
3 năm qua, công ty mía đường Sóc Trăng không ngừng vươn lên khẳng định thương hiệu trên thương trường. Kết thúc niên vụ mía 2005 - 2006, công ty sản xuất được 35.000 tấn đường kết tinh, tăng hơn 18% so với vụ trước, lợi nhuận tăng gấp 10 lần so với năm 2004… Điều gì giúp cho doanh nghiệp đạt được những tiến bộ nhảy vọt này?

Công ty Mía đường Sóc Trăng thành lập năm 1996 với 100% vốn vay ngân hàng. Những năm đầu, công ty làm ăn có lãi nhưng không đủ trả vốn ngân hàng. Gần đây, máy móc thiết bị cũ, công suất thấp, lao động thủ công chiếm tỷ lệ lớn, sản phẩm thiếu đa dạng nên công ty mạnh dạn huy động các nguồn vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng nâng cấp đổi mới máy móc thiết bị công nghệ, nâng công suất nhà máy từ 1.000 tấn mía cây/ ngày lên 2.300 tấn mía cây/ ngày.
Hoạt động sản xuất kinh doanh cũng được cải tổ theo hướng hợp lý hóa, nâng cao công suất chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến chất lượng, mẫu mã để sản phẩm cạnh tranh được với các mặt hàng cùng chủng loại…
Công ty đã áp dụng thành công các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế, vận hành theo qui trình khép kín. Ngoài sản phẩm chính là đường các loại, công ty còn tận dụng các phụ phẩm, phụ liệu từ mía để cho ra các sản phẩm mới.
Bã mía dùng làm nhiên liệu chạy nồi hơi máy phát điện, sản xuất phân bón vi sinh, sản xuất nấm linh chi, nước uống tinh lọc… Nếu như niên vụ 2003 - 2004, công ty chỉ đạt lợi nhuận gần 4 tỷ đồng, thì sang vụ 2004 - 2005 tăng lên 27 tỷ đồng. Niên vụ này (2005 - 2006), dù giá mía tăng cao (bình quân 600.000 đồng/tấn mua tại nhà máy) nhưng doanh nghiệp vẫn đảm bảo lãi 40 tỷ đồng. Mức thu nhập bình quân của 320 lao động thường xuyên làm việc tại công ty tăng từ 2,3 triệu đồng/tháng năm 2005 lên 2,7 triệu đồng/ tháng năm 2006.
“Nông dân là đối tác lâu bền là một trong những phương châm hàng đầu quyết định sự tồn tại và phát triển của công ty trong thời buổi cạnh tranh, hội nhập hiện nay”, Giám đốc công ty mía đường Sóc Trăng Trịnh Minh Châu khẳng định. Thực hiện điều này, liên tục những vụ mía đường vừa qua, công ty luôn chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp giống mía mới có năng suất, chất lượng cao và ký hợp đồng bao tiêu mía cho nông dân. Đến nay, trong vùng nguyên liệu mía hơn 12.000 ha của Sóc Trăng, tỷ lệ sử dụng giống mía mới như quế đường 93, quế đường 17, ROC 22, VĐ 86-368… rất cao, cụ thể như huyện Long Phú và Cù Lao Dung đạt hơn 80%, Mỹ Tú 40%...
Công ty còn mạnh dạn ký hợp đồng đầu tư vốn với mức 8-10 triệu đồng/ha, cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu mía cho nông dân. Đến thời điểm này công ty đã cam kết đầu tư bao tiêu 1.300 ha mía với nông dân, mức giá sàn 320.000 đồng/ tấn để phục vụ cho niên vụ tới, nhằm giúp nông dân trong vùng được đầu tư không lỗ vốn. Ngoài ra, công ty còn tổ chức nhiều lớp tập huấn trồng mía miễn phí cho nông dân trong vùng nguyên liệu.
Chuẩn bị cho niên vụ mới, ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, công ty đang triển khai kế hoạch đầu tư 8 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, công suất 1.620 m3/ngày đêm; cải tạo các kho chứa đạt mức 15.000 tấn, mở rộng, nâng công suất xưởng sản xuất phân hữu cơ vi sinh, sản xuất chế phẩm sinh học dùng trong môi trường thủy sản...
Ông Trịnh Minh Châu cho biết: “Về lâu dài, trước nhu cầu phát triển nguồn nguyên liệu, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước và thế giới, chúng tôi đang thuê tư vấn khảo sát, tiến hành lập dự án nâng công xuất nhà máy đường Sóc Trăng lên mức 3.500 - 4.000 tấn mía/ngày, dự kiến năm 2008 sẽ đưa vào hoạt động. Đồng thời tiếp tục thắt chặt với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu riêng của công ty qui mô 6.000 ha”...
Vĩnh Tường