5 ngành hàng thế mạnh để đầu tư
Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản ĐBSCL đạt trên 8,5 tỷ USD, chiếm 56,7% kim ngạch xuất khẩu chung của vùng và chiếm 20,1% kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước; trong đó gạo chiếm 80% kim ngạch gạo của cả nước, cá tra chiếm 95%, tôm chiếm 60% và trái cây chiếm 65%...
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch: “Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của địa phương, vì vậy những năm qua Đồng Tháp đã tiên phong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đáp ứng theo tình hình mới. Tỉnh xác định 5 ngành hàng thế mạnh để đầu tư là lúa gạo, hoa kiểng, xoài, cá tra và nuôi vịt. Tất cả được quy hoạch bài bản, thay đổi phương thức sản xuất; tăng cường hợp tác, liên kết thị trường nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng và đẩy mạnh khâu chế biến để nâng giá trị sản phẩm. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch… đã mở ra hướng tiếp cận mới, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Nhờ đó mà từ đầu năm 2020 đến nay, giá trị sản xuất ngành trồng trọt của tỉnh đạt hơn 13.176 tỷ đồng, tăng 508 tỷ đồng so với cùng kỳ...”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho hay: “Hàng năm, tỉnh sản xuất khoảng 625.000ha lúa, hơn 54.700ha rau màu các loại, 18.000ha cây ăn trái và nuôi thủy sản với sản lượng khoảng 532.000 tấn/năm... Hầu hết được khuyến khích sản xuất theo hướng liên kết, ứng dụng các mô hình VietGAP, công nghệ cao để nâng chất lượng và giá trị sản phẩm. Chính điều này đã giúp mức tăng của khu vực nông lâm thủy sản trong năm vừa qua đạt 2,65%, cao hơn kế hoạch đề ra”.
Tuy vậy, cùng với những mặt được trên thì trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tác động của biến đổi khí hậu, khiến nông nghiệp vùng ĐBSCL đang gặp khó khăn, đứng trước thách thức lớn, cần có giải pháp ứng phó phù hợp.
Nhanh chóng thay đổi
Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL cho rằng, dù đã đánh giá sớm tình hình hạn mặn 2019-2020 gay gắt và triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Tuy nhiên, toàn vùng vẫn có khoảng 41.900ha lúa đông xuân thiệt hại; 6.650ha cây ăn trái bị ảnh hưởng; hàng ngàn hécta rau màu và hơn 8.715ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 96.000 hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt; sạt lở, sụp lún xảy ra tràn lan ở ĐBSCL... Điều này cho thấy thiên tai khó lường và chúng ta phải nhanh chóng thay đổi để thích ứng.
Ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, băn khoăn: “Hiện nay, vùng ĐBSCL chưa có cơ chế điều phối việc sử dụng nguồn nước sông Mê Công nhằm góp phần hạn chế, giảm nhẹ thiệt hại do hạn mặn gây ra. Do đó, chúng tôi kiến nghị Trung ương xem xét ban hành cơ chế, chính sách nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước; đồng thời đầu tư xây dựng các hồ chứa nước ngọt cũng như hệ thống cung cấp nước thô ổn định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân”. Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT và các ngành liên quan sớm hỗ trợ tỉnh khảo sát, nghiên cứu và điều chỉnh quy hoạch về sản xuất ở Cà Mau phù hợp tình hình mới; trong đó có vùng ngọt hóa thường xuyên xảy ra ngập úng vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô. Đồng thời nghiên cứu bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng rừng U Minh Hạ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Cà Mau sẽ nhanh chóng nghiên cứu, chọn các giống cây trồng thích ứng điều kiện thời tiết cực đoan, chống chịu được hạn mặn. Ngoài ra, khẩn trương nâng cấp đê bao, cơ sở hạ tầng, thủy lợi, phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.
Theo Bộ NN-PTNT, để phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với những thay đổi về điều kiện tự nhiên và thị trường cần tập trung xử lý các yếu tố nội tại, cùng với tài nguyên, con người, tiến bộ khoa học - công nghệ… Tới đây, cần ưu tiên phát triển chế biến và thương mại trong chuỗi giá trị nông nghiệp; trong nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ tập trung giải quyết 3 nội dung là giống, thức ăn và chế biến. Phấn đấu đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất, thích ứng biến đổi khí hậu cho 3 ngành hàng chủ lực (thủy sản, cây ăn trái, lúa gạo). Đến năm 2030, làm chủ nguồn giống trong nước và vươn tầm ra thế giới. |