Sau một thời gian chống chọi với những cơn bệnh, hiện nay sức khỏe NSƯT Minh Vương dần bình phục. Anh đã chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề và sức sống cải lương.
Duyên nghề
Năm 10 tuổi, anh cùng gia đình rời quê hương Cần Giuộc - Long An lên Sài Gòn học hành, lập nghiệp. Năm 12 tuổi, anh tình cờ nghe được tiếng đờn, lời ca từ lò đào tạo cải lương của nhạc sĩ Bảy Trạch ở khu vực cầu chữ Y vọng ra và bị mê hoặc. Cái duyên đã đưa anh đến với lớp học được thầy Bảy Trạch dạy ca.
Khi ấy, trong lớp học có cả những gương mặt mà sau này cũng là các tên tuổi của làng cải lương như: Văn Giỏi (đờn), Thanh Tuấn… Học ca được hai năm, năm 1964, giới báo chí Sài Gòn tổ chức cuộc thi “Khôi Nguyên vọng cổ”, thầy Bảy Trạch đã chọn anh đi thi và cơ hội đã mỉm cười khi anh vượt qua gần 300 thí sinh, đoạt giải Khôi Nguyên với bài vọng cổ Mưa nắng miền Đông, một sáng tác của soạn giả Viễn Châu.
Sau khi đoạt giải, cái tên Nguyễn Văn Vưng của anh đã được bầu Long của Đoàn cải lương Kim Chung để mắt và ký ngay công tra (hợp đồng) biểu diễn 10.000 đồng. Và chính bầu Long đã đặt cái tên Vưng của anh thành Vương, gọi là Minh Vương, mà theo lý giải của ông bầu thì: “Vương là vua, tôi sẽ cho cậu làm vua trong nghề hát”. Chỉ sau vài năm, anh đã được cho đóng vai chánh với Mỹ Châu, Lệ Thủy… và tên tuổi của anh cũng ngày càng nổi tiếng.
Đến năm 1972, anh và vợ lập gánh hát cải lương Việt Nam với sự cộng tác của các đào hát Thanh Nga, Phượng Liên, tạo được sức hấp dẫn công chúng. Đêm diễn nào cũng vậy, anh luôn về muộn để nghe khán giả chê - khen để biết mà điều chỉnh. Giờ đây nhìn lại, anh cho rằng cải lương có một sức sống tiềm tàng và hấp dẫn lạ kỳ.
Khi nói về nghề hát, NSƯT Minh Vương chia sẻ, sở dĩ anh và NSND Lệ Thủy gắn bó được lâu dài với nhau trên sân khấu là nhờ cả hai biết nhường nhịn, biết vì khán giả, không vì cái tôi cá nhân. Giờ đây, tuy sức khỏe của anh không được tốt nhưng mỗi khi có dịp, khán giả vẫn yêu cầu anh và NSND Lệ Thủy cùng hát trích đoạn hoặc vọng cổ.
Khó làm liveshow riêng
Mặc dù đã gần 50 năm dấn thân theo nghiệp cầm ca nhưng NSƯT Minh Vương chưa bao giờ thực hiện một liveshow riêng. Vài năm trở lại đây, khi thấy sức khỏe của anh ngày một yếu hơn trước, không ít bạn bè, đồng nghiệp và cả khán giả thân thương vẫn hy vọng NSƯT Minh Vương thực hiện chương trình riêng mình. Thế nhưng, anh luôn từ chối bằng một nụ cười và giọng nói nhẹ nhàng: “Thôi…!”. Anh nói: “Tôi không đủ sức để làm liveshow. Bây giờ sức khỏe cũng yếu lắm, chưa kể kinh phí đầu tư thực hiện lớn… Nếu có sức khỏe tốt, tôi vẫn thích được nhận một vai diễn mới để khám phá, sáng tạo hơn”.
NSƯT Minh Vương cho rằng, cái nghề ca, diễn này vô cùng tận, không có điểm cuối, càng khám phá, càng cảm thấy mình phải học hỏi nhiều hơn nữa. anh kể: “Khi tập vai Nguyễn Trãi, lần đầu tiên tôi phải nhờ nghệ sĩ đi trước chỉ dạy cách diễn. Lần đó, tôi nhờ nghệ sĩ Kim Cúc đến nhà chỉ mỗi cách chắp tay phía sau lưng và đi lên, đi xuống cầu thang sao cho giống nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi nhất. Thú thật, lúc bước ra sân khấu, tôi chỉ biết có nhân vật của mình, chẳng quan tâm đến khán giả dõi theo mình như thế nào, bởi sợ rằng chỉ cần một chút lơ đễnh là hỏng cả nhân vật, vở diễn”.
Tuy nhiên, hiện nay ở tuổi 62, sức khỏe của anh không cho phép anh đi hát nhiều, lâu lâu mới đi hát một lần cho đỡ nhớ nghề. Còn ngày ngày, mỗi sáng thức dậy, anh đều đặn chạy xe đạp tập thể dục và sau đó bầu bạn với chiếc ti vi. Thỉnh thoảng, vào ngày chủ nhật, anh điện thoại mời bạn bè ra quán ngồi nhâm nhi cà phê, hỏi thăm, chia sẻ buồn vui. Anh nói: “Sau mấy cơn bạo bệnh, suy tim, tôi cảm thấy sức khỏe, tình cảm của khán giả quý giá vô cùng, tiền bạc không thể mua được”.
Đỗ Hạnh