Việt Nam đang được xếp vào “tốp” nhóm những nước xuất khẩu nhiều nông lâm, thủy sản, nhưng lại có thực tế không vui là nông sản xuất khẩu liên tục ách tắc đầu ra, ùn ứ tại cửa khẩu và bị tư thương ép giá.
Nguyên nhân vì sao và giải pháp nào để tháo gỡ những bất cập này? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Thừa (ảnh), Cục trưởng Cục Chế biến và Xuất khẩu nông lâm, thủy sản (Bộ NN-PTNT) xung quanh câu chuyện này…
* Phóng viên: Thưa ông, năm nào cũng gần như “đến hẹn lại lên” - vào vụ thu hoạch rộ là nông sản xuất khẩu sang nước bạn lại bị ùn ứ dọc cửa khẩu, gây thua lỗ và trở thành gánh nặng quá tải cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng. Từ góc nhìn của ông, nguyên nhân tại sao?
* Ông NGUYỄN TRỌNG THỪA: Gần đây, như chúng ta đã biết, một số mặt hàng nông sản của chúng ta như dưa hấu, hành tím… xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn tắc và ùn ứ. Đây không phải là tình trạng chung của nông sản trên địa bàn cả nước mà chỉ xảy ra đối với một số địa bàn ở Nam Trung bộ và Nam bộ. Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này là do thông tin của chúng ta còn thiếu và chưa chủ động. Chúng ta đều hiểu, việc nắm thông tin về nhu cầu của thị trường nhập khẩu là rất quan trọng.
Gần đây, khảo sát của chúng tôi cho thấy nhu cầu cao về các loại trái cây của phía bạn là đúng và đây là một thị trường tiềm năng, nhưng nếu xử lý tốt thông tin về thị trường, ví dụ như biết được phía bạn chỉ nhập một ngày bao nhiêu xe nông sản để sau đó chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân, thương lái và lái xe điều tiết nguồn cung lên cửa khẩu, hạn chế được tình trạng doanh nghiệp đua nhau đổ hàng về vào mùa vụ thu hoạch rộ. Còn như hiện nay, câu chuyện dồn ứ là chắc chắn.
Nguyên nhân thứ hai là do vấn đề quy hoạch vùng trồng nông sản và loại nông sản đem trồng của chúng ta từ lâu nay còn rất thiếu và yếu.
* Nhưng từ lâu nay, chúng ta đã bàn bạc tới câu chuyện quy hoạch nông sản rồi, vậy tại sao đến nay vẫn còn đổ lỗi do quy hoạch?
* Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã nghiên cứu, khảo sát và có quy hoạch các ngành hàng nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch này được đánh giá là bài bản, xem xét đến từng vùng, từng sản phẩm cũng như thực trạng và nhu cầu của thế giới đối với loại nông sản đó. Từ đó, Bộ NN-PTNT đã đưa ra bài toán về diện tích, sản lượng và các giải pháp, lộ trình triển khai. Cơ bản là đến nay chúng ta đã có quy hoạch về sản xuất nông nghiệp, vùng nông sản và cũng được đánh giá tốt. Thế nhưng, hiện vấn đề lớn đáng quan tâm và cần được xem xét tháo gỡ, là quy hoạch đang bị phá vỡ đối với nhiều nhóm hàng, sản phẩm nông sản cũng như tại các địa phương. Chẳng hạn như cà phê, quy hoạch chỉ cho phép trồng 520.000ha, nhưng nay đã phát triển lên tới 620.000ha, tức là dư thừa tới 100.000ha. Mặt hàng cao su cũng vượt quy hoạch, từ 800.000ha trong mức cho phép lên hơn 1 triệu ha. Gần đây nhất là câu chuyện cây mắc ca đang được dư luận quan tâm. Chúng ta mới chỉ đang trồng thử nghiệm và Bộ NN-PTNT đang làm quy hoạch nhưng tại một số địa phương người dân đã trồng rồi.
Không chỉ phá vỡ quy hoạch mà việc “trồng - chặt” cũng rất tự phát. Nông dân cứ thấy lợi nhuận trước mắt không đạt là lại chặt bỏ cây để chuyển đổi sang cây con khác… Đây là bài học đắt giá cho ngành nông nghiệp. Và chính việc phá vỡ quy hoạch, thấy lợi là đổ xô trồng đã dẫn tới cung vượt cầu như hiện nay.
* Theo ông, nếu tuân thủ đúng quy hoạch và chính sách, liệu có thể thoát được tình trạng nông sản liên tục “được mùa mất giá”?
* Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang xây dựng và triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề quy hoạch và áp dụng các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua liên kết 4 nhà… Nếu chúng ta đảm bảo tuân thủ quy hoạch sản xuất thì sẽ có thể dự báo được sản lượng và cân đối với nhu cầu của thị trường. Từ đó, công tác điều tiết thị trường cũng sẽ có hiệu quả hơn, tránh được tình trạng “được mùa mất giá”.
* Vấn đề là làm thế nào để nông dân trồng và làm theo quy hoạch. Liệu có thể có một biện pháp hành chính cụ thể nào?
* Nhà nước đưa ra quy hoạch nhưng không thể cứng nhắc và ép buộc nông dân phải trồng cây này và không được trồng cây kia. Việc lựa chọn sản phẩm nào cũng còn phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của thị trường và từng thời điểm, giai đoạn. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có thể đưa ra định hướng để nông dân làm. Như tôi đã đề cập, bằng việc nghiên cứu thị trường, chủ động thông tin để đề ra quy hoạch đúng và nếu có quy hoạch thì sẽ chủ động được về thị trường. Quy hoạch về lý thuyết rất tốt nhưng việc triển khai thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Quy hoạch làm bài bản, đánh giá thực trạng, đưa ra mục tiêu, xây dựng kịch bản, định hình về diện tích, quy mô sản lượng, đưa ra bài toán thị trường với nhiều giải pháp hay. Nhưng nếu quy hoạch tốt mà không thực hiện tốt thì không có ý nghĩa.
Để làm tốt hơn công tác quy hoạch vùng nông sản và định hướng giúp bà con nông dân, theo tôi cũng cần thực hiện hiệu quả đề án liên kết “4 nhà”, đặc biệt là cần đề cao vai trò của doanh nghiệp và thương lái. Nếu không có đội ngũ thương lái thì như hiện nay, đầu ra cho nông sản sẽ rất khó khăn. Nếu thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp thông qua đầu tư và hợp đồng cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm cho bà con, chắc chắn sẽ đảm bảo được việc chọn lựa cây con phù hợp và có đầu ra ổn định hơn.
* Xin cảm ơn ông!
PHÚC HẬU (thực hiện)