Nội tệ thua trên sân nhà?

Tại cuộc họp G20 vừa tổ chức ở Hàn Quốc, Bộ trưởng Tài chính các nước đã cam kết không gìm giá nội tệ để ngăn chặn một cuộc chiến tiền tệ toàn cầu. Thế nhưng, các nước vẫn lách bằng cách định giá không đúng về đồng tiền quốc gia mình nhằm giảm thâm hụt thương mại (nhập siêu), mặt khác thúc ép các nước khác tăng giá nội tệ. Trong khi USD trên thế giới đang có xu hướng giảm giá thì ở Việt Nam diễn ra ngược lại. Vì sao?
Nội tệ thua trên sân nhà?

Tại cuộc họp G20 vừa tổ chức ở Hàn Quốc, Bộ trưởng Tài chính các nước đã cam kết không gìm giá nội tệ để ngăn chặn một cuộc chiến tiền tệ toàn cầu. Thế nhưng, các nước vẫn lách bằng cách định giá không đúng về đồng tiền quốc gia mình nhằm giảm thâm hụt thương mại (nhập siêu), mặt khác thúc ép các nước khác tăng giá nội tệ. Trong khi USD trên thế giới đang có xu hướng giảm giá thì ở Việt Nam diễn ra ngược lại. Vì sao?

  • Đầu cơ tràn lan

Hiện nay người dân có tâm lý găm giữ ngoại tệ để đầu cơ với kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng nhằm hưởng chênh lệch giá; giá vàng tăng nhanh và một số hàng hóa cũng núp bóng “ngầm” dưới dạng USD để kinh doanh… đã gây áp lực tỷ giá tăng cao.

Cũng dễ hiểu bởi tỷ giá ngoại tệ đang diễn biến rất phức tạp theo chiều hướng hai giá, giá “chợ đen” tăng cao hơn so với tỷ giá niêm yết chính thức của NHNN công bố khoảng 1.000 đồng/USD (20.500 đồng/USD so với 18.932 đồng x 3% biên độ = 19.500 đồng/USD mà các NHTM đang niêm yết).

Tỷ giá USD tăng cao đã khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lao đao, gây khó khăn, thua thiệt. Nặng nhất là doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa do không mua được ngoại tệ từ các NHTM vì các ngân hàng chỉ bán và cho vay các doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngân hàng cho doanh nghiệp vay, mua ngoại tệ bằng USD sau khi xuất khẩu thu USD về, doanh nghiệp phải cam kết bán lại cho ngân hàng. Nếu không cân đối được, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phải tìm đến thị trường “chợ đen” để mua USD với giá chênh lệch 1.000 đồng/USD.

Cần có giải pháp hữu hiệu quản lý thị trường ngoại tệ vào khuôn khổ. Ảnh: LÃ ANH

Cần có giải pháp hữu hiệu quản lý thị trường ngoại tệ vào khuôn khổ. Ảnh: LÃ ANH

Việc USD tăng giá chỉ một số doanh nghiệp xuất khẩu được lợi. Đó là doanh nghiệp nhập các nguyên liệu đầu vào ở thị trường trong nước sau đó sản xuất và xuất khẩu thu về ngoại tệ. Nhưng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu dạng này ở nước ta hiện nay rất ít. Đa số doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất, giá nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất cao trong giá thành và giá bán.

Người dân hiện nay có tâm lý găm giữ ngoại tệ với kỳ vọng tỷ giá ngoại tệ sẽ tăng cao và kỳ vọng NHNN sẽ phá giá nội tệ. Nạn đầu cơ USD đang diễn ra phổ biến, nhất là khi NHNN ban hành Thông tư 22 về việc hạn chế hoạt động huy động vàng và cho vay vàng đối với các NHTM.

Thực tế đã có dòng tiền dịch chuyển từ vàng sang ngoại tệ, trong khi đó TTCK và bất động sản chưa được cải thiện về thanh khoản và đói vốn nên không hấp dẫn giới đầu tư. Tỷ giá tăng khiến thị trường ngoại tệ chợ đen diễn ra nhộn nhịp, kiều hối chuyển về nước không nằm lại hệ thống ngân hàng. Hiệu lực cơ quan quản lý nhà nước về thị trường ngoại hối chưa được phát huy, đã phát sinh hiện tượng “vàng hóa”, “đô la hóa” nền kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

  • Thiết lập khuôn khổ thị trường

Một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước còn trục lợi, núp bóng ăn theo USD để lừa khách hàng khi đồng tiền này tăng giá. Báo ĐTTC số 365 đã có bài phản ánh việc CTCP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình (Hà Nội) mưu lợi, bán nhà bằng USD tại quận Hà Đông.

Doanh nghiệp này đã quy đổi từ giá hợp đồng cũ 15,5 triệu đồng/m² sang 797USD/m². Tỷ giá tăng khiến người mua mất thêm tiền và doanh nghiệp được lợi từ chênh lệch tỷ giá tăng. Không riêng gì ngành bất động sản, mặt hàng ô tô, điện tử, các mặt hàng xa xỉ và nhiều danh mục hàng hóa khác tuy không niêm yết giá USD nhưng vẫn “mua bán ngầm, núp bóng” và giao dịch theo tỷ giá USD.

Nội tệ đang thua trên ngay sân nhà? Diễn biến trái chiều về giá trị nội tệ và ngoại tệ là vấn đề nóng phát sinh cần xử lý. Phải có giải pháp hữu hiệu quản lý thị trường ngoại tệ và siết thị trường này vào khuôn khổ để không gây ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế vĩ mô. NHNN cần quy định chặt chẽ việc mua, bán, thu đổi cho vay ngoại tệ, nhất là vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu tín dụng ngoại tệ tăng nóng.

Các NHTM và các cơ sở kinh doanh ngoại tệ không được thu đổi, mua, bán ngoại tệ vượt trần quy định của NHNN. Phải dẹp ngay việc kinh doanh ngoại tệ trái phép và phải có chế tài mạnh để răn đe, kể cả dùng đến pháp luật. Để chấn chỉnh thị trường, công tác kế toán của tổ chức, doanh nghiệp phải công khai danh mục đầu tư ngoại tệ, số ngoại tệ nắm giữ, ngày mua bán và thể hiện trong báo cáo tài chính, danh mục đầu tư, từ đó có biện pháp kiểm soát, xử lý nếu sai phạm.

Vũ Thế Nghĩa

Tin cùng chuyên mục