
Nhiều năm qua, chúng ta tự hào là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, để đem hạt lúa từ những cánh đồng về nhà máy xay xát rồi cung ứng cho các doanh nghiệp đưa xuống tàu xuất khẩu thì vai trò trung gian của hàng xáo (thương lái mua lúa) rất quan trọng. Dù vậy, lâu nay mọi người lại bỏ quên sự đóng góp tích cực của giới hàng xáo.

Mấy ngày nay giá gạo xuất khẩu tăng liên tục nên nhiều hàng xáo chạy đôn chạy đáo tìm mua lúa cung ứng cho các doanh nghiệp. Tại chợ gạo Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) tàu ghe ra vào tấp nập, không khí thu mua gạo diễn ra nhộn nhịp từ sáng sớm đến tối mịt. Anh Tống Văn Phương, xã Tân Thành (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cho biết làm nghề này lúc nào cũng phải năng động. Mỗi khi giá lên là tranh thủ lùng sục mua lúa bất kể ngày đêm để xay gạo bán kịp thời. Chỉ cần chậm trễ một ngày là giá cả thay đổi sẽ mất cơ hội “hốt bạc”.
Bỏ nhà... xuống ghe
Tống Văn Phương xuất thân là nông dân chính gốc, học chưa hết lớp 5 đã nghỉ ra đồng cày ruộng. Lớn lên cha mẹ bắt cưới vợ rồi ra riêng lập nghiệp với chỉ 1 công đất cắm dùi. Vợ chồng vừa làm ruộng vừa làm mướn cũng chỉ đủ ăn, những lúc con đau yếu phải chạy đi vay nợ. Anh suy nghĩ, nếu cứ bám miết vào công đất ít ỏi sẽ không thể khá được, thế là anh bàn với vợ tìm nghề khác mưu sinh.
Vợ chồng “bạo gan” vay 2 cây vàng làm vốn đi mua lúa. Hàng ngày anh bơi xuồng vào các vùng nông thôn sâu mua lúa của người dân, sau đó xay gạo mang ra chợ bán lẻ. Từ 1 - 2 giạ gạo ban đầu, dần dần “mối mang” nhiều nên tăng lên 4 - 5 giạ/ngày. Công việc mua bán thuận lợi, chỉ vài năm vợ chồng anh tích lũy được số vốn kha khá.
Có tiền, anh Phương đầu tư đóng ghe lớn tính đường xa. Nếu như trước đây chỉ mua bán gạo ở các chợ nhỏ thì nay anh đưa ghe sang đồng lớn như Tứ giác Long Xuyên hay Đồng Tháp Mười mua lúa để cung ứng gạo xuất khẩu cho các doanh nghiệp.
Cần cù chịu khó, làm ăn đàng hoàng nên anh nhanh chóng được lòng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Cứ đầu tuần là chạy ghe qua An Giang, Kiên Giang mua lúa, hôm sau về xay gạo giao cho doanh nghiệp theo đơn đặt hàng. Giữa tuần tiếp tục mua lúa, cuối tuần quay về bán gạo ở chợ Sa Đéc. Mỗi tuần 2 chuyến buôn gạo, trừ chi phí còn lời gấp mấy lần so với 3 tháng làm ruộng. Gần 10 năm làm hàng xáo, từ tay trắng anh Phương xây được nhà tường kiên cố, mua xe gắn máy đắt tiền và nhiều tiện nghi sinh hoạt gia đình. Mới đây, anh Phương đóng ghe mới trên 30 tấn, hàng ngày vợ chồng lang thang mua lúa khắp nơi, thậm chí cả tháng mới về nhà.
Ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), giới hàng xáo phục tài của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa. Có nhà cửa đàng hoàng nhưng vợ chồng anh chị “không thèm” ở mà nhảy xuống ghe đi làm hàng xáo. Cái hay là hai vợ chồng không hề thuê lao động mà thay nhau lái ghe vác lúa nên giảm được chi phí. Siêng năng, tiết kiệm, cộng với khả năng giao tiếp tốt nên chị mua lúa “tận gốc” và bán gạo “tận ngọn” cho doanh nghiệp, vì thế đồng lời thu về khá cao. Đặc biệt, chị phán đoán thị trường rất tốt nên thường xuyên trúng đậm.
Từ đầu tháng 10-2009 đến nay, vợ chồng chị Hoa trúng giá đến 4 chuyến, thu lời trên 60 triệu đồng. Chỉ chúng tôi chiếc ghe 40 tấn mới cáu vừa mua, chị khoe: “Tất cả đều nhờ làm hàng xáo mà có. Nghề này tuy cực nhưng càng làm càng hấp dẫn, nhất là những lúc xuất khẩu thuận lợi, gạo hút hàng, đại lý hối liên tục phải chạy ngày chạy đêm, “mê” lắm. Nhiều năm nay, lấy ghe làm nơi nương náu, còn nhà thì đóng cửa thường xuyên”.
