Những ngày này, NSƯT Anh Tú, Trưởng đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi trẻ chuẩn bị đưa các diễn viên của đoàn vào TPHCM biểu diễn từ ngày 7 đến 11-3, tại rạp Công Nhân. PV Báo SGGP đã có dịp trò chuyện cùng anh.
* PV: Trong 2 vở kịch mang đến TPHCM biểu diễn lần này có vở Cô gái đội mũ nồi xám từng được cố NSND Nguyễn Đình Nghi dàn dựng trên sân khấu cách nay hơn 20 năm. Khi chọn dựng lại kịch cũ, anh tâm đắc điều gì?
* NSƯT ANH TÚ: Cách đây hơn 20 năm, khi còn là một diễn viên ngồi dưới khán phòng xem Cô gái đội mũ nồi xám của cố NSND Nguyễn Đình Nghi dàn dựng cho Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi đã thầm ao ước được là một đạo diễn dàn dựng lại vở kịch này.
Kịch bản này của anh Lưu Quang Vũ đã mang lại cho tôi nhiều xúc cảm: những bon chen, những lo toan của cuộc sống liệu có giết chết ước mơ sáng tạo của con người… Đây là một kịch bản hay, lãng mạn. Hình ảnh nhà văn Lưu Quang Vũ hiện lên rất rõ ở nhiều nhân vật kịch.
* Có phải nguồn kịch bản đang trong tình trạng “thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay” nên anh chọn dựng lại kịch bản cũ?
* Đúng thế, chỉ có điều những kịch bản cũ này khi được dàn dựng lại vẫn ăm ắp hơi thở cuộc sống hiện đại, vẫn chất chứa đầy những tinh thần nhân văn qua số phận của các nhân vật.
* Anh từng trăn trở, sân khấu mắc bệnh sợ đụng chạm, vậy theo anh, đến nay căn bệnh này giải quyết ra sao?
* Sân khấu hiện nay cũng như con nước Cửu Long chia thành nhiều dòng. Có dòng chảy rất mãnh liệt, dũng cảm; có dòng lặng im ở trên nhưng cuồn cuộn ở sâu thẳm và tất nhiên chắc chắn cũng có dòng chảy lờ đờ, sợ đụng sợ chạm…
* Có người cho rằng, sân khấu sợ đụng chạm mà ngày càng nhàn nhạt, thiếu tính đột phá. Đặc biệt là nghệ sĩ, đoàn hát luôn chọn giải pháp “an toàn”?
* Đúng vậy, có rất nhiều vấn đề trong câu chuyện này, từ chuyện của tác giả đến đạo diễn, chuyện của các nhà quản lý nghệ thuật, các hội đồng duyệt đến chuyện đầu ra của sân khấu, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc.
* Trong thời buổi phim truyền hình ngày một nở rộ, nhiều diễn viên sân khấu chuyển qua đóng phim, vậy tình hình ở Đoàn kịch 1 của anh thế nào?
* Đi đóng phim truyền hình là tốt, nhưng vấn đề là phải biết lựa chọn kịch bản, đạo diễn mà nhận lời, không nên tham lam quá. Ở Đoàn kịch 1, đa phần các diễn viên chỉ nhận lời đóng phim ít tập vì phải hoàn thành nhiệm vụ với đoàn. Với sân khấu, chúng tôi chăm chỉ và chịu khó nghĩ ra những dự án xã hội hóa rồi lại rất vất vả để khả thi nó, nhưng sự vất vả đó mang lại niềm say mê và hứng thú cho cả tập thể.
* Là một nghệ sĩ, đạo diễn tâm huyết với sân khấu, anh có điều gì trăn trở với nghề nghiệp của mình?
* Tôi ước mơ có thật nhiều tiền, xây dựng một nhà hát cho riêng mình và cũng là cho tất cả mọi người để thỏa sức sáng tạo. Không có ước mơ thì không tồn tại.
ĐỖ HẠNH (thực hiện)