
Hai tuần gián đoạn việc chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu (EU) hồi đầu tháng 1 đã khiến vấn đề an ninh năng lượng cho EU trở nên nóng bỏng. Cả EU lẫn Nga đang thúc đẩy xây dựng các đường ống mới để tránh bị lệ thuộc phía khác.
Một cuộc chạy đua xây dựng đường ống đang diễn ra ráo riết - EU quay lại với ý tưởng xây dựng dự án Nabucco, còn Nga đẩy nhanh các dự án “Dòng chảy phương Bắc” và “Dòng chảy phương Nam”.
EU – nhiều dự án năng lượng sau “khủng hoảng khí đốt”
27 bộ trưởng năng lượng EU đã họp tại Brussels (Bỉ) đến nửa đêm khi khủng hoảng năng lượng xảy ra để bàn về an ninh năng lượng của EU với quyết tâm không để tái diễn cảnh hơn 20 nước bị ảnh hưởng bởi việc cắt khí sưởi ấm giữa mùa đông.
Các bộ trưởng khẳng định đa dạng hóa nguồn cung cấp nhiên liệu cho EU và tất cả các biện pháp được nêu trong chiến lược năng lượng của EU đến năm 2020, trong đó có việc tăng tỷ trọng năng lượng từ các nguồn tái chế để giảm sự phụ thuộc vào Nga. Hiện tại Gazprom của Nga đáp ứng trên 20% nhu cầu khí đốt của EU và khả năng sẽ tăng hơn nữa.

Một công trình đường ống khí đốt của Nga.
Trong chiến lược an ninh năng lượng, EU sẽ xây dựng hành lang dẫn khí đốt phía Nam nối châu Âu với ngoại vi khu vực Kavcaz, Trung Á và Trung Đông, đây là đường vòng để tránh lãnh thổ Nga. Tháng 11-2007, tuyến đường ống dài 296 km nối Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã hoàn tất với công suất 7 tỷ m³/năm.
Đến năm 2012 công suất sẽ được nâng lên 11 tỷ m³/năm và tuyến đường ống này trở thành một phần của hệ thống dẫn khí thống nhất Interconnector gắn kết Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Italia.
Đường ống dẫn khí Thổ - Hy Lạp từ tháng 4/2009 sẽ được sử dụng vận chuyển 1 tỷ m³ khí đốt của Azerbaijan sang Hy Lạp. Khí đốt Azerbaijan đến Thổ Nhĩ Kỳ theo tuyến đường ống Baku - Tbilisi – Erzurum. Tuy nhiên, kỳ vọng chính trong việc đa dạng hóa các nguồn khí đốt cho châu Âu được đặt vào dự án Nabucco.
Nabucco là hệ thống đường ống dài 3.300 km nhằm đưa khí đốt từ Trung Đông và Trung Á tới châu Âu, chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, Đông Nam châu Âu, không qua lãnh thổ Nga. Tuyến ống này nối Erzurum của Thổ Nhĩ Kỳ với Baumharten của Áo, đi qua Bulgaria, Romania và Hungary.
Nếu hoàn thành vào năm 2011 như kế hoạch, Nabucco sẽ vận chuyển khí đốt từ nhiều nguồn cung (kể cả Iraq, Iran, Azerbaijan, Turmenistan, Kazakhstan và có thể là cả Ai Cập), cho các khách hàng trên khắp châu Âu. Chi phí dự án gần 7,9 tỷ euro. Giai đoạn đầu thực hiện dự án từ 2010 - 2012. Đến năm 2013 công suất của đường ống sẽ là 8 tỷ m³ khí và từ năm 2018 dự án này có thể cung cấp cho EU 31 tỷ m³ khí/năm.
Nabucco đang được đẩy nhanh. Ngày 27-1, EU lại tổ chức Hội nghị cấp cao về dự án tại Budapest, thủ đô Hungary. Các bên tham gia ra tuyên bố quyết tâm triển khai dự án; khuyến khích đầu tư nước ngoài trực tiếp ở các nước cung cấp và tiếp nhận khí đốt qua đường ống Nabucco.
