Nông dân cũng có... lương hưu

Trong khi ở nhiều nơi mô hình tạo quỹ “lương hưu” cho nông dân lúc về già gặp khó khăn đã thất bại do không biết cách vận hành thì mô hình này hiện đang được triển khai rất thành công tại làng Dị Sử thuộc huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) và thôn Ất, phường Hạp Lĩnh (Bắc Ninh), mang lại niềm vui, tin tưởng đặc biệt cho hàng ngàn người dân.
Nông dân cũng có... lương hưu

Trong khi ở nhiều nơi mô hình tạo quỹ “lương hưu” cho nông dân lúc về già gặp khó khăn đã thất bại do không biết cách vận hành thì mô hình này hiện đang được triển khai rất thành công tại làng Dị Sử thuộc huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) và thôn Ất, phường Hạp Lĩnh (Bắc Ninh), mang lại niềm vui, tin tưởng đặc biệt cho hàng ngàn người dân.

Có tết vui

Gần đến tết, cả làng Dị Sử càng rộn ràng hơn, không chỉ háo hức chờ đợi mùa xuân mới mà còn vì các gia đình có người già từ 60 tuổi trở lên sẽ được mời ra nhà văn hóa thôn để nhận những đồng “lương hưu” quý giá. Cụ Hoàng Thị Mây, 77 tuổi, ở thôn Phan Vôi, xã Dị Sử, một trong những cụ được lãnh lương hưu, vui mừng tâm sự: “Quỹ lương hưu làng tôi triển khai được 7 năm rồi. Năm nào tôi cũng có lương hưu để chia sẻ cùng con cháu, đón tết, mua sắm thêm khăn áo mới, mừng tuổi cho trẻ nhỏ”. Cụ cho biết, bản thân cụ mỗi lần được lãnh 600.000 đồng. Còn những gia đình có đủ cả cụ ông, cụ bà thì được hai suất, thoải mái để ăn một cái tết to.

Nông dân cũng có... lương hưu ảnh 1

Cụ Phạm Tất Hóa ở làng Dị Sử (Mỹ Hào-Hưng Yên) được hưởng lương hưu do chính những nông dân ở đây gây dựng

Để hiểu rõ hơn về quỹ lương hưu của nông dân làng Dị Sử, chúng tôi tìm gặp ông Vũ Tiến Dũng, 57 tuổi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dị Sử. Ông cho biết, cứ theo thông lệ, quỹ lương hưu sẽ được phát cho các cụ vào ngày 19-12  Âm lịch. Lễ trao lương hưu được tổ chức rất trang trọng. Có cả băng rôn, khẩu hiệu, đọc diễn văn khai mạc, rồi phát biểu cảm tưởng. Làng còn lập ra một “ban chi trả” lương hưu, gồm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch MTTQ xã, hội nông dân và hội người cao tuổi. Ông Dũng kể, cách đây 12 năm, ý tưởng thành lập quỹ lương hưu cho nông dân đã hình thành. Đảng ủy xã Dị Sử nhất trí cao. Theo đó, để lập quỹ, mỗi gia đình đóng góp 50.000 đồng. Toàn bộ nguồn tiền đóng góp được giao cho hội nông dân của làng quản lý. Để quỹ sinh lời, hội có trách nhiệm đem gửi ngân hàng lấy lãi và được theo dõi công khai, cẩn thận.

Đến năm 2004, quỹ lương hưu của Dị Sử đã có trong tài khoản hơn 1 tỷ đồng. Do số cụ đến tuổi “hưởng hưu” quá đông (hơn 900 cụ) nên quỹ chỉ đủ chi trả mỗi cụ 10.000 đồng/tháng (cả năm 120.000 đồng). Đến năm 2005, tăng lên 20.000 đồng/tháng và 30.000 đồng/tháng vào năm 2007. Từ năm 2008, quỹ phân ra 2 mức, các cụ từ 60-69 tuổi được lãnh 40.000 đồng/tháng và 50.000 đồng/tháng với những cụ ngoài 70 tuổi. Cho đến hiện tại, tổng quỹ lương hưu của xã Dị Sử đã lên tới 5,1 tỷ đồng với gần 1.000 cụ được hưởng.

