Nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long: Xin được tiếp lời

1.

Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 13-7-2015 có đăng bài “Gỡ khó cho Hợp tác xã” của đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (mục Sự kiện và Vấn đề), một vấn đề tuy cũ nhưng thực sự mới và rất quan trọng trong lúc xã hội và nhà nước ta đang chuyển sự quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn và tình hình nông dân hiện nay. Tôi rất hoan nghênh và đồng tình với bài viết, đồng thời xin được bổ sung vài ý kiến:

1. Phải tổ chức lại sản xuất, đưa bà con nông dân chủ ruộng vào hợp tác xã (HTX), không thể duy trì lâu hơn nữa kiểu làm ăn cá thể riêng lẻ mãi được. Vậy phải có chủ trương từ cấp ủy Đảng, chủ trì tổ chức của chính quyền, đồng thời Hội Nông dân cùng các đoàn thể ở địa phương, cơ sở mở cuộc vận động sâu rộng trong nhân dân, làm cho mọi người nhận thức rõ ràng con đường làm ăn hợp tác, biết rõ làm thế nào để tạo ra được lợi ích chung và lợi ích của mỗi xã viên. Người nông dân phải giác ngộ quyền lợi của chính mình mà tự tổ chức lại thành HTX theo mô hình thích hợp do chính quyền và các đoàn thể hướng dẫn. Đây là khâu quyết định trước tiên để thành lập HTX, một phương thức sản xuất mới, một cuộc cách mạng về cách làm ăn hợp tác thay vì làm ăn riêng lẻ. Đây là quá trình thay đổi nhận thức, thay đổi quan điểm, thay đổi cung cách, thói quen... cho nên cần phải chuẩn bị kiên trì, chu đáo.

 

* Điều kiện cần, điều kiện nhất thiết phải có để nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long phát triển là sử dụng được khoa học công nghệ đúng đắn, đúng mức và chủ động được thị trường, tiêu thụ được nông sản với giá cả hợp lý, nhưng tổ chức lại sản xuất mới là điều kiện đủ để nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, hơn nữa chính tổ chức lại sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất mới là yêu cầu bức xúc bậc nhất của sản xuất nông nghiệp ở thời điểm hiện nay.

 

2. Khi vào HTX, mỗi nông dân chủ ruộng vẫn giữ “sổ đỏ” của mình, trở thành một xã viên và cùng các xã viên khác, là chủ của HTX. Nếu số xã viên đông thì bầu ra Hội đồng quản lý HTX, đại diện cho toàn thể xã viên (tức là toàn thể chủ ruộng tham gia HTX).

Hàng ngày người nông dân chủ ruộng tập trung lo sản xuất nông sản. Các cơ quan khuyến nông, bảo vệ thực vật, Hội Nông dân... cần bám sát đồng ruộng để kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ, nhất là trong những năm tháng mới thành lập HTX. 

3. HTX vừa là một tổ chức kinh tế, vừa là một tổ chức xã hội nên cần có người điều hành quản lý giỏi kinh doanh đồng thời hiểu biết sâu sắc và có ý thức xã hội, có lý tưởng “vì mọi người”. Trong thời gian đầu, Hội đồng quản lý sẽ thuê giám đốc giỏi để điều hành HTX. Giám đốc cần có kinh nghiệm hoạt động kinh doanh, quan tâm đáp ứng đầu vào cho sản xuất và đảm bảo tiêu thụ nông sản trực tiếp đến thị trường, bán cho các công ty kinh doanh nông sản hoặc ủy thác các công ty xuất khẩu nông sản. Giám đốc HTX cần tổ chức tốt các loại dịch vụ đáp ứng kịp thời theo mùa vụ cho xã viên cũng như có thể tổ chức chế biến nông sản để gia tăng giá trị.

Về lâu dài, nhà nước cần giúp đỡ đào tạo giám đốc cho HTX, bằng cách lựa chọn con em xã viên và đoàn viên thanh niên ưu tú tự nguyện đi học để trở về lãnh đạo, quản lý, điều hành HTX. Cần quan tâm tuyển chọn giám đốc vì giám đốc là khâu then chốt quyết định HTX kinh doanh có hiệu quả hay không, từ đó đem lại nhiều lợi ích hơn cho xã viên.

Nói chung, người nông dân giỏi sản xuất và cần phải tập trung lo sản xuất mà không giỏi kinh doanh và ít quan hệ thị trường cả trong và ngoài nước nên phải thuê những doanh nhân thạo nghề, thạo việc và tâm huyết vì xã viên để điều hành HTX, dần dần phải đào tạo lãnh đạo điều hành HTX căn cơ hơn.

PHẠM CHÁNH TRỰC
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, nguyên Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương

Tin cùng chuyên mục