NSND Dương Ngọc Đức - Người thầy nghiệp sân khấu

NSND Dương Ngọc Đức - Người thầy nghiệp sân khấu

Tháng 2-1965 tôi xin thi tuyển diễn viên Đoàn kịch Hải Phòng. Đạo diễn Dương Ngọc Đức nhận phần thi của tôi ở phần chung khảo. Tôi được diện kiến một chân dung dễ nhìn sau cặp kính trắng. Lúc đó ông mới 35 tuổi, vừa tu nghiệp ở Liên Xô (cũ) về. Trông thấy là run rồi. Nhưng khi nhận bài, ông lại rất đôn hậu, gợi ý cho tôi bộc lộ năng khiếu của mình. Từ đó tôi tự tin hơn để được ông nhận vào học nghề diễn viên tại đoàn.

NSND Dương Ngọc Đức - Người thầy nghiệp sân khấu ảnh 1
Đạo diễn, NSND Dương Ngọc Đức

Ông cử người kèm cặp tôi: Nghệ sĩ Ngọc Hiền (nay là NSƯT), còn thời gian hẹn là 6 tháng. Nhưng chỉ hơn 1 tháng sau, ông đã phân cho tôi vai Hoài “sữa” trong vở kịch ngắn nổi tiếng “Chiều cuối”. Vậy là tôi vừa học, vừa diễn dưới sự dẫn dắt của ông. Có thể nói, ông là người khai thông sự nghiệp sân khấu của tôi suốt 45 năm qua.

Tôi được làm việc và được diễn nhiều vai trong kịch mục do ông dàn dựng. Phương pháp phân tích tâm lý và cách biểu diễn chân thực trong công tác đạo diễn của ông đã làm chúng tôi trưởng thành trong nghề nghiệp với một nền tảng kiến thức rất căn bản. Và Đoàn kịch Hải Phòng ngày đó đã vượt ra khỏi yếu tố địa phương để lên diễn ở Hà Nội, đi các tỉnh, thành phố với các đợt diễn dài ngày. Các chương trình của đoàn đã thu hút đông đảo người xem bởi chính đội ngũ giỏi nghề và một phong cách nghệ thuật được xây dựng trên nguyên tắc chính thống, thẩm mỹ, lãng mạn, giàu chất thơ và sức truyền cảm. Đó là các vở diễn Chiều cuối, Chuyến phà đêm, Lưới thép, Anh còn sống mãi… và nhất là vở kịch của tác giả người Nga- Aphinôghênốp, có tên là Masa, đã làm cho Đoàn kịch Hải Phòng ngoặt sang một diện mạo nghề nghiệp mới.

Cùng thời gian đó, ông “với tay” sang dựng vở Tấm vóc đại hồng cho Đoàn chèo Hải Phòng, ngay lập tức đơn vị bước sang một đẳng cấp khác với tính chọn lọc cao ở chất liệu kế thừa và lấp lánh cái đẹp, vẻ đẹp mới.

Tự trong tôi xuất hiện sự lựa chọn sớm là theo phương pháp nghệ thuật của ông trong nghề diễn và cả sau này. Khi định mệnh đã cho tôi cũng đi tu nghiệp ở Liên Xô (cũ), làm đạo diễn như thầy NSND Dương Ngọc Đức.

Năm 1978, lãnh đạo Bộ Văn hóa đã nhận ra và điều ông từ Hải Phòng trở lại Hà Nội làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Giai đoạn này càng có điều kiện để ông dựng nhiều tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh, mẫu mực, và rất Việt Nam nhưng cũng rất hiện đại. Không thể quên được các vở Tiền tuyến gọi, Đôi mắt, Nghêu - sò - ốc - hến, Khúc thứ ba bi tráng, Người cầm súng, Người công dân số 1- vở diễn đầu tiên có hình tượng nghệ thuật Hồ Chí Minh; Mười đóa phong lan, Công chúa Ngọc Hân…

Khi tác giả Tất Thắng và tôi cùng viết kịch bản Cây đàn huyền thoại - từ truyện Chùa Đàn của cố nhà văn Nguyễn Tuân - và mời ông làm đạo diễn, Nhà hát Cải lương Trung ương lại có một bước ngoặt mới. Vở diễn nhận đến 3 giải thưởng cao năm 1997 và đó là một “phiếu” quan trọng giúp tôi được nhận danh hiệu NSƯT. Mấy ai ngờ - từ năm 2004 - tôi lại được đảm nhận chức danh Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nơi NSND Dương Ngọc Đức làm chủ tịch 3 nhiệm kỳ với 16 năm liên tục. Trò lại theo thầy, theo một nhịp đời nữa.

Ông bước vào tuổi lão, tôi qua tuổi 55 rồi 60… chênh nhau 17 năm. Ông có niềm tin vào sự trưởng thành của tôi trong nghề nghiệp và trong đời sống, bởi ông không chỉ ảnh hưởng đến tôi ở một phía mà còn ở nhân cách sống, ở phương pháp làm việc và cách tạo cho mình “cái chỗ” ở trong lòng mọi người một cách tự nhiên. Cùng với các thầy như Đình Quang, Đình Nghi, Ngọc Phương…, đạo diễn, NSND Dương Ngọc Đức góp phần làm nên một phần đời sân khấu của tôi.

Đạo diễn, NSND Dương Ngọc Đức, sinh tại Hà Nội, ngày 17-8-1930; tốt nghiệp khoa Đạo diễn Trường Đại học Quốc gia Sân khấu và Điện ảnh Lêningrat Liên Xô trước đây (1964). Ông đã từng là Bí thư Đảng Đoàn Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khóa II, III, IV, đại biểu Quốc hội 2 khóa 7 và 8. Ông là một trong những đạo diễn hàng đầu của sân khấu Việt Nam từ thập niên 60-70 thế kỷ trước. Cùng các bậc tên tuổi như Thế Lữ, Trần Hoạt, Đình Quang, Nguyễn Đình Nghi, Trần Bảng, Ngọc Phương... NSND Dương Ngọc Đức đã góp phần tạo nên “thời hoàng kim của sân khấu”.

Tang lễ NSND Dương Ngọc Đức cử hành sáng 8-6 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Đạo diễn, NSƯT Lê Chức

Tin cùng chuyên mục