Cũng mê nghề hàng xáo, anh Hai Lộc ở Lai Vung quyết định bán 2 công ruộng để làm vốn đi buôn. Mấy chuyến đầu chưa có kinh nghiệm nên bị lỗ trắng mắt. Hai Lộc không nản chí mà tiếp tục vay nóng đi buôn. Dần dần gỡ nợ và dư vốn để đầu tư mua ghe lớn. Vụ đông xuân năm 2008, Hai Lộc thắng gần 200 triệu đồng. Trong 2 tuần đầu tháng 10-2009, Hai Lộc đi 3 chuyến, bỏ túi khoảng 40 triệu đồng.
Không thể vay vốn ngân hàng

Có thể nói, hàng xáo đang là nghề giúp nhiều người dân nông thôn ăn nên làm ra, nhất là thời buổi đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, cũng có không ít hàng xáo lỗ nặng phải bán đất, bán nhà trả nợ. Theo anh Hai Lộc, ở Lai Vung (Đồng Tháp) làm nghề này “5 ăn, 5 thua”, nếu mua lúa xong về xay gạo gặp giá lên thì lời khẳm, ngược lại giá rớt sẽ “ôm sô”. Thỉnh thoảng mua nhằm lúa xấu, hoặc gặp mưa bão làm gạo bị ẩm mốc… sẽ lỗ như chơi.
Điều mà giới hàng xáo trăn trở những năm qua là bị hàm oan “ép giá nông dân”. Giải thích việc này, Hai Lộc khẳng định nông dân trồng lúa bây giờ rất nhanh nhạy về diễn biến thị trường. Hàng ngày giá lúa lên xuống ra sao họ đều nắm rõ, vì vậy hàng xáo không thể ép nông dân được. Nếu hàng xáo chỉ cần mua thấp giá từ 300 - 500 đồng/kg thì mấy lần sau khó lòng mà quay lại. Trong khi nghề này là lâu dài nên hàng xáo nào cũng phải tạo uy tín cho mình để thiết lập mạng lưới riêng nhằm đảm bảo nguồn lúa liên tục. Có điều là khi mua bán đàng hoàng, không ít nông dân vui vẻ bớt chút đỉnh hoặc cân đong dễ dãi…
Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho rằng đến lúc cần nhìn hàng xáo bằng cặp mắt thân thiện bởi họ đóng góp khá lớn cho nền nông nghiệp: “Chúng tôi đánh giá cao những gì mà hàng xáo làm được, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có điều kiện để “tôn vinh” họ”.
Hiện tại, ở Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… rất nhiều người dân làm nghề hàng xáo chuyên nghiệp nhưng vẫn chưa cơ quan nào thống kê cụ thể về số lượng và sự phát triển. Thậm chí đến giờ này giới hàng xáo cũng không thể tiếp cận được ngân hàng để vay vốn kinh doanh dù họ sẵn sàng thế chấp giấy tờ ghe.
Anh Nguyễn Thanh Nhã, hàng xáo ở xã An Hữu (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), tâm sự: “Nghề này đòi hỏi vốn rất lớn. Đơn cử một chiếc ghe 40 tấn đóng mới đã mất 300 triệu đồng, cộng với 200 triệu đồng vốn lưu động để mua lúa, tổng cộng trên 500 triệu đồng. Với số tiền lớn này, hầu hết hàng xáo không thể lo nổi, trong khi ngân hàng chẳng chịu cho vay nên buộc lòng phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao từ 3%-4%. Chính vì vậy, dù buôn bán có đồng lời nhưng khi bỏ ghe lên bờ là hết tiền hết vốn. Lúc nhảy xuống ghe phải đi vay lại, khổ lắm”.
Anh Hai Lộc trăn trở, hàng xáo có ghe, có máy… với tổng tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng đề nghị vay chỉ 30%-50% giá trị, chẳng ngân hàng nào đồng ý. Các ngân hàng cho rằng, tài sản của hàng xáo là tài sản lưu động, trôi nổi, nay đây mai đó nên khó quản lý. “Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo muốn vay vốn lúc nào cũng được, thậm chí vốn ưu đãi hay những chương trình hỗ trợ khác. Hàng xáo cũng là tiểu thương, là mắt xích quan trọng để cung ứng lúa gạo. Vì vậy, cần được sự quan tâm hỗ trợ để đẩy mạnh kinh doanh và cần sự đối xử bình đẳng” - hàng xáo Tống Văn Phương nói.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL đánh giá cao vai trò hàng xáo về việc góp công đưa hạt lúa từ ruộng về nhà máy xay xát thành hạt gạo cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Theo ông, hệ thống thu mua lúa ở nông thôn của các doanh nghiệp hiện nay rất yếu, nếu không có hàng xáo thì nông dân làm sao bán được lúa, nhà máy lấy đâu ra gạo để xay xát, lau bóng, xuất khẩu. Dù là trung gian nhưng vai trò của hàng xáo cực kỳ quan trọng khi họ vừa đảm nhận vấn đề giải quyết đầu ra cho nông dân và cung ứng nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu. |
HUỲNH PHƯỚC LỢI
(SGGP thứ bảy)