Ngày cuối năm, nhiều người rộn ràng đón tết. Nhưng cũng có một số người khác dường như tất bật hơn, vất vả, nhọc nhằn và lo toan hơn. Ngay ở đất Sài Gòn này, có những mảnh đời như chắp vá, tạm bợ phơ phất bên lề cuộc đời. Không có ngày mai. Không có tết. Chợt nghĩ đến câu như một lẽ hiển nhiên “Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà” cũng trở nên không đúng nữa. Có cái gì đó buồn tủi, khi mà những ngày thiêng liêng nhất, phấn khởi nhất, được trông đợi nhất trong năm sắp đến. Thì ra, bao giờ cũng có những ngoại lệ.
Nhớ lại độ mười lăm, hai mươi năm trước, trong cái khe he hé của thời kỳ kinh tế mở, cuộc sống chưa sôi động như bây giờ. Có những người khá giả, có những người khó khăn; ngày tết khoảng cách giữa hai nhóm người này đã thấy cách xa nhau. Bây giờ, xã hội phát triển từng ngày, có những người rất giàu. Ngày tết, sự giàu có của họ càng hiện ra gấp bội. Còn những người nghèo, tuy không khó hơn trước nhưng khoảng cách với người giàu đã quá xa. Và dĩ nhiên, ngày tết điều ấy hiển hiện rõ hơn.
Không riêng ở thành thị, rất nhiều nơi trên đất nước ta vẫn còn có nhiều gia đình, nhiều người quanh năm thao thức. Vẫn còn cảnh chạy gạo từng bữa, nước gánh từng thùng, củi bẻ từng bó… Điều đó không thể hiện một bức tranh tổng thể về sự phát triển của đất nước, nhưng ta biết rõ có những góc tối, những khoảng lặng của đời sống xã hội. Mà nếu không có sự “tìm kiếm”, sự “soi rọi” đầy đủ hơn những góc tối sẽ càng tối thêm, khoảng lặng càng lặng thêm.
Trong sự khác biệt của cách hưởng thụ những ngày tết, có những điều không thể không nhắc đến, đó là những bữa tiệc thừa mứa, những đêm liên hoan thâu đêm suốt sáng… Nhà cách mạng Ấn Độ M. Gandhi từng nói: “Lãng phí là ăn cướp của người nghèo”. Trong cuộc sống quanh ta, thử hỏi có bao nhiêu người từng “ăn cướp”, bao nhiêu lần ta đã “ăn cướp”? Vậy mà cách này hay cách khác, lúc này hay lúc khác, tình trạng đó vẫn cứ diễn ra. Càng đáng nói hơn, những kiểu lãng phí, những khoản lãng phí không ít từ các cơ quan nhà nước, các công chức nhà nước. Có phải vì “của chùa” nên người ta không tiếc?
Trên thực tế, vẫn còn nhiều lắm những tấm lòng nghĩ đến người khác và sẵn sàng sống vì người khác. Một sự quan tâm, động viên, một món quà nho nhỏ, một phong bao lì xì… chắc chưa góp gì nhiều để những mảnh đời vất vả ấy vượt qua thực tại nhưng ít nhất cũng đã thể hiện được tình người, thể hiện sự chia sẻ với tình đồng bào.
Nhưng như nhiều vị lãnh đạo đã từng tuyên bố: “Không để cho bất kỳ người dân nào không có tết”, vẫn cần nhiều lắm những bàn tay, những trái tim giúp đỡ, sẻ chia hơn nữa. Và tất nhiên, kể cả sau những ngày tết, bởi vì cái thao thức của quanh năm còn đáng sợ hơn nhiều so với cái thao thức chỉ trong mấy ngày tết! Hãy để hạnh phúc không phải là một tấm chăn hẹp. Hạnh phúc chính là sự nhân lên của mỗi một niềm vui, niềm hạnh phúc mà ta đã mang tặng cho người khác.
TRỊNH MINH GIANG (quận Thủ Đức)