* Chị PHẠM THỊ NGUYỆT, Bí thư Đoàn Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group): Gần người trẻ để hiểu, đồng cảm và đồng hành
Trong giai đoạn hiện nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, một bộ phận đoàn viên thanh niên không còn mặn mà với các phong trào, hoạt động do Đoàn phát động. Chúng ta cũng đã thấy được những nguy cơ trong xu thế toàn cầu hóa, khi người trẻ được tiếp xúc và trải nghiệm những thành tựu của khoa học công nghệ, những giá trị thụ hưởng do cuộc sống hiện đại mang lại quá nhiều, quá hấp dẫn làm cho một số người trẻ trở nên thụ động, chỉ biết sống hưởng thụ, trở thành người không có ước mơ, hoài bão, không có lý tưởng, không còn hứng thú với những hoạt động do tổ chức Đoàn tổ chức. Bên cạnh đó, một nguy cơ khác là các thế lực thù địch ra sức lôi kéo, gieo rắc cho một số người trẻ luồng tư tưởng phản động.
Chị Phạm Thị Nguyệt |
Xác định rõ những khó khăn thực tại, Đoàn càng phải nỗ lực nhiều hơn, thực sự gần gũi, thân tình với người trẻ để qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng. Gần người trẻ để hiểu, đồng cảm và đồng hành với họ là một phần sứ mệnh của tổ chức Đoàn. Các hoạt động cần được đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức tổ chức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, phát huy khả năng tư duy sáng tạo của thanh niên, phát huy vai trò hữu ích của người trẻ cho xã hội, ghi nhận và lan tỏa những giá trị tốt đẹp do thanh niên mang lại.
Với những giá trị tốt đẹp, thiết thực và trực quan do tổ chức Đoàn cùng với đoàn viên thanh niên mang lại, những định kiến về tổ chức Đoàn (tại một số địa bàn) trong thời gian qua như “phong trào”, “hình thức”, “không thực chất”… sẽ được thay thế bằng sự ghi nhận, tin tưởng và giao phó của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương và toàn xã hội.
* Anh MAI VIỆT HÙNG, Nguyên Bí thư Đoàn Tổng Công ty Bến Thành: Tăng cường truyền thông về Đoàn
Đoàn viên thanh niên trong giai đoạn hiện nay thuộc thế hệ gen Y, gen Z, đòi hỏi tổ chức hoạt động phong trào phải mang tâm lý, phù hợp với nhu cầu của thế hệ trẻ bây giờ. Tôi cho đó chính là khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay mà công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cần phải quan tâm, chuyển đổi mô hình tiếp cận.
Anh Mai Việt Hùng |
Cần tăng cường truyền thông về phong trào Đoàn. Ngoài những công cụ truyền thống trong truyền thông như báo chí, cần tăng cường trên trang mạng xã hội Facebook, Tiktok, các clip ngắn… Đoàn cần tiếp tục triển khai tham gia vào những vấn đề nóng, vấn đề lớn của xã hội. Khi đã được chính quyền quan tâm, quản lý, nên bàn giao lại cho tổ chức, cơ quan chức năng để giải quyết triệt để theo quy định của pháp luật.
Có nhiều giải pháp đánh giá hiệu quả phong trào thông qua phương pháp thống kê, phiếu khảo sát, bảng hỏi… để nhận được đánh giá từ xã hội, thanh niên tham gia phong trào, đối tượng thụ hưởng từ phong trào để có điều chỉnh phù hợp, phát huy thành công từ những phong trào đã triển khai. Cũng cần có đúc kết về những phẩm chất cán bộ Đoàn, tùy đặc trưng mỗi đơn vị, mỗi thời kỳ. Theo tôi, cán bộ Đoàn cứ làm việc hết sức, thỏa đam mê tuổi trẻ và thanh xuân của mình, mạnh mẽ vượt qua khó khăn, cởi mở, tạo dựng mối quan hệ, tinh thần độc lập và sáng tạo, kiên trì và nỗ lực hết mình sẽ thành công trên con đường mình chọn.
* Chị TRƯƠNG THƯ, Du học sinh Việt Nam tại University of Melbourne, Australia: Tăng độ nhận diện “thương hiệu” của Đoàn
Tôi mong muốn Đoàn có thể tiếp tục mở rộng và đem cơ hội hội nhập quốc tế đến với nhiều bạn trẻ Việt Nam hơn, qua các chương trình học bổng cũng như hoạt động tích hợp tìm hiểu về văn hóa trong các phong trào liên quan đến học tập.
Chị Trương Thư |
Dưới góc nhìn của một bạn trẻ thế hệ gen Z, như đa số bạn trẻ khác, thế hệ của tôi là thế hệ được tác động bởi sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và xu thế toàn cầu hóa. Vì thế, để Đoàn có thể tạo và giữ vững sự kết nối giữa tổ chức và giới trẻ, cần tăng độ nhận diện “thương hiệu” của Đoàn qua tương tác mạng xã hội một cách tích cực. Tương tác qua mạng xã hội có thể bao gồm các chiến lược kết nối cộng đồng thanh niên gen Z qua các chương trình net-working để hỗ trợ thế hệ chúng tôi có được một cộng đồng vững chắc khi học tập và phát triển. Đây cũng là một mô hình kết nối cộng đồng trẻ khá phổ biến tại nước ngoài, là cơ hội để các cá nhân với tiềm năng, tài năng có thể gặp gỡ chuyên gia trong lĩnh vực mình thích và học được kỹ năng mềm cần thiết.
* Anh NGUYỄN VĂN TRUNG, Kỹ sư, Tổng Công ty Điện lực TPHCM: Tạo giá trị từ hoạt động thiết thực
Tôi từng tham gia hoạt động Đoàn của cơ quan kết hợp với Trung tâm Điều độ hệ thống điện TPHCM, trong chuyến đi thăm các em nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật, mồ côi Thị Nghè. Chuyến đi để lại nhiều kỷ niệm đẹp với các thành viên, chia sẻ chút quà nhỏ với các em ở đây khiến người trẻ thấy việc làm của mình có ý nghĩa, đem lại giá trị cho cuộc sống xung quanh.
Anh Nguyễn Văn Trung |
Nhưng cuộc sống không chỉ có một ngày và tuổi trẻ cũng vậy, các tổ chức dành cho thanh niên cần xây dựng hoạt động thiết thực, duy trì đường dài và có tính kế thừa để các thế hệ cùng chung tay. Điều này, sẽ góp phần mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng hơn là việc tổ chức chương trình, hoạt động mang tính phong trào, bởi đó chưa phải là một giá trị bền vững, lâu dài.