Nông dân phá rừng trồng sắn

Giá sắn tăng cao nên hiện nay hàng ngàn hộ nông dân ở Phú Yên đang chặt bỏ rừng keo, bạch đàn non tuổi để lấy đất trồng sắn.

Rầm rộ khai thác keo non

Tại xã miền núi An Xuân (huyện Tuy An Phú Yên), ông Đào Thanh Tuấn (thôn Xuân Trung) là một trong những người “khởi đầu” cho cách làm này. Ông Tuấn cho biết: “Gần 2ha keo của tôi mới 4 năm tuổi, đang phát triển tốt, không tốn công chăm sóc và khoảng 3 năm nữa mới đến kỳ khai thác nhưng nay tôi quyết định phá để lấy đất trồng sắn. Ở thời điểm này, 1ha sắn bán tại rẫy có giá trên 40 triệu đồng, ít đầu tư vốn, thời gian chăm sóc chỉ 10 tháng là thu hoạch.

Trong khi đó rừng keo non vừa rồi tôi bán gần 2ha chỉ được 24 triệu đồng, so với giá sắn như hiện nay, cùng diện tích đó, mỗi năm tôi mất trên 50 triệu đồng”. Theo cách tính của ông Tuấn, nếu chuyển sang trồng sắn, giá bình quân 2.000 đồng/kg sắn tươi, 10 tháng nữa, gần 2ha đất trồng sắn thu khoảng trên 50 triệu đồng. Nếu giữ nguyên cây keo, mỗi năm, 1ha chỉ sinh lời khoảng 6 triệu đồng.

Cùng cách suy nghĩ “bán keo sớm, vừa có tiền tiêu tết vừa có đất trồng sắn, sang năm thu nhiều hơn” như nông dân xã An Xuân, nhiều hộ dân ở xã Sơn Long, Sơn Định… (huyện Sơn Hòa) cũng có cách làm tương tự.

Thông thường, khai thác keo vào mùa nắng nhưng hiện nay ở các địa phương này, thanh niên trong thôn ngày nào cũng tập trung số đông đi chặt keo lấy đất trồng sắn. Ưu điểm của những đám sắn mới trồng từ đất rừng keo là đất xốp, sắn phát triển tốt, hứa hẹn một mùa bội thu…

Thấy đâu làm đó

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh: Vụ sắn 2009-2010, toàn huyện Sông Hinh có khoảng 5.510ha nhưng dự kiến trong vụ mới 2010-2011 có thể tăng lên 7.000ha. Chủ trương của UBND huyện là ổn định vùng nguyên liệu sắn khoảng 5.000ha. Hiện Phòng NN-PTNT huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con thâm canh cây sắn nên xen canh cây trồng cây họ đậu để cải tạo đất, đồng thời chuyển những diện tích đất trồng sắn đã bạc màu sang trồng các loại cây khác phù hợp hơn.

Trước đây 5- 6 năm, khi cây sắn, cây mía không có giá cao, phần lớn diện tích đất sản xuất ở các xã này bỏ hoang hoặc bán giá rẻ sản phẩm cho người mua làm thức ăn gia súc. Sau đó, phong trào trồng rừng lan mạnh, nông dân lại đổ xô trồng keo, những khu đất trống trở thành những cách rừng keo bạt ngàn. Một số hộ trồng sớm, đã khai thác, thu được hàng trăm triệu đồng, cuộc sống được cải thiện. Và cứ thế những ngọn đồi, nương rẫy gần xa đã phủ xanh rừng keo.

Năm nay, thấy sắn và mía có giá cao nên người dân đổ xô phá rừng để trồng loại cây này. Có điều cần quan tâm, nếu diện tích sắn tăng mạnh, trong khi công suất nhà máy chưa nâng, liệu đến lúc thu hoạch có xảy ra tình trạng cung cầu không cân xứng, dẫn đến tồn đọng, ứ hàng, thối sắn trên xe như những năm trước đây?

Bà Đào Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Xuân cho biết: “Việc trồng sắn, mía là nghề chính từ xưa đến giờ của người dân ở đây. Tuy nhiên, do giá cả thị trường nên nông dân đã chuyển sang trồng keo với diện tích khá lớn. Năm nay, dân lại phá keo non trồng sắn, mía cũng vì giá cả thị trường. Nói chung tâm lý của nông dân là thấy đâu làm đó. Tôi chỉ sợ sang năm giá cả bấp bênh, nông dân sẽ chịu thiệt trước tiên”.

QUỐC THẮNG

Tin cùng chuyên mục