản phẩm…

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, rất cần thiết phải nhận diện và xác định rõ nghề gốm truyền thống ở Đồng Nai là nghề nằm trong di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, cần được bảo tồn và tìm hướng phát triển. Nhà nước, chính quyền địa phương cần có chính sách phát huy vai trò của nghề gốm thủ công truyền thống trong xã hội và lồng ghép việc bảo vệ loại hình di sản này vào các chương trình, quy hoạch, chỉ định cơ quan đủ năng lực để bảo vệ nghề gốm truyền thống trên địa bàn.

Thực tế hiện nay ở Đồng Nai, hầu hết lao động nghề gốm đều đã lớn tuổi nhưng chưa có thế hệ tiếp nối căn cơ; việc đào tạo cũng theo kiểu người đi trước truyền nghề cho người đi sau và qua thực tiễn công việc, trong khi chưa có cơ sở đào tạo thợ gốm một cách chính quy. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm ở Đồng Nai không thể mở rộng quy mô sản xuất và không thể đáp ứng các đơn hàng có số lượng lớn, đồng nghĩa với việc không thể giao dịch với các tập đoàn, công ty phân phối lớn mà chỉ xuất qua trung gian với giá cả thấp. Đây cũng là vòng luẩn quẩn trong việc giải quyết bài toán thu nhập, khi hàng tháng người có tay nghề cao chỉ được trả 5-6 triệu đồng để giữ chân lao động nghề gốm.

Ở nước ta, thu hút khách nước ngoài đến tham quan, du lịch bằng các loại hình đang được các tỉnh, thành chú trọng. Vì thế, việc bảo tồn, khai thác nghề làm gốm trong phát triển du lịch văn hóa ở tỉnh Đồng Nai là cần thiết. Theo đó, tỉnh nên hướng đến xây dựng các điểm du lịch làng nghề để mở ra thị trường tiêu thụ tại chỗ cho sản phẩm truyền thống, cụ thể là mặt hàng gốm sứ Đồng Nai - đã vang danh từ rất lâu cả trong và ngoài nước.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục