Cách đây vài khóa, một đồng chí nữ từng là lãnh đạo TPHCM đề đạt với Ban Tổ chức Trung ương xin thôi nhận chức vụ cao hơn chỉ vì khi ra Hà Nội làm việc, chị không thu xếp được gia đình. Thật tình cờ, gặp lại chị nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 vừa rồi và hỏi lại chuyện cũ, chị giãi bày nhiều nỗi niềm sâu kín trong lòng. Chị bảo: “Cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, gặp nhiều sức ép và thiệt thòi hơn so với đồng nghiệp nam giới”. Rồi chị kể chuyện của chị và của nhiều cán bộ nữ khác cùng cảnh ngộ…
Ai cũng hiểu làm lãnh đạo luôn bận rộn, phải làm thêm ngoài giờ, họp hành, đi công tác liên miên, mà nhiều việc làm ngoài giờ hành chính, nên đi sớm về muộn là chuyện rất đỗi bình thường. Có nhiều chị dậy sớm đi công tác khi cả gia đình đang ngon giấc, lúc đêm về đến nhà thì mọi người đi ngủ từ lâu rồi! Chị kể, có hôm về lúc nửa đêm, chị ăn vội chén cơm lót dạ mà thấy đắng lòng và chị ngồi… khóc một mình. Chị thấy mình có nhiều thiếu sót với chồng, với gia đình vì không có điều kiện và thời gian chăm sóc gia đình chu đáo.
Nhưng chị cảm động và càng thương chồng, thương mẹ già và các con đã cảm thông, sẻ chia gánh vác công việc nhà, giúp chị hoàn thành công việc. Nên hôm nào được nghỉ ngơi ở nhà, chị chắt chiu, quý trọng từng phút để trở thành bà nội trợ đúng nghĩa.
Một cán bộ nữ hiện đang giữ chức vụ chủ chốt ở một quận cũng bộc bạch: “Tôi cố gắng làm tròn bổn phận người phụ nữ với thiên chức làm vợ, làm mẹ và thường xuyên đả thông tư tưởng cả với chồng mình. Cán bộ phụ nữ làm lãnh đạo nếu không giải quyết tốt các vai trò này thì phải trả giá đắt lắm!”. Có lần, chúng tôi xin phép phỏng vấn một chị lãnh đạo của một sở ở TPHCM nhưng chị chối đây đẩy. Chị phân trần, không phải chị né tránh công việc, đùn đẩy trách nhiệm mà chị né tránh… ông chồng ở nhà.
“Mỗi khi thấy tôi xuất hiện trên tivi, trên trang báo thì tôi thấy ông xã tôi không bằng lòng. Dường như nhiều ông chồng cảm thấy vợ mình làm lãnh đạo hay giữ chức vụ cao hơn chồng thì thấy khó chấp nhận thì phải!” - chị giãi bày. Thành ra mới có chuyện, một cán bộ nữ được đề bạt giữ chức phó chủ tịch UBND quận B, sau một thời gian, người chồng của chị đang là bí thư phường của quận B liền được TP điều lên tổng công ty để giữ chức vụ gần tương đương với… vợ. Chuyện xem ra khá tế nhị nhưng lại mang đậm tính nhân văn.
Cách đây 2 năm, trong lần đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải gặp gỡ với nữ cán bộ chủ chốt TPHCM, một chị bộc bạch: “Nếu luân chuyển cán bộ nữ đi xa, tôi mong Thành ủy TPHCM và Trung ương nên có chính sách với cán bộ nữ, trong đó lưu ý đến hoàn cảnh của từng gia đình. Chị em xa chồng, xa con cũng khổ tâm lắm. Nhiều tối về phòng (nhà ở công vụ) có một mình vò võ, chẳng biết làm gì, trong khi chồng ở nhà đang tất tả lo cơm nước, chăm sóc con cái và làm trăm thứ việc không tên, lắm lúc nghĩ xót xa!”.
Trong thực tế, nhiều cán bộ nam khi được luân chuyển, công tác lâu dài ở Trung ương thì thời gian sau, đưa vợ hoặc con ra để có điều kiện sum họp gia đình. Nhưng với cán bộ nữ, lại rất hiếm có chuyện chồng “xuất giá” theo vợ. Nhiều chị phải chấp nhận sự đánh đổi để thăng tiến nghề nghiệp. Sự hy sinh thầm lặng của nhiều chị thật cao cả, nhưng cũng thật nghiệt ngã.
Tuấn Sơn