Các nhà lãnh đạo EU ủng hộ dự án Nabucco, tuy nhiên cũng thừa nhận sự cần thiết của các dự án được Nga ủng hộ là “Dòng chảy phương Bắc” và “Dòng chảy phương Nam”. Bởi khó khăn chính của dự án Nabucco là thiếu nguồn khí cung ứng. Có nước hứa bán khí cho Nabucco nhưng cho biết nếu phải chờ đợi dự án lâu thì họ buộc phải bán khí cho Nga.
Mới đây nhất, ngày 6-2, phái đoàn Ủy ban châu Âu (EC) do Chủ tịch Jose Manuel Barroso dẫn đầu đã đến Moscow. Trong nhiều vấn đề trao đổi với các nhà lãnh đạo Nga, ông Barroso tán đồng việc Nga hình thành thêm những con đường vận chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu thông qua 2 dự án “Dòng chảy phương Nam” và “Dòng chảy phương Bắc”. Ông nói cả hai là những dự án thương mại, các nhà lập dự án chẳng yêu cầu tiền bạc từ phía EU. Còn với Nabucco thì EU đang xem xét lại việc cung cấp tài chính cho nó.
Song song với Nabucco, EC ngày 28-1 đã công bố kế hoạch đầu tư 3,5 tỉ euro (4,6 tỉ USD) vào nhiều dự án năng lượng. Hơn 1 tỉ euro sẽ được dành cải tiến hệ thống dẫn khí đốt giữa các nước EU và 700 triệu euro cho hệ thống dẫn điện ở EU. Khoảng 1,25 tỉ euro cho các dự án về hấp thu và lưu giữ khí thải carbon và còn hơn 500 triệu euro dành cho các dự án phong điện ở ven biển. Kế hoạch này dự kiến được lãnh đạo 27 nước trong khối thông qua tại hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 3 tới.
Dòng chảy phương Nam và Dòng chảy phương Bắc
Nga đang khẩn trương xúc tiến xây dựng dự án “Dòng chảy phương Nam” (với sự hợp tác của Tập đoàn dầu khí ENI, Italia) chạy trên đáy Biển Đen của Nga đến Bulgaria dài 900km để trực tiếp cung cấp khí đốt cho châu Âu, nhằm giảm lượng khí phải quá cảnh Ukraine. Đường ống này sẽ tham gia hệ thống vận chuyển khí đốt của Gazprom từ Turmenistan, Kazakhstan đến châu Âu. Turmenistan và Kazakstan và Nga đã có thỏa thuận xây dựng đường ống vận chuyển khí đốt từ hai nước này thẳng tới Nga.
Ngày 6-2, Gazprom thông báo với các nhà đầu tư tổng trị giá của dự án “Dòng chảy phương Nam” từ 19 đến 24 tỷ euro (dự án có chi phí cao nhất từ trước đến nay do Gazprom thực hiện). 4 tỷ euro chi cho xây dựng kéo dài đường ống chìm dưới nước, từ Nga đến Bulgaria sẽ được Gazprom xây dựng vào 2015. 15 đến 20 tỷ euro sẽ dùng cho 2 nhánh trên bộ, từ Bulgaria đến Áo và từ Bulgaria đến đến bờ tây Hy Lạp.
Các thỏa thuận liên chính phủ về xây dựng phần đường ống nổi trên đất đã được ký kết với Bulgaria, Serbia, Hungary và Hy Lạp. Trước đây Gazprom tính sản lượng qua đường ống này là 31 tỷ m³/năm, giờ đây tập đoàn này nâng con số này lên 47 tỷ m³/năm.
Theo các nhà phân tích, sự ra đời của đường ống “Dòng chảy phương Nam” có tầm quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho toàn bộ bán đảo Balkan cũng như toàn bộ châu Âu. Công suất to lớn và giá thành rẻ, dự án trên có thể sẽ vô hiệu hóa mục tiêu của dự án Nabucco.
Song song với “Dòng chảy phương Nam”, Nga đẩy nhanh việc hình thành “Dòng chảy phương Bắc” để cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức băng qua biển Baltic dự kiến đi vào hoạt động năm 2011. Theo Nga, lộ trình những đường ống mới như vậy sẽ đủ sức đảm bảo cho châu Âu và người tiêu thụ năng lượng ở châu lục này tránh được những đòn gây sức ép từ Ukraine.
Lệ Thư