“Nóng” chuyện an ninh vệ tinh

Tin tặc tấn công chiếm giữ quyền kiểm soát vệ tinh, thậm chí dùng vũ khí phá hỏng vệ tinh đối phương đang là một trong những thách thức lớn khiến các nhà khai thác vệ tinh đau đầu.

Trong những ngày đầu Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phương Tây cho rằng các tin tặc có liên kết với Nga đã nhắm mục tiêu vào phân khúc trên mặt đất của mạng liên lạc vệ tinh Viasat, khiến các modem internet ở khắp châu Âu không hoạt động.

Phát biểu tại Hội nghị Vũ trụ châu Âu lần thứ 15 tại Brussels, Josep Borrell, Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh, tuyên bố sự phòng thủ của Ukraine đã chứng minh các vệ tinh là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” đối với cuộc xung đột quân sự. Điều đó có nghĩa là chính các quỹ đạo giờ đây đã trở thành mục tiêu, với nhu cầu bảo vệ chúng ngày càng tăng.

Mô phỏng một vụ tấn công vệ tinh từ mặt đất
Mô phỏng một vụ tấn công vệ tinh từ mặt đất

Gần đây nhất, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đề xuất một vụ nổ hạt nhân 10 megaton cách bề mặt Trái đất 80km như một cách để vô hiệu hóa các vệ tinh như Starlink khi đi qua đám mây phóng xạ. Tấn công vệ tinh là tình huống xấu nhất đối với các nhà khai thác và là mối lo sợ có thật ngày càng tăng đối với bất kỳ chính phủ nào quan tâm đến không gian.

Theo báo Financial Times, một báo cáo của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) bị rò rỉ gần đây, được cho là do một nhân viên công nghệ thông tin 21 tuổi của chính phủ thực hiện, mô tả cách Trung Quốc có thể bắt chước các tín hiệu được gửi từ mặt đất, cho phép họ giành quyền kiểm soát các hệ thống vệ tinh.

Cách đây hơn 15 năm, người ta đã phát hiện khả năng các vệ tinh bị tin tặc xâm nhập và điều này ngày càng phổ biến hơn. Năm 2022, một nhà nghiên cứu người Bỉ đã chứng minh có thể tấn công thiết bị đầu cuối của vệ tinh Starlink của SpaceX và nhập mã tùy chỉnh vào mạng. Một nhóm học thuật khác của Đại học Texas đã có thể dùng kỹ thuật giám sát tín hiệu Starlink mà không cần thực hiện bất kỳ hành động xâm nhập thực sự nào.

Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc rằng họ có thể chịu trách nhiệm về việc xâm nhập hệ thống các vệ tinh của Mỹ và các nước phương Tây, đồng thời khẳng địnhTrung Quốc cũng là nạn nhân của các cuộc tấn công của tin tặc và Bắc Kinh phản đối mọi hình thức tội phạm mạng, bao gồm cả tấn công vệ tinh. Theo các chuyên gia, với những vệ tinh cần thiết cho hoạt động của cả các tổ chức quân sự và dân sự, tính bảo mật của các thiết bị này phải được ưu tiên hàng đầu.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa tổ chức cuộc diễn tập an ninh mạng mang tên Hack CYSAT để kiểm tra độ an toàn của các vệ tinh, tình huống giả định là một chính phủ mất quyền kiểm soát một vệ tinh. Theo đó, các đối tượng tấn công sử dụng nhiều kỹ thuật để chiếm quyền kiểm soát hệ thống vệ tinh; các tin tặc tìm cách xâm nhập vệ tinh và kiểm soát hệ thống định vị toàn cầu cùng nhiều hoạt động khác.

Hack CYSAT đặt ra việc tin tặc sử dụng quyền truy cập tiêu chuẩn để giành quyền kiểm soát và sau đó chèn mã độc bằng nhiều lỗ hổng khác nhau. Những thay đổi này cho phép tin tặc che giấu hành động của chúng và cũng có thể xâm nhập dữ liệu được vệ tinh gửi về Trái đất, thậm chí còn làm sai lệch hình ảnh do vệ tinh chụp.

Một chuyên gia an ninh mạng cho biết, cuộc diễn tập là chưa từng có, nhưng quan trọng là nâng cao nhận thức về các lỗ hổng tiềm ẩn được tìm thấy trong các hệ thống vệ tinh. Do đó, cả hệ thống vệ tinh hiện tại và tương lai sẽ được bảo vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công như vậy.

Với các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng của lĩnh vực vũ trụ ngày càng phổ biến, năm 2022, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia (NIST) và Tập đoàn MITRE của Mỹ đã tung ra một phiên bản Khung an ninh mạng NIST gia tăng tính bảo mật hệ thống vệ tinh…

Cũng như cuộc tập trận của ESA, Trung Quốc gần đây đã bắt đầu thử nghiệm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát vệ tinh. Điều cần thiết là phải chú ý đến tính bảo mật của các vệ tinh quay quanh Trái đất để ngăn chặn tin tặc hoặc chính AI cũng có thể khai thác bất kỳ lỗ hổng nào của vệ tinh. Các hoạt động như của ESA hay Trung Quốc chứng minh rằng việc tăng cường an ninh mạng, trong đó có an ninh vệ tinh sẽ không có điểm dừng.

Thuật ngữ “vệ tinh cận vệ” đang được sử dụng trong từ điển quân sự khi các công ty quốc phòng tích cực xem xét cách bảo vệ tàu vũ trụ và vệ tinh có giá trị cao trước sự tấn công quân sự của đối phương. Nga đã phóng một tên lửa chống vệ tinh phá hủy một trong những vệ tinh không còn hoạt động của họ, tạo ra các mảnh vỡ không gian có thể tấn công các vệ tinh khác.

Quân đội Pháp công khai phát triển các vệ tinh cận vệ và đã công bố một nghiên cứu vào năm 2022. Bộ Quốc phòng Anh hiện cũng đang xem xét các vệ tinh cận vệ. Airbus cũng cố gắng “mô phỏng môi trường chiến tranh” để hiểu các mối đe dọa phải đối mặt và xây dựng các vệ tinh bảo vệ quy mô, sẵn sàng đánh chặn các cuộc tấn công từ tên lửa của đối phương nhắm vào các vệ tinh.

Tin cùng chuyên mục