Cơn bão số 2 vừa qua đã gây thiệt hại không nhỏ cho các địa phương bị ảnh hưởng, nhưng một số khác lại được...lợi, trong đó có khu vực Bắc miền Trung chịu hạn hán nghiêm trọng hơn tháng qua. Những trận mưa do ảnh hưởng của bão thực sự là những trận mưa vàng, “trời đổ lúa xuống cứu nông dân” - như có người ví von.
Đồng bạc được mưa vàng
Trước khi có những trận mưa do ảnh hưởng bão số 2, đi đến đâu ở Nghệ An cũng thấy những cánh đồng bạc trắng vì hạn hán. Tình hình hạn hán “căng” đến mức Chi cục Thủy lợi Nghệ An đã phải chỉ đạo Công ty Thủy lợi Nam đắp ngăn sông Cấm tại khu vực cầu Cấm (huyện Nghi Lộc) để ngăn mặn xâm nhập, tích nước. Việc đắp đập khiến 20ha lúa của xã Nghi Tiến nằm phía dưới đập không còn nước tưới. Khi việc đắp đập hoàn tất, chỉ sau đó ít giờ đồng hồ mực nước phía trên sông Cấm đã dâng lên khoảng 40cm. Một số trạm bơm đã bắt đầu hoạt động được, nhưng nếu nắng nóng kéo dài sẽ không “trụ” được. Thật may là ngay sau đó có mưa. Theo tổng hợp, từ ngày 22 đến 24-6, trên địa bàn Nghệ An có lượng mưa phổ biến 50 - 350mm. Một số nơi lượng mưa đo được khá lớn, như: Cửa Hội 326mm, Đô Lương 337mm, Vinh 319,2mm, Con Cuông 216,8mm... Nhờ mưa lớn nên lượng nước tích được trong các hồ đập trở nên khả quan.
Trong số 50 hồ chứa lớn do các doanh nghiệp thủy nông quản lý thì hiện có 23 hồ có dung tích trên 70% so với thiết kế, 26 hồ có dung tích 50% - 70%... Cống Nam Đàn - cống đầu mối dẫn nước tưới cho một vùng rộng lớn: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc... Nếu trước khi có mưa, có thời điểm mực nước hạ xuống đến 0m (trong khi theo thiết kế là 1,15m), còn hiện tại mực nước đo được tại đây đã đạt 3,35m.
Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, phấn khởi cho biết: “Những trận mưa do ảnh hưởng bão số 2 có gây ngập cục bộ ở một số nơi, nhưng không đáng kể. Về toàn diện thì đối với Nghệ An những trận mưa ấy đúng là mưa vàng, cực kỳ quý giá đối với nhà nông”. Ông Thành cho biết thêm, nếu không có những trận mưa ấy thì nắng nóng chỉ kéo dài khoảng một thời gian ngắn nữa là nhiều diện tích lúa hè thu đã cấy có nguy cơ chết khô, chết cháy. Còn ông Trần Duy Chiến, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, đến ngày 26-6 lượng nước tại 28 công trình hồ, đập trên địa bàn toàn tỉnh nhờ có mưa lớn vừa qua đã tăng thêm gần 9 triệu m3 nước. Đây sẽ là nguồn nước quý giá bổ sung quan trọng để phục vụ cho công tác dân sinh và chống hạn vụ lúa hè thu 2013.
Trời “gieo” thêm một vụ mới
Tại Nghệ An, các huyện có nhiều diện tích lúa hè thu không làm kịp như: Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, Nghĩa Đàn... và những vùng thuộc Trung du miền núi. Chị Trần Thị Xoan, xóm 2, xã Hưng Khánh (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), cho biết: “Nếu không có mưa thì những thửa ruộng không làm được hè thu sẽ phải bỏ hoang, nay nhờ mưa nên chuyển sang làm mùa. Đúng là trời còn thương nông dân, gieo cho nông dân nhà tui thêm một vụ mới”. Trong khi đó, tại nhiều khu vực ở vùng cao thuộc các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn… (Hà Tĩnh) cũng nhờ có đợt mưa lớn vừa qua và nước từ thượng nguồn các dòng sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Ngàn Trươi… đổ về mạnh, nên đã giúp giải quyết đáng kể được phần nào nguồn nước quý giá chống hạn hán cho hàng ngàn hécta lúa hè thu.
Chị Trương Thị Hằng, thôn Đông Thượng, xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), phấn khởi: “Nhờ có đợt mưa vừa rồi mà cả khu vực ni mới có nước đều và nhiều như rứa. Không còn thấp thỏm lo nước nữa. Mấy ngày ni, bà con nhân dân ở đây gặp nhiều thuận lợi khi ra đồng để làm cỏ, làm đất chăm sóc cây lúa. Nếu không có đợt mưa và trời cứ nắng nóng, chúng tôi cũng không biết mần răng…”.
Ông Từ Trọng Kim, Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN-PTNT Nghệ An, cho biết, theo kế hoạch do các huyện xây dựng, tổng hợp lại thì toàn tỉnh gieo cấy khoảng 59.000ha lúa hè thu, nhưng do hạn hán nên chỉ cấy được 56.000ha. Tuy nhiên, nhờ những trận mưa vừa qua nên sở đã có chỉ đạo các huyện chuyển đổi 3.000ha lúa hè thu sang làm lúa mùa. Ngành nông nghiệp đã và đang hướng dẫn bà con tỉa lúa từ số diện tích gieo thẳng của vụ hè thu sang làm lúa mùa. Song song với đó, vì thời gian theo lịch thời vụ còn ít nên bà con không gieo mạ để cấy mà gieo thẳng luôn, chọn gieo các giống lúa ngắn ngày như: P6, BAC 807, VS1... “Tuy nhiên, với những diện tích ở vùng đất cao, mặc dù mới mưa xong có nước nhưng bà con nên xem xét chuyển từ lúa sang trồng màu như trồng ngô chẳng hạn, vì khả năng hạn hán còn có thể xảy ra” - ông Kim cảnh báo.
Cũng nhờ mưa nên diện tích lúa mùa của Nghệ An có khả năng được thực hiện đúng theo kế hoạch. Bởi đến nay, tỉnh này mới gieo cấy được 5.700ha trên tổng kế hoạch là 30.000ha. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), cho biết, nhờ có đợt mưa lớn vừa rồi, đến thời điểm này cơ bản đã giải quyết chống hạn kịp thời cho khoảng 1.500ha lúa vụ hè thu ở địa bàn các xã: Sơn Quang, Sơn Giang, Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Tây, Sơn Hàm, thị trấn Phố Châu…
DUY CƯỜNG - DƯƠNG QUANG