Trong khi không ít các sân khấu xã hội hóa tại TPHCM chật vật tồn tại, chấp nhận thua lỗ để duy trì, mới đây NSƯT Trịnh Kim Chi quyết định ra mắt sân khấu mới mang tên mình tại quận 6, TPHCM. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị.
PV: Quyết định mở sân khấu ở thời điểm này, rõ ràng rất mạo hiểm nhưng vì đâu chị vẫn quyết làm cho bằng được?
NSƯT Trịnh Kim Chi vừa đảm nhận vai chính, đạo diễn trong vở Tiếng hát réo linh hồn
NSƯT Trịnh Kim Chi: Khi chia sẻ quan điểm của mình, ai cũng nói như vậy nhưng tôi nghĩ, khi có thiên thời, địa lợi mình phải biết nắm bắt. Trước đây, tôi từng mở sân khấu kịch cà phê, lại có các lớp dạy về diễn xuất cho các em nên tôi luôn mong mỏi phải có sân khấu lớn để các em được thực hành, trau dồi những gì đã học. Bên cạnh đó, có không ít các anh chị em nghệ sĩ cùng thời với mình, hay những người đi trước cùng chung ước nguyện có nơi tử tế để họ được thỏa niềm đam mê đứng dưới ánh đèn sân khấu. Họ chính là những người đã ủng hộ và đồng lòng với tôi trong dự án lần này. Thú thực, cá nhân tôi có những ngày đi đóng phim về mệt nhoài, tưởng chừng không thể làm được gì nhưng khi bước lên sân khấu, cảm giác thăng hoa đã xóa tan tất cả. Với tất cả những lý do nói trên, khi được Trung tâm Văn hóa quận 6 ngỏ lời mời, tôi nghĩ đây là thời điểm và cơ hội thích hợp để mình hiện thực hóa tất cả những điều đó, đồng thời thử khả năng làm “bà bầu” của mình đến đâu. Tôi nghĩ, quyết định mạo hiểm này xuất phát từ niềm đam mê và tình yêu nghề. Tôi muốn mang đến cho khán giả những vở kịch, trích đoạn cải lương... đã được chắt lọc kỹ càng, nghiêm túc nhưng vẫn phù hợp với thị hiếu khán giả.
Liệu sân khấu sẽ được phép lỗ trong khoảng thời gian bao lâu?
Không chỉ cá nhân tôi mà hầu hết các sân khấu khác đều mất khoảng 1-2 năm mới có khả năng bù lỗ. Dù biết vất vả nhưng mình cứ hy vọng và tự tin.
Chưa có thương hiệu, đâu là điểm thu hút để Sân khấu Trịnh Kim Chi có thể lôi kéo khán giả đến với mình?
Khi mở sân khấu này, tôi xác định thị hiếu khán giả là yếu tố quan trọng nhất. Tôi nghĩ, nếu cứ chọn làm theo ý thích của bản thân rồi ép khán giả phải theo, đó không phải cách làm hợp lý. Đó là lý do trước khi bắt tay vào làm, tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu từ bạn bè, khán giả của mình tại khu vực này. Không chỉ đơn thuần là diễn kịch, sân khấu sẽ xen kẽ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau nhằm đáp ứng được đông đảo yêu cầu của khán giả.
Những kinh nghiệm từ khi mở sân khấu kịch cà phê trước đây giúp ích cho chị như thế nào?
Sân khấu kịch cà phê tôi từng mở giống như một mô hình chuyên nghiệp thu nhỏ, cũng được trang bị đầy đủ âm thanh, ánh sáng, hoạt cảnh... nơi các em học viên, các diễn viên trẻ được thỏa sức thể hiện đam mê của mình. Hạn chế lớn nhất là các em còn rụt rè, chưa tự tin để bước lên những sân khấu lớn nhưng tôi nghĩ, nó là bài học quan trọng giúp các em có cơ hội rèn giũa mình. Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng, từ sân khấu này tôi có thể cân đo được số lượng, thị hiếu khán giả, từ đó giúp bản thân mình có những lựa chọn tốt nhất.
Được biết, trong dịp khai trương sân khấu công diễn 4 vở diễn mới, trong đó có một vở do chị làm đạo diễn?
Trước đây, khi còn cộng tác với Sân khấu kịch Hồng Vân, tôi từng đảm nhận vai trò đạo diễn một lần nhưng bẵng đi một thời gian, tôi không còn nhiều cơ hội. Nhưng, một lý do quan trọng hơn, ở thời điểm này việc mời các đạo diễn vô cùng khó khăn nên tôi nghĩ dù có vất vả đến đâu, mình vẫn phải tự thân vận động, cố gắng dàn dựng những vở kịch chất lượng gửi đến khán giả. Riêng vở diễn Tiếng hát réo linh hồn, tôi rất thích thú và dành nhiều tâm huyết bởi nó chứa đựng tính nhân văn khi đề cập đến thân phận của người phụ nữ. Đây cũng là vở kịch được lựa chọn công diễn trong đêm khai mạc sân khấu.
Ai cũng nhận thấy, một khó khăn chung của các sân khấu là kịch bản. Đặt ra mục tiêu ban đầu là thu hút khán giả và tạo dựng thương hiệu, chị giải quyết bài toán đó như thế nào?
Ai làm ở lĩnh vực sân khấu đều biết rằng kịch bản hiện nay vô cùng khan hiếm. Một trong những hướng đi của tôi đó là khuyến khích chính các em học viên viết kịch bản và tôi là người trực tiếp hướng dẫn, chỉnh sửa bước một, sau đó khi ra sân khấu, đạo diễn sẽ tiếp tục có những thay đổi phù hợp cho nó thật logic, chắc chắn. Tôi cũng khuyến khích các đạo diễn trẻ gửi ý tưởng của mình, sau đó chúng tôi cùng ngồi lại bàn bạc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Tập trung cho sân khấu kịch, vậy những kế hoạch cho phim ảnh hay gia đình riêng của chị có bị ảnh hưởng?
Thời gian này thực sự vất vả với tôi khi phải dồn sức cho việc đi đóng phim, tổ chức sân khấu và chăm lo gia đình nhưng tôi nghĩ đó là cái nghiệp. Tôi cố gắng không làm việc nhiều vào ban đêm để dành quỹ thời gian đó cho gia đình, chồng con. Về phim ảnh, nói là ngưng nhưng thời gian vừa qua tôi vẫn tham gia dự án điện ảnh trong thời gian cho phép đồng thời được đoàn làm phim dành cho nhiều sự ưu ái.
VĂN TUẤN (thực hiện)