Tình người nhờ quỹ

Trong khi đó, ở thôn Ất thuộc phường Hạp Lĩnh, ngoại ô TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) hiện cũng có hơn 500 cụ già (từ 60 tuổi trở lên) được hưởng lương hưu từ chính quỹ hưu cho nông dân.

Ông Nguyễn Anh Hào, Trưởng ban quản lý quỹ lương hưu nông dân thôn Ất, lần giở cuốn sổ mới, bên cạnh cuốn sổ cũ đã nhàu nát nói: Mô hình lương hưu cho nông dân ở đây đã triển khai được 19 năm rồi. Số hội viên tham gia quỹ đã tăng gần gấp 3 lần, từ 172 người ban đầu, nay lên tới hơn 500 người, phải thay 4-5 lần sổ.

Ông Trần Hữu Đát, Bí thư Đảng ủy phường Hạp Lĩnh, một trong những người đã vận động thành lập quỹ lương hưu cho nông dân vào đúng ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ (19-5) năm 1992, tâm sự: “Mọi người lao động đều có lúc tuổi cao sức yếu, không thể làm lụng được nữa, cần phải có một nguồn thu nhập để nương tựa nên cách đây 19 năm, chúng tôi đã lập ra một quỹ gọi là lương hưu cho nông dân, thực chất là cách để các nông dân chia sẻ, đỡ đần nhau lúc về già, thông qua nguồn tiền sinh lời của quỹ”. Ban đầu mỗi thành viên tình nguyện đóng 100kg thóc, chia đều cho 10 năm. Khi người đó mất, quỹ sẽ hoàn trả lại toàn bộ tiền tương đương 100kg thóc đã đóng góp và giúp thêm ngần ấy nữa để cho gia đình lo mai táng. Còn khi sống, mỗi thành viên sẽ được lãnh 10kg thóc/tháng gọi là lương hưu. Để quỹ sinh sôi nảy nở, số thóc thu được (có thể quy tiền) đem gửi tiết kiệm hoặc cho các hộ dân trong thôn vay để làm ăn và tính lãi.

Qua 19 năm gầy dựng, hiện tổng quỹ hưu của thôn Ất đã được hơn 2 tỷ đồng, trong đó 600 triệu đồng dành cho hội viên vay làm kinh tế. Ông Nguyễn Văn Luyến, từ một gia đình nghèo xơ xác, phải vác mủng đi vay gạo, giờ đã trở thành một hộ giàu có, trong nhà không thiếu tiện nghi nào. Năm 2002, nhờ có quỹ, ông Luyến vay được 20 triệu đồng đầu tư làm ao thả cá, nuôi heo. Có tiền bán cá, ông đầu tư cho con trai đi lao động xuất khẩu ở lãnh thổ Đài Loan. Con lại gửi tiền về cho bố ăn tết. Còn ông Lê Văn Giảng, năm vừa rồi nhờ lãnh được cục tiền lương hưu lớn, ông mua luôn chiếc ti vi cho cả nhà coi, lại còn góp thêm cho cậu con út vài triệu đồng để sắm chiếc xe máy mới đi làm. Bởi thế, ai ở thôn Ất cũng ham vào quỹ. Thậm chí thanh niên mới 24-25 tuổi, còn đang đi làm, khỏe mạnh, mỗi tháng cũng trích một phần tiền công đóng quỹ hưu, mong về già sẽ được lãnh tiền an dưỡng.

Gọi là phường vì nằm sát TP Bắc Ninh, còn kỳ thực thôn Ất vẫn quanh năm làm ruộng. Nhờ có quỹ lương hưu, đời sống của nông dân ổn định, tình đoàn kết của nhân dân trong thôn cũng được tăng cường, vì bản thân quỹ đã là chất keo gắn chặt hội viên trong tình làng nghĩa xóm